Bệnh nhân là T.T.L, nữ (SN 1952), trú tại thôn 11, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.
Ngay sau khi ghi nhận trường hợp mắc bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã nhanh chóng điều tra ca bệnh, đồng thời thông báo thông tin ca bệnh cho Trung tâm Y tế huyện Ea Súp và hướng dẫn các biện pháp điều tra, xử lý môi trường, chỉ đạo cho Trung tâm Y tế huyện tiếp tục theo dõi tình hình bệnh trên địa bà; Phối hợp với ngành Thú Y địa phương trong việc chia sẻ thông tin về tình hình bệnh và phối hợp trong điều tra, xử lý môi trường nơi ghi nhận ca bệnh.
Theo người nhà bệnh nhân, vào ngày 19/8, bệnh nhân có biểu hiện sốt, kèm đau đầu, đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Qua theo dõi và làm các xét nghiệm, đã cho kết quả dương tính với vi khuẩn Streptocotus Suis. Hiện bệnh nhân đang được điều trị với chẩn đoán viêm màng não mủ do Streptocotus Suis. Được biết, trước đó bệnh nhân có ăn nội tạng lợn cùng gia đình tại nhà, thực phẩm đã được chế biến và đun nấu.
Liên cầu khuẩn lợn có tên khoa học là Streptococcus suis, là một tác nhân gây bệnh quan trọng ở lợn và đôi khi có thể gây bệnh trên người. Loại vi khuẩn này thường cư trú ở đường hô hấp, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn, ngoài ra nó cũng tồn tại ở một số loài động vật khác như: bò, dê, cừu, chó, mèo,…
Vi khuẩn liên cầu lợn có thể lây sang người do tiếp xúc trực tiếp (qua vết thương ở da và niêm mạc). Cụ thể, vi khuẩn lây truyền qua tổn thương trên da của người giết mổ, chế biến hoặc ăn thịt lợn bệnh chưa được nấu chín. Những người dễ khởi phát bệnh do liên cầu lợn chủ yếu là các đối tượng bị suy giảm miễn dịch như người già yếu, đã từng phẫu thuật cắt lách, nghiện rượu, có bệnh mạn tính trong người. Streptococcus suis có thể gây nhiều bệnh lý như nhiễm độc tiêu hóa, viêm màng não, viêm phổi, xuất huyết, viêm khớp và viêm cơ tim. Nặng hơn, người bệnh có thể bị sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, suy hô hấp và suy đa tạng, dễ dẫn tới tử vong. Trong đó, viêm màng não là thể bệnh khá thường gặp.