Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thế nào là con dâu ngoan?

 
Nàng dâu thời hiện đại phải chịu rất nhiều áp lực.Ảnh: KT

Con dâu ngoan cấm được cãi chồng
 
Đa phần tất cả các bà mẹ chồng đều nhất trí quan điểm, con dâu ngoan là phải nghe lời và phục tùng vô điều kiện với chồng và bố mẹ chồng.“Hội nghị bàn tròn” của 5 bà mẹ chồng Huệ, Hương, Mai, Minh lúc nào cũng rôm rả bởi những câu chuyện “super soi” và quan niệm về “chuẩn con dâu” cười ra nước mắt.
 
Bà Huệ kể rằng, gia đình bà thật may mắn vì cưới được cô con dâu ngoan ngoãn, bảo gì nghe nấy. Thằng con bà tính cách lỗ mãng, nhiều khi ngoài xã hội có việc không vừa ý, nó về nhà mắng vợ xa xả nhưng con bé chỉ lặng im nghe chồng, không bao giờ cự nự. Nó còn nói đỡ cho chồng, bảo mẹ chồng rằng: “Chồng con tuy chửi mắng vợ thế nhưng trong lòng rất yêu vợ, thương con. Con không trách anh ấy đâu, những lúc anh tức giận, con rất thương mẹ ạ”. 
 
“Có con dâu hiểu biết như thế, cũng mừng các bà ạ”- bà Huệ hãnh diện ra mặt.
 
“Chả bù cho con dâu tôi”, bà Mai tiếp chuyện.Bà bảo, hiện giờ bà đang đau đầu lắm vì con dâu bà cứ cãi chồng nhem nhẻm. Thằng con giai bà bảo vợ ở nhà mở cửa hàng tạp hóa vừa kiếm được tiền, vừa có thời gian chăm lo gia đình, đi làm công chức Nhà nước làm gì, lương ba cọc ba đồng, thế mà nó không nghe, cứ đi làm đều đều. 7h sáng nó đã ra khỏi nhà, 6h tối mới về. Việc đưa đón hai đứa con đi học đều do thằng con bà phải đảm nhận, trong khi con trai bà thì bận trăm công nghìn việc. Đã thế, thỉnh thoảng con dâu bà còn đi tập huấn, công tác. Chồng bảo:“Không đi, ở nhà lấy ai trông con”, thế mà nó trợn mắt nhìn chồng: “Thế anh là bố nó mà không trông nổi 2-3 ngày được à. Tôi đi làm chứ đi chơi đâu mà anh cứ hoạnh họe thế. Anh đi nước ngoài, nước trong cả tuần tôi có ý kiến bao giờ không?Nhà cửa vẫn gọn gàng, con cái vẫn ngoan ngoãn. Anh lấy tôi về làm vợ hay muốn lấy vợ về làm osin”. 
 
“Cái con ranh con thạc sĩ ấy nó lắm lý luận lắm”, bà Mai buồn bã.
 
Con dâu ngoan phải đẻ được thằng cu nối dõi
 
Đang chuyện bà Mai, bà Huệ lại xen vào: “Nhưng ngoan ngoãn, vâng lời chồng như con dâu tôi mà không biết đẻ cũng chán các bà ạ. Nó đẻ 3 đứa con gái rồi, nhà tôi mong ngóng thằng cháu đích tôn mãi mà không thấy, chả biết có sống được đến khi cháu giai ra đời không”.
 
Ngay lập tức, các bà mẹ chồng xúm vào an ủi bà Mai: “Bà cứ bình tĩnh, nó còn trẻ, còn khỏe, còn đẻ được, cứ yên tâm mà chờ thằng cu”.
 
