Bộ qui tắc Quấy rối tình dục vừa được công bố đã nhận được nhiều sự quan tâm người lao động, doanh nghiêp. Nghiên cứu năm 2012 về việc QRTD của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, có đến hơn 78% nạn nhân bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc là nữ giới, độ tuổi từ 18 đến 30, trong đó có tới 80% nạn nhân không hiểu rõ hình thức nào có thể được coi là QRTD.
Chớ dại mà… liếc mắt đưa tình
Bộ quy tắc ứng xử về QRTD ra đời gây nhiều ý kiến trái chiều trong giới chủ sử dụng lao động. Anh Nguyễn Văn Nam, Giám đốc một Cty xuất nhập khẩu (trụ sở ở Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội), chia sẻ, mặc dù nội quy Cty không có điều khoản nào nhắc đến QRTD, nhưng những hành vi sàm sỡ, đụng chạm, hoặc nặng nề như tấn công tình dục đương nhiên là bị cấm, còn việc trêu chọc, đưa chủ đề về tình dục vào những câu chuyện thì có thể chấp nhận.
Theo anh Nam, việc xếp hành vi "liếc mắt đưa tình, nháy mắt liên tục" vào dấu hiệu QRTD là hơi nặng nề. Cty do anh Linh quản lý có hơn 30 nhân viên, chủ yếu là nam thanh niên. Đôi khi hết giờ, sếp và nhân viên ngồi nói chuyện phiếm để giải tỏa căng thẳng.
"Chủ đề của đàn ông có nhiều lúc câu chuyện xoay quanh dáng người cô này đẹp, cô kia eo thon. Nếu nhận xét như vậy được coi là QRTD thì chắc là đàn ông không còn chuyện gì để nói", anh Nam chia sẻ.
Nhắc đến bộ quy tắc ứng xử về QRTD tại nơi làm việc vừa được ban hành, chị Nguyễn Thị Xuân, nhân viên Cty kinh doanh ô tô Hà Nội tủm tỉm cười: “Đọc qua mình thấy hàng ngày đã bị quấy rối và cũng vô tình quấy rối nhiều người". Theo lời chị Xuân, các dấu hiệu QRTD mà bộ quy tắc đưa ra như “cái nhìn gợi tình”, “nháy mắt liên tục”, hoặc nói bóng gió về trang phục hay cơ thể của người nào đó... xuất hiện phổ biến tại nhiều cơ quan, doanh nghiệp.
Đôi khi những hành vi trên đến từ cả hai phía nam và nữ. Nhiều người cho đó là hành động đùa vui để giảm stress sau giờ làm việc mà không nghĩ rằng đó là QRTD. "Theo tôi quấy rối phải ở mức độ nặng hơn, như cố tình động chạm, ôm ấp mà người ta không mong muốn, thậm chí là cưỡng dâm", chị Xuân nói.
Chị Trần Thị Hằng, quản lý bộ phận sản xuất một Cty liên doanh cho biết, đơn vị đã đưa hành vi QRTD vào nội quy, nhưng chỉ chiếm một điểm nhỏ trong các quy định và không nói rõ quấy rối ở mức độ nào. Chị Hằng cho rằng, người lao động nhìn chung ngại nói đến vấn đề này.
Trên thực tế nhiều nữ nhân viên khi bị đồng nghiệp quấy rối có thể phản ứng lại bằng cách nói thẳng, nhưng khi người quấy rối là cấp trên lại rất khó nói ra, lo sợ là sợ mất việc hoặc bị trù úm.
Nhìn vào môi trường làm việc của người Việt Nam, việc tự ý thức được rất khó. Nếu đưa ra bộ quy tắc, rồi áp dụng thành nội quy nhưng không có chế tài xử phạt, không có chế độ bảo vệ những người bị quấy rối, đặc biệt là lao động nữ, liệu có tác dụng gì?", chị Hằng đặt câu hỏi.
Doanh nghiệp được hưởng lợi
Theo bà Lisa Wong, chuyên gia nghiên cứu về giới của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), khó khăn lớn nhất để bộ quy tắc ứng xử về QRTD đi vào cuộc sống là các doanh nghiệp không sẵn lòng thực hiện khi đây không phải văn bản pháp luật, không có chế tài xử phạt. Bà Lisa Wong khuyến cáo, các doanh nghiệp nên thực hiện bộ quy tắc ngay từ bây giờ, bởi nếu áp dụng, doanh nghiệp chỉ có lợi mà không mất gì.
