Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền trao tặng sữa cho học sinh huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre
Sự cần thiết phải sửa đổi
Sửa đổi Luật bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhằm thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013 về việc thực hiện các quyền của trẻ em, tuân thủ các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia, đồng thời khắc phục những hạn chế của Luật hiện hành nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật. Uỷ ban VHGDTNTNNĐ cho rằng đây là việc làm cần thiết.
Theo đó, để chuẩn bị cho công tác thẩm tra Dự án Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em (sửa đổi) Ủy ban đã tiến hành khảo sát việc thực hiện Luật BVCSGDTE giai đoạn 2004 - 2014 tại 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị và Bình Phước.
Theo báo cáo khảo sát này, sau 10 năm thực hiện pháp luật và chính sách bảo vệ trẻ em, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt so với tổng số trẻ em đã giảm từ 5,8% ( năm 2007) xuống còn 5,64% (năm 2014). Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc tăng từ 55% (năm 2005) lên 82% năm 2014. Nhiều đối tượng trẻ em thiệt thòi được chăm sóc, nuôi dưỡng...Số trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em lang thang đã giảm đáng kể.
Đặc biệt có hơn 22.580 trẻ em đang được nuôi dưỡng trong các cơ sở bảo trợ xã hội hoặc trợ giúp trẻ em. Trong đó, có hơn 10.220 em hiện đang được chăm nuôi trong 313 cơ sở do Nhà nước thành lập và hơn 12.359 em được chăm nuôi trong 341 cơ sở do các tổ chức xã hội và tư nhân thành lập.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban VHGDTNTNNĐ cho rằng, thực tế công tác bảo vệ trẻ em thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Trong đó phải kể đến như đối tượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang ngày một tăng cao. Tính đến năm 2014, số trẻ này chiếm đến 8,36% tổng số trẻ em, lớn hơn tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Cũng theo bà Minh, nhóm trẻ em bị mua bán, bắt cóc, trẻ em bị ngược đãi, bạo lực, trẻ em trong các gia đình nghèo và trẻ em bị tai nạn thương tích chính là nhóm có nguy cơ cao rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Bên cạnh đó, việc bảo vệ sự công bằng trong thụ hưởng ngân sách Nhà nước với một số nhóm trẻ có hoàn cảnh đặc biệt chưa được Chính phủ đặt ra dựa trên cách tiếp cận quyền của trẻ em, đặc biệt là việc bảo vệ trẻ em trước sự phân biệt đối xử, sự hòa nhập cộng đồng của nhóm trẻ khuyết tật, tàn tật, trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS...cho thấy việc sửa đổi Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em hiện hành là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cũng như bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Đề cập nhiều đến vấn đề quyền của trẻ
Góp ý về Dự thảo Luật BVCSGDTE (sửa đổi), đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Luật phải đi vào được cuộc sống, dự thảo Luật đề cập nhiều đến vấn đề quyền của trẻ em nhưng chưa xác định được hoạt động cụ thể hay việc vận dụng vào thực tế như thế nào mà mới chỉ dừng lại ở việc đưa ra những nguyên tắc, nguyên lý nhiều hơn.
Đại biểu Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc nêu ý kiến tại phiên họp
Đại biểu Dương Trung Quốc cũng cho rằng, vẫn còn rất nhiều vấn đề dự thảo Luật BVCSGDTE (sửa đổi) chưa đề cập đến. Đối với trẻ em, Luật cần phải đi liền với tâm - sinh lý của các cháu hay các quyền của trẻ em cần phải gắn liền với hoàn cảnh thực tiễn, yêu cầu xã hội. Chẳng hạn như Luật có cấm trẻ em được yêu, được sử dụng mạng xã hội, các mặt trái mà internet đem lại...Bên cạnh đó, Luật cũng phải dựa trên điều kiện kinh tế, phù hợp với môi trường sống của các cháu thì khi ban hành mới đảm bảo được sự khả thi, tính hiệu quả mà Luật mang lại.
Một số đại biểu khác cũng cho rằng: Việc quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi hay dưới 18 tuổi cần được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng hơn.
Về cơ quan đại diện cho trẻ em và cơ chế giám sát quyền trẻ em, một số đại biểu cũng đã đưa ra ý kiến đồng ý với dự thảo Luật là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là tổ chức đại diện cho trẻ em Việt Nam, có nhiệm vụ tổ chức thực hiện chức năng đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em. Tuy nhiên một số đại biểu cho rằng việc giám sát, quản lý việc thực hiện quyền trẻ em là Bộ LĐ-TB&XH chứ giao nhiệm vụ này cho Hội bảo vệ quyền trẻ em hay Hội Liên hiệp phụ nữ là không phù hợp.
Tại phiên họp, ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTNNĐ cũng đã xin ý kiến các đại biểu về việc hỗ trợ giáo dục đối với trẻ em mầm non. Theo ông Thi, trên thực tế, hiện nay mới chỉ có các đối tượng trẻ em mầm non thuộc các cơ sở giáo dục công lập được hưởng các hỗ trợ của Nhà nước còn các cơ sở ngoài công lập hiện vẫn chưa được tiếp cận sự hỗ trợ gì. "Số lượng các em được vào cơ sở mầm non công lập chỉ có hạn dẫn đến sự thiệt thòi, chưa có sự công bằng đối với cho các trẻ em khác", ông Đào Trọng Thi băn khoăn.
Tại Hội thảo này, ông Đào Trọng Thi cho biết, sẽ tiếp thu mọi ý kiến, góp ý của các đại biểu cho dự thảo Luật BVCSGDTE (sửa đổi) để tiếp tục thảo luận, xem xét, chỉnh lý phù hợp nhằm hoàn chỉnh trình Quốc hội trong thời gian tới.