Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thế giới ghi nhận thêm 539.655 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 539.655 trường hợp mắc COVID-19 và 5.891 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 260,8 triệu ca, trong đó trên 5,2 triệu người không qua khỏi.

Theo TTXVN, số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 27/11 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 260.820.796 ca, trong đó có 5.205.398 người tử vong.

Trước sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm ở Nam Phi với tên gọi B.1.1.529, ngày 26/11, hàng loạt nước châu Âu và châu Á đã quyết định cấm nhập cảnh du khách từ quốc gia châu Phi này. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã triệu tập phiên họp khẩn cấp đặc biệt để bàn việc ứng phó với biến thể siêu lây nhiễm này.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế đi ngang trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” nằm ở châu Á và Đông Âu. Dịch bệnh đang tái bùng phát ở châu Âu khi số ca mắc mới tăng mạnh ở nhiều nước châu lục này. Châu Âu hiện chính là tâm dịch mới của thế giới.

Nhiều nước chứng kiến sự bùng phát của biến chủng mới, như Mỹ, Đức Anh, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và số ca mắc mới vẫn cao. Trong 1 ngày qua, Đức là nước có số ca mắc mới cao nhất (trên 72.000 ca), trong khi số ca tử vong mới cao nhất thế giới xảy ra tại Nga (trên 1.200 ca).

Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 231 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 19 triệu ca và trên 80.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 26/11, thế giới có 116 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 91 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 610 người tử vong. Tiếp đến là Bulgaria với 400 người và Bosnia-Herzegovina với 378 người/100.000 dân.

Xét theo khu vực, Mỹ LatinhCaribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 46,5 triệu ca mắc COVID-19. Châu Âu có hơn 82,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 1,5 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,2 triệu ca tử vong trong hơn 81,7 triệu ca mắc. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 58,6 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 222.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.900 người.

Châu Phi đang là điểm nóng của đại dịch COVID-19 sau khi các nhà khoa học Nam Phi thông báo đã phát hiện biến thể B.1.1.529 "có số lượng đột biến rất cao". Biến thể này cũng đã được phát hiện ở Botswana, Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), Israel và Bỉ trong số những du khách đến từ châu Phi. Diễn biến trên khiến nhiều nước như Đức, Anh, Italy, CH Séc, Singapore, Croatia, Malaysia, Maroc, Nhật Bản, Philippines... đã cấm hầu hết các hoạt động đi lại từ Nam Phi và các nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Praha, CH Séc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở Praha, CH Séc. Ảnh: AFP/ TTXVN

VTV cũng đưa tin, Hà Lan phải hoãn phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư và bệnh tim để lập phòng chăm sóc đặc biệt cho bệnh nhân COVID-19. Thậm chí, quốc gia này còn phải chuyển bớt bệnh nhân sang Đức vì quá tải.

Trong khi đó, hệ thống y tế của Đức cũng đang quá tải khi số ca mắc mới cứ mỗi 12 ngày lại tăng gấp đôi. Ngày hôm qua, 25/11, Đức đã ghi nhận cột mốc mới về số ca tử vong vì COVID-19. Chính phủ Đức không cho phép những người chưa tiêm chủng hoặc không có giấy chứng nhận âm tính với COVID-19 được quyền sử dụng các phương tiện giao thông công cộng như tàu điện.

Ngày 26/11, Viện Robert Koch (RKI) thông báo, trong 24 giờ qua, trên toàn nước Đức ghi nhận hơn 76.000 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất từ trước đến nay, và 357 ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm trung bình trong 7 ngày qua là 438 ca/100.000 dân, mức cao nhất cho tới nay và gấp gần 4 lần so với một tháng trước đó. 

Chính phủ Italy tuyên bố, từ ngày 4/12, chỉ những người đã tiêm vaccine COVID-19 hoặc đã có kháng thể sau khi hồi phục COVID-19 mới được đến các quán ăn trong nhà, vào rạp chiếu phim hoặc tham gia các sự kiện thể thao.

Áo thậm chí còn mạnh tay hơn khi tuyên bố áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 22/11 và trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Âu bắt buộc người dân phải tiêm vaccine từ ngày 1/2/2022.

Biến thể B.1.1.529 gây lo ngại trên toàn cầu hiện đã xuất hiện ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: AP)

Biến thể B.1.1.529 gây lo ngại trên toàn cầu hiện đã xuất hiện ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: AP)

Biến thể mới B.1.1.529, đang lây lan tại Nam Phi, là biến thể đáng lưu ý nhất được phát hiện cho đến nay kể từ sau biến thể Delta. Biến thể B.1.1.529 được cho là có khả năng lây nhiễm và kháng kháng thể mạnh hơn các biến thể trước đây. 

Theo cảnh báo được WHO đưa ra vào ngày 26/11, biến thể mới virus SARS-CoV-2 đang lây lan tại Nam Phi là đáng quan ngại. WHO vẫn đang nghiên cứu cách thức lây lan, tác động của biến thể mới đến các phương pháp điều trị và vaccine hiện nay. 

