Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho biết, ngay trong ngày 6/4, tại đây tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc rượu. Một trường hợp 52 tuổi (ở Ngọc Khánh, Ba Đình) đã uống rượu ở khu vực Kim Mã, La Thành khoảng 24 giờ trước khi nhập viện. Bệnh nhân này nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, tổn thương cả 2 bên bán cầu não, nồng độ methanol trong máu là 45mg/dl...
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân 41 tuổi (ở Ô Chợ Dừa, Đống Đa), trước khi vào Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị nhiễm trùng, viêm phổi, viêm gan C tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương. Tuy nhiên, khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới gửi mẫu bệnh phẩm kiểm tra, kết quả, bệnh nhân này bị ngộ độc rượu methanol. Hiện cả 2 bệnh nhân đều đã được cấp cứu tích cực, lọc máu, điều trị giải độc, nhưng tình trạng vẫn rất nặng.
Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc chiều 8/4 (ảnh HNM).
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong tháng 2 và đầu tháng 3/2017, trên địa bàn thành phố xảy ra 26 trường hợp ngộ độc rượu methanol, trong đó có 4 trường hợp tử vong. Qua kiểm tra 5.560 cơ sở, cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý 726 cơ sở, niêm phong gần 54 nghìn lít rượu chưa rõ nguồn gốc, tiêu hủy 1.870 lít rượu không có nguồn gốc, phạt tiền hơn 1,1 tỷ đồng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, sau khoảng 1 tháng tạm lắng, trên địa bàn Hà Nội lại xuất hiện 2 trường hợp ngộ độc methanol. Điều đó cho thấy, sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng thời gian qua vẫn chưa giải quyết tận gốc của vấn đề. Với quy trình nấu rượu của người dân Việt Nam, ngay cả khi nấu thủ công cũng không thể gây ra ngộ độc methanol. Những trường hợp ngộ độc nêu trên là do uống phải rượu pha cồn công nghiệp. Do vậy, cơ quan chức năng cần phải xử lý mạnh tay hơn nữa. Chừng nào người dân còn chấp nhập sử dụng rượu trắng không rõ nguồn gốc trên thị trường thì vẫn còn trường hợp ngộ độc rượu methanol nhập viện.