 
Sống chung với mẹ chồng, chuyện chưa bao giờ là đơn giản. Ảnh: KT
 
Con dâu ngoan phải biết hầu chồng
 
Bà Hương kể, con giai bà làm giám đốc, rất hay phải đi ăn uống với khách hàng, nhiều hôm về nhà say khướt. Như người ta, thấy chồng say thì phải dìu vào phòng, thay quần áo cho chồng, pha cốc nước chanh bột sắn dây hoặc cốc nước gừng để chồng giã rượu. Chồng nôn ói thì phải lấy chậu hứng và dọn dẹp ngay.Đằng này, con dâu bà kệ.Nó để mặc chồng nằm trên ghế sô-pha trong phòng khách, buồn nôn thì phải tự chạy ra nhà vệ sinh. Chân tay lảo đảo, có lúc chạy không kịp, thằng bé nôn cả ra sàn nhà, ấy vậy mà nó vẫn kệ. Thằng bé ngủ vật bên đống nôn ói bốc mùi. Sáng ra,bà nhìn thấy mà kinh tởm, gọi con dâu dọn dẹp khẩn trương, thế mà nó váy áo xúng xính,nói: “Muộn rồi, con phải đến cơ quan, hôm nay con có buổi họp quan trọng với ban giám đốc. Anh ấy lớn rồi, uống được thì dọn được, mẹ không phải lo”.
 
“Ôi trời ơi, trần đời tôi chưa từng thấy có cô con dâu nào như thế”, bà Hương thốt lên giọng đầy phẫn nộ. Con dâu đi rồi, cuối cùng bà đành phải nai lưng ra dọn đống chiến trường rồi nấu ăn sáng cho cậu con giai quý tử. Vừa lau dọn, bà vừa chảy nước mắt, cứ nghĩ con giai lấy vợ, sẽ được vợ hầu,ai dè, 70 tuổi đầu vẫn phải làm osin cho con cái.
 
Nghe câu chuyện “bi thương” của bà Hương, các bà mẹ chồng lập tức “an ủi”: “Đúng là con dâu bà thật chẳng ra gì. Đến chồng mình mà nó còn chả thương thì bố mẹ chồng sau này ốm đau bệnh tật nằm ra đấy, đừng có mà mơ nó chăm”.
 
Con dâu ngoan không được ăn bám chồng
 
Đến lượt bà Minhthan vãn, con dâu bà chỉ được mỗi cái quanh quẩn ở nhà quét dọn, cơm nước với chăm con cái, chả làm ra được đồng nào. Thằng con bà cứ phải chạy đôn, chạy đáo khắp nơi kiếm tiền về cho mấy cái tàu há mồm đang chờ ở nhà. Tiền ăn, tiền học, tiền điện, tiền nước, đối nội, đối ngoại, tiền gỉ tiền gì cũng một tay con bà lo. Nhìn con dâu nhà người ta quần áo là lượt, ngồi văn phòng máy lạnh bà phát thèm, vì cô con dâu bà lúc nào cũng tuềnh toàng, không biết ăn diện.
 
“Nhiều lúc đi đâu, tôi mất mặt vì nó” - bà Minh tâm sự.
 
Nghe chuyện các bà mẹ chồng, có lẽ nghe quanh năm, nghe cả đời không hết.Còn rất nhiều tiêu chuẩn “con dâu ngoan” mà để “đạt” được nó, rất xa vời.Đáng ra, cũng cảnh đã từng làm dâu, mẹ chồng phải thương nàng dâu mới đúng, vậy mà…
 
Đôi khi, sự bất bình đẳng không đến từ đàn ông mà đến ngay từ chính những người phụ nữ.Quan niệm cưới con dâu về để hầu, để đẻ, con dâu thì không được phép lý luận với chồng hay bố mẹ chồng đã quá lạc hậu. Con dâu không phải người hầu cho nhà chồng, cũng không phải cái máy đẻ. Cô ấy cũng đi làm, kiếm tiền hoặc ở nhà làm nội trợ với hàng trăm công việc không tên, và cần được đối xử bình đẳng, được tôn trọng và có quyền đưa ra quan điểm, từ chối các yêu cầu của chồng/gia đình chồng nếu thấy không hợp lý.  

Bình Yên/TC GĐ&TE