Điều đáng lo ngại là biến thể mới B.1.1.529 có protein gai khác hẳn protein ở chủng gốc, trong khi các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay đều được bào chế dựa trên protein ở chủng virus gốc. Việc biến thể mới B.1.1.529 của virus SARS-CoV-2 lần đầu phát hiện tại châu Phi có số lượng đột biến rất cao đã khiến nhiều nước quan ngại về nguy cơ lây lan của biến thể này và nhanh chóng đưa ra các biện pháp hạn chế.

Ngày 26/11, Anh và Israel đã hạn chế nhập cảnh đối với du khách từ một số quốc gia châu Phi Chính phủ Anh thông báo đưa thêm 6 quốc gia châu Phi gồm Nam Phi, Namibia, Lesotho, Eswatini, Zimbabwe và Botswana vào "danh sách đỏ" về hoạt động đi lại. Từ ngày 26/11, Anh sẽ tạm đình chỉ các chuyến bay đến từ 6 quốc gia châu Phi này và những du khách Anh trở về từ 6 quốc gia này sẽ phải cách ly.

Tương tự, 6 quốc gia trên và Mozambique cũng đã được đưa vào diện "cảnh báo đỏ" tại Israel liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Những người nước ngoài đến từ 7 quốc gia này sẽ không được phép nhập cảnh vào Israel. Người dân Israel trở về từ 7 quốc gia châu Phi trên sẽ phải cách ly bắt buộc trong vòng 7 ngày, ngay cả khi đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.

Ngày 26/11, Czech ghi nhận 27.717 ca mắc mới. Đến nay, tổng cộng trên 2 triệu người ở nước này đã nhiễm COVID-19, bao gồm hơn 32.600 người thiệt mạng.

Tại Bồ Đào Nha, để ngăn chặn tình trạng tăng mạnh số ca mắc mới, Chính phủ nước này đã quyết định tái áp đặt một số quy định hạn chế. Từ tháng 12, mọi hành khách đến nước này theo đường hàng không đều phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, kể cả đối với những người đã được tiêm chủng đầy đủ. Hãng hàng không nào vi phạm sẽ bị phạt 20.000 Euro (hơn 500 triệu đồng) cho mỗi hành khách.

Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 26/11 đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm tại 6 tỉnh cuối cùng, đồng thời thời nới lỏng thêm các quy định phòng chống dịch bệnh nhằm khôi phục nền kinh tế và ngành du lịch.

Thái Lan đã nới lỏng thêm các quy định phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: AP)

Thái Lan đã nới lỏng thêm các quy định phòng chống dịch bệnh. (Ảnh: AP)

 

Người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết, lực lượng đặc trách chống COVID-19 sẽ loại các tỉnh Tak, Nakhon Si Thammarat, Pattani, Yala, Narathiwat và Songkhla khỏi danh sách kiểm soát tối đa từ ngày 1/12 tới, đồng thời dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm ở những địa phương này.

Ngày 26/11, Cơ quan Hàng không dân dụng Singapore (CAAS) cho biết, nước này sẽ triển khai "làn đi lại" cho người đã tiêm đủ vaccine (VTL) với thêm 6 quốc gia gồm Thái Lan, Campuchia, Fiji, Maldives, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ. Với quyết định mới nói trên, tới nay Singapore đã mở cửa trở lại với tổng cộng 27 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước đại dịch COVID-19, du khách từ 27 điểm đến này chiếm khoảng 60% tổng lượng khách nhập cảnh tại sân bay Changi mỗi ngày.

Từ ngày 1/12 tới, Philippines sẽ thử nghiệm mở cửa lại biên giới cho khách du lịch từ một số quốc gia, một phần nỗ lực phục hồi kinh tế do đại dịch COVID-19. Du khách đã tiêm vaccine từ các quốc gia được coi là có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thấp sẽ được phép nhập cảnh trong khoảng thời gian 15 ngày đầu tiên của đợt này và có thể được gia hạn. Philippines đã đóng cửa biên giới với du khách quốc tế từ năm 2020. 

Ngày 26/11, Lào đã phê chuẩn việc tiêm mũi vaccine ngừa COVID-19 tăng cường cho lực lượng tuyến đầu bằng vaccine của hãng dược phẩm AstraZeneca với điều kiện những người này đã tiêm đủ 2 mũi tối thiểu được 5 tháng.

Đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 68.832 ca, trong đó có 147 người tử vong. Bộ Y tế Lào cho biết, tỷ lệ lây nhiễm chung của nước này trong 24 giờ qua là gần 27% (5.627 mẫu xét nghiệm), riêng tại thủ đô Vientiane, con số này là 34,6%. Hầu hết các ca tử vong do COVID-19 tại nước này đều chưa được tiêm vaccine.

Ngày 26/11, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, thành phố Thượng Hải đã phát hiện 3 trường hợp mắc COVID-19 trong cộng đồng với các triệu chứng được xác nhận vào ngày 25/11.Thành phố Từ Châu (ở phía Đông tỉnh Giang Tô, cách thành phố Thượng Hải khoảng 9 giờ lái xe) đã báo cáo một người mắc COVID-19 không triệu chứng vào ngày 25/11.Tính đến ngày 26/11, Trung Quốc đại lục đã báo cáo tổng cộng 98.583 trường hợp mắc, bao gồm cả người dân trong nước và người nhập cảnh từ nước ngoài. Tổng số người tử vong do COVID-19 ở nước này là 4.636 trường hợp.