Ít điểm sáng
Tham dự Olympic Tokyo 2020 với 18 VĐV tranh tài ở 11 môn thi đấu, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) không đặt chỉ tiêu có huy chương. Dù vậy, những gương mặt như: Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ), Kim Tuyền (taekwondo)... được kỳ vọng giành thành tích cao.
Tuy nhiên, điểm sáng của đoàn TTVN ở Olympic 2020 lại đến từ những VĐV không được đánh giá cao. Đó là tấm vé vào bán kết lịch sử của Quách Thị Lan ở nội dung 400m rào. VĐV quê Thanh Hóa là VĐV châu Á duy nhất làm được điều này ở Thế vận hội năm nay và là VĐV Việt Nam đầu tiên trong lịch sử vào đến bán kết một nội dung chạy ở Thế vận hội.
Nỗ lực của tay vợt Nguyễn Thuỳ Linh cũng rất đáng khen ngợi. VĐV sinh năm 1997 kết thúc bảng P với 2 trận thắng, 1 thua. Cô đứng thứ hai sau tay vợt số một thế giới người Đài Loan Tai Tzu Ying - người sau đó đã vào chung kết và giành HCB nội dung đơn nữ.
Ngoài 2 gương mặt trên, Huy Hoàng trong lần đầu tiên tham dự Olympic cũng đã thể hiện sự cố gắng rất lớn. VĐV người Quảng Bình xếp 20/33 nội dung 800 tự do 12/28 nội dung 1.500 m tự do. Huy Hoàng cũng là VĐV châu Á duy nhất lọt vào top 20 ở 2 nội dung của mình.
Những VĐV khác như: Nguyễn Văn Đương, Nguyễn Thị Tâm (boxing) hay Lường Thị Thảo và Đinh Thị Hảo đều chiến thắng chính mình, để lại hình ảnh đẹp ở sân chơi Thế vận hội.
Không vượt qua chính mình
Dù là đương kim vô địch ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam nhưng Hoàng Xuân Vinh không được đánh giá cao ở Thế vận hội lần này. Xạ thủ quân đội chỉ đến Tokyo với tấm vé mời và không được tập luyện nhiều. Kết quả, Hoàng Xuân Vinh xếp hạng 22/36, không thể vào chung kết để bảo vệ tấm HCV đã xuất sắc giành được cách đây 5 năm.
Thạch Kim Tuấn cũng có một kỳ Olympic đáng quên khi không thực hiện thành công cả 3 lần cử đẩy, khiến anh từ chỗ là niềm hy vọng huy chương đã không được xếp hạng ở môn cử tạ hạng 61kg.
Nguyễn Tiến Minh đã đi vào lịch sử TTCN khi tham dự kỳ Olympic thứ 4 liên tiếp. Nhưng ở tuổi 38, dù đã rất cố gắng nhưng những gì mà tay vợt người TP. Hồ Chí Minh thể hiện cho thấy anh còn thua quá xa các đối thủ.
Một trường hợp rất được kỳ vọng là Kim Tuyền ở môn taekwondo khi võ sĩ ngày là người hiếm hoi được tập huấn quốc tế trước khi tranh tài ở Olympic. Nhưng Kim Tuyền không có sự cải thiện đáng kể về thành tích, ngược lại bộc lộ hạn chế về kỹ thuật, thể lực.
Tương tự, thất bại của Ánh Viên cũng để lại nhiều suy nghĩ. Cả 2 nội dung mà Ánh Viên tham dự là 200m tự do và 800m tự do đều kém quá xa đối thủ và chính mình. Những đại diện ưu tú nhất của thể dục dụng cụ, bắn cung, judo... cũng không thể làm nên bất ngờ, thậm chí không thể chiến thắng chính mình.
Thể thao Việt Nam đang đứng ở đâu?
Đoàn TTVN đã không có sự chuẩn bị tốt nhất cho Thế vận hội lần này vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhưng khi so sánh với các quốc gia trong khu vực, rõ ràng thành tích của đoàn TTVN là đáng thất vọng và cần rút ra bài học. Ở Đông Nam Á, Indonesia giành 1 HCV, 1 HCB và 2 HCĐ, trong khi Thái Lan và Philippines đều có 1 HCV, Malaysia có 1 HCĐ.
Vấn đề tâm lý đã được nói tới ở những thất bại của Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn, Kim Tuyền. Nhìn sâu xa, TTVN chưa làm tốt khâu đào tạo, huấn luyện, cũng như chất lượng VĐV thua kém ngay cả với các quốc gia khu vực. Nhiều năm qua, TTVN mới chỉ gây chú ý ở sân chơi SEA Games, khi bước ra đấu trường lớn như Olympic cho thấy sự hụt hơi về lực lượng và những nội dung thế mạnh. Đó là chưa kể hướng đầu tư của chúng ta cũng để lại nhiều sự bất cập, rõ nhất là trường hợp của Ánh Viên. Điều đáng lo nữa là TTVN đang có một khoảng trống lớn VĐV kế cận. Tất cả hạn chế đang khiến TTVN thụt lùi với khu vực và chính mình nếu xét về mặt thành tích. Hy vọng, những bài học sẽ được ngành thể thao rút ra một cách nghiêm túc để có thể "nhanh hơn, cao hơn, mạnh hơn" trong tương lai.