Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thêm niềm vui đến lớp cho trẻ với giờ uống Sữa học đường

Sữa học đường là chương trình quốc gia nằm trong nỗ lực cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em trong độ tuổi mầm non và tiểu học. Việc bổ sung dinh dưỡng phù hợp sẽ giúp góp phần tăng cường thể chất, thể lực, trí tuệ trong độ tuổi học đường – độ tuổi vàng của sự phát triển. Với sự chung tay của toàn xã hội, trong các năm qua, hàng triệu học sinh cả nước đã được chăm sóc về dinh dưỡng tốt hơn khi được thụ hưởng chương trình Sữa học đường.

Chương trình Sữa học đường theo hình thức xã hội hóa với nguồn kinh phí thực hiện đến từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp hỗ trợ và phụ huynh đóng góp. Trong đó, Vinamilk là doanh nghiệp tích cực đồng hành triển khai tại 23 tỉnh thành, mang sữa đến hơn 3,3 triệu học sinh bậc mầm non và tiểu học. Nhiều em ban đầu còn bỡ ngỡ với hoạt động mới, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, giờ uống sữa giờ đây là những giây phút thư giãn vui vẻ quen thuộc bởi các em không chỉ được thưởng thức những hộp sữa thơm ngon cùng bạn bè mà còn được học thêm nhiều điều mới lạ.

Giáo viên hướng dẫn tỉ mỉ để học sinh biết cách kiểm tra hạn sử dụng trên hộp sữa, lắc đều hộp sữa trước khi uống để sữa ngon hơn, hay học cách gấp gọn vỏ hộp sữa và đặt đúng nơi quy định để có thể dễ dàng thu gom và xử lý. Các hoạt động này cũng góp phần giúp các em nhỏ nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Còn đối với trẻ em, khi được hỏi vì sao thích uống sữa, các em đã chia sẻ những lý do rất “bất ngờ” và dễ thương của trẻ thơ. Em Thiên Bảo (học sinh lớp 1/4 Trường Tiểu học Thị trấn Củ Chi, TP.HCM) nói: “Con rất muốn chