Năm 2024 ít điểm sáng
Sân chơi lớn nhất của thể thao Việt Nam trong năm 2024 là Olympic Paris. Ở giải đấu số 1 hành tinh, lực lượng vận động viên (VĐV) Việt Nam tranh tài xét về chất lượng không có gương mặt nào đảm bảo nằm trong nhóm giành huy chương. Trịnh Thu Vinh được xem là VĐV có cơ hội cao nhất, nhưng đã để tuột tấm HCĐ trong gang tấc.
Hai lần vào chung kết của xạ thủ Công an nhân dân chính là điểm sáng nhất của đoàn thể thao Việt Nam tại Thế vận hội.
Môn cử tạ, lực sĩ Trịnh Văn Vinh thậm chí không nâng thành công bất kỳ mức tạ nào và bị loại ngay sau phần thi cử giật. Ở các bộ môn khác, Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông) không vượt qua vòng bảng, Hà Thị Linh, Võ Thị Kim Ánh (boxing) không thể tiến vào vòng tứ kết, Nguyễn Huy Hoàng (bơi) đứng ngoài top 20 cả 2 đợt bơi vòng loại các nội dung 800m tự do và 1.500m tự do...
Sau kỳ tích mang tên Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016, Việt Nam đã trải qua 2 kỳ Thế vận hội liên tiếp trắng tay.
Năm 2024, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam có những thành tích đáng khen ngợi. Đó là, tại FIVB Challenger Cup 2024 diễn ra vào tháng 7 tại Philippines, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam làm nên lịch sử khi lần đầu tiên giành được huy chương ở một giải đấu cấp độ thế giới.
Chiến thắng trước đội tuyển Bỉ hùng mạnh giúp Trần Thị Thanh Thúy và đồng đội cán đích ở vị trí thứ 3 chung cuộc, trong lần thứ 2 liên tiếp dự giải đấu danh giá này.
Trước đó, vào tháng 5, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam bảo vệ thành công chức vô địch AVC Challenge Cup 2024. Đây được coi là một chiến tích lẫy lừng của thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Kiệt, khẳng định vị thế của bóng chuyền nữ nước nhà ở các sân chơi cấp châu lục.
Ngoài hai chiến tích trên, bóng chuyền nữ Việt Nam còn gặt hái được những thành công khác trên đấu trường quốc tế với tấm Huy chương Bạc cả hai chặng giải Đông Nam Á SEA V-League 2024, hay làm nên lịch sử khi lần đầu giành quyền tham dự giải vô địch bóng chuyền nữ thế giới diễn ra tại Thái Lan năm 2025.
Đầu tư trọng điểm, chờ vươn tầm
Ngày 15/10/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1189/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược đưa ra 9 nhiệm vụ, giải pháp ở các mảng: Thể dục, thể thao cho mọi người; thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp; hợp tác quốc tế; thông tin, truyền thông; thể chế, pháp luật; khoa học công nghệ, y học thể thao; nguồn lực phát triển; kinh tế thể thao và ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Đặc biệt, chiến lược cũng đặt mục tiêu cụ thể cho thể thao Việt Nam ở đấu trường quốc tế. Theo đó, từ nay đến năm 2030, thể thao Việt Nam thường xuyên duy trì vị trí trong nhóm 3 đoàn dẫn đầu tại các kỳ SEA Games và trong nhóm 20 đoàn dẫn đầu các kỳ Asian Games; có huy chương tại các kỳ Olympic và Paralympic.
Định hướng đến năm 2045, duy trì vị trí trong nhóm hai đoàn dẫn đầu ở các kỳ SEA Games, trong nhóm 15 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Asian Games, trong nhóm 50 đoàn dẫn đầu tại các kỳ Olympic.
Báo cáo từ Cục Thể dục thể thao tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ 2025, VĐV Việt Nam đã giành tổng cộng 1.365 huy chương quốc tế ở các môn thể thao thành tích cao, trong đó có 542 HCV, 406 HCB và 417 HCĐ.
Trong năm 2025, ngoài mục tiêu trọng điểm SEA Games 33, thể thao Việt Nam sẽ tham dự những giải đấu quốc tế quan trọng gồm các giải vô địch và cúp ở các cấp độ Đông Nam Á, châu Á và thế giới.
Cục trưởng Đặng Hà Việt cho biết, năm 2025 sẽ còn nhiều thách thức, khó khăn, song toàn ngành quyết tâm nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Mục tiêu quan trọng được ngành thể thao đặt ra là giữ vững trong tốp đầu tại SEA Games 33 tổ chức ở Thái Lan. Trong đó, phấn đấu dẫn đầu các môn Olympic, Asiad tại đại hội.
Cục Thể dục thể thao thống nhất chọn 17 môn đầu tư trọng điểm từ năm 2025 gồm: Bơi, bắn súng, bắn cung, boxing, cầu lông, cử tạ, điền kinh, đua thuyền, đấu kiếm, thể dục dụng cụ, taekwondo, xe đạp, judo, vật (nhóm môn Olympic) và wushu, cầu mây, karate (nhóm môn Asiad).
Mai Hương
Báo Lao động và Xã hội số 1