Những hành vi mang tính chất QRTD xảy ra tại các bối cảnh kể trên cũng vẫn được xếp vào hành vi QRTD tại nơi làm việc. (Ảnh minh họa)
Như phân tích của bà Lisa Wong, tác động của việc bị QRTD đến người lao động rất lớn, gây tâm lý khó chịu hoặc lo lắng, ảnh hưởng đến công việc, giảm năng suất. Trong trường hợp này, người bị thiệt là chủ sử dụng lao động, chưa kể đến việc người lao động có thể xin nghỉ việc khiến doanh nghiệp mất phí đào tạo và công tuyển dụng.
Những doanh nghiệp xuất khẩu muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài đặc biệt có lợi khi áp dụng bộ quy tắc này, bởi ngoài hàng hóa thì bên đặt hàng còn muốn chắc chắn quyền con người ở nơi sản xuất không bị vi phạm. QRTD tại nơi làm việc chính là phân biệt đối xử, vi phạm quyền con người. Những quy tắc này trong giao dịch thương mại ngày càng phổ biến và được thắt chặt hơn.
"Doanh nghiệp bỏ lỡ điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận và cơ hội mở rộng thị trường. Trong quá trình xây dựng, bộ quy tắc nhận được sự đồng thuận của cả ba bên là Chính phủ, đại diện người lao động và đại diện chủ sử dụng lao động. Khi các bên đã thống nhất với nhau cam kết sẽ thực hiện, thì không có lý gì doanh nghiệp lại phân vân", bà Wong phân tích.
Bà Lisa Wong, chuyên gia nghiên cứu về giới của ILO.
Năm 1998, Cty Mitsubishi (Nhật Bản) chấp nhận trả 34 triệu USD cho lao động nữ tại nhà máy nằm ở Normal, bang Illinois (Mỹ). Cty bị cáo buộc để môi trường làm việc không thân thiện với phụ nữ mà không có giải pháp gì kể từ ít nhất là năm 1990. Ngoài khoản tiền nói trên, Mitsubishi phải trả thêm vài triệu USD nữa cho những vụ kiện cá nhân.
Lao động nữ ở nhà máy trên thường xuyên bị lạm dụng về lời nói, phải nghe những trò đùa tục tĩu, chịu đựng những hành vi và cả những hình vẽ lên tường mang tính tình dục. Một nhân viên nam thậm chí còn bắn súng hơi vào giữa hai chân của một nhân viên nữ. Môi trường làm việc đầy tính lạm dụng như vậy khiến nhiều nhân viên nữ nghỉ việc.
Những người khác bị từ chối được thăng chức khi họ không chấp nhận những đề nghị về tình dục để đổi lại. "Tôi hy vọng, Việt Nam cũng sẽ sớm đưa vấn đề này vào luật", bà Wong nói.
Bà Lisa Wong, chuyên gia nghiên cứu về giới của ILO: Chia sẻ về kinh nghiệm áp dụng bộ quy tắc ứng xử với QRTD tại nơi làm việc, bà Wong cho biết, phần lớn các nước đều đưa vấn đề này vào luật hoặc quy định rõ ràng và cụ thể, buộc các doanh nghiệp phải thực hiện. Các nước đang phát triển như Malaysia cũng đã làm được điều này, trong khi QRTD ở nước này còn là vấn đề nhạy cảm hơn nhiều so với Việt Nam. |
o
Các hình thức quấy rối tình dục - Hành vi quấy rối thể chất (tiếp xúc, cố tình đụng chạm, sờ mó, cấu véo, thậm chí tấn công tình dục, cưỡng dâm). - Hành vi quấy rối bằng lời nói: Nhận xét không phù hợp, không đứng đắn, có ngụ ý về tình dục, đề nghị, yêu cầu không được mong muốn một cách liên tục. - Hành vi quấy rối phi lời nói: Ngôn ngữ cơ thể không đứng đắn, nháy mắt, phô bày tài liệu khiêu dâm. Bộ quy tắc được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp, không kể quy mô. Thuật ngữ "nơi làm việc" không chỉ bao hàm những địa điểm cụ thể nơi thực hiện công việc như văn phòng hay nhà máy, mà còn là những địa điểm khác có liên quan đến công việc như các cuộc hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, các bữa ăn liên quan đến công việc.. |