Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – Dương Quang Thành cho biết: EVN và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã làm việc về công tác bàn giao dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 và quá trình trao đổi giữa 2 bên đang được tiếp tục.
Dự kiến, cuối năm 2017, EVN sẽ khởi công dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 để đáp ứng tiến độ đề ra. Đồng thời, EVN sẽ kiến nghị với Bộ Công Thương cho phép đẩy nhanh tiến độ của Nhiệt điện Quảng Trạch 2, phấn đấu đưa vào vận hành sớm hơn 5 năm so với Quy hoạch nhằm đảm bảo cấp điện cho giai đoạn 2025 trở về sau.
Trong đó, lãnh đạo Tập đoàn cũng cho biết những nhà máy này sẽ được đầu tư công nghệ hiện đại, đặc biệt là các thiết bị bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Dương Quang Thành khẳng định EVN đã có phương án thu xếp đủ nguồn vốn đầu tư. Theo đó, EVN mong muốn sự hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ của địa phương trong quá trình triển khai như thủ tục chuyển giao đất từ PVN sang EVN, công tác di dân giải phóng mặt bằng, đảm bảo an ninh khu vực triển khai dự án,…
Về phía địa phương, ông Hoàng Đăng Quang - Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng bày tỏ mong muốn EVN đẩy nhanh tiến độ các thủ tục đầu tư. Lãnh đạo địa phương cam kết tỉnh Quảng Bình sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để EVN triển khai các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch.
Trước đó, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về tình hình thực hiện các dự án nguồn điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh và các giải pháp đảm bảo cung cấp điện cho miền Nam theo thông báo số 338/TB-VPCP ngày 18/10/2016 của Văn phòng Chính phủ, EVN được giao làm chủ đầu tư các dự án thuộc Trung tâm Điện lực Quảng Trạch gồm: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (nhận chuyển giao từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) và Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 2 (trước đó do Tập đoàn Inter RAO của Nga nghiên cứu phát triển dự án).
Cũng theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 sẽ đi vào vận hành từ năm 2021 (tổ máy 1) và 2022 (tổ máy 2). Đối với Nhiệt điện Quảng Trạch 2 là 2028 (tổ máy 1) – 2029 (tổ máy 2). Mỗi nhà máy có công suất 1.200 MW (2 tổ máy 600 MW).
Liên quan tới các dự án nhiệt điện, mới đây, Tổng cục Năng lượng đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thảo luận với Tổ hợp Nhà đầu tư Dự án BOT Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Nghi Sơn 2 tại Thanh Hoá về các tài liệu của dự án. Đến nay, quá trình thảo luận đã kết thúc và hai Bên vừa ký Thỏa thuận đầu tư vào ngày 8/11/2016.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, cả nước hiện có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với tổng công suất đặt máy 13.110 MW, tiêu thụ khoảng 45 triệu tấn than/năm, với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15.700 triệu tấn/năm. Dự kiến tới năm 2020 có thêm 12 dự án nhiệt điện được đưa vào hoạt động và tổng công suất lắp đặt nhà đầu tư là 24.370 MW.
Trên thực tế, với việc cung cấp cho hệ thống điện lưới quốc gia hàng tỷ KWh điện mỗi năm, các nhà máy nhiệt điện đã có những đóng góp nhất định cho phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, với một lượng lớn xỉ thải, khói bụi thải ra môi trường, những nhà máy nhiệt điện này cũng đang khiến người dân và vùng phụ cận các nhà máy nhiệt điện hết sức lo ngại về tình trạng ô nhiễm không khí, nguồn nước sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay có 20 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành với lượng tro xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, các nhà máy chưa tìm được giải pháp đầu ra cho tro xỉ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 1696/QĐ-TTg về một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng ngày 23/9/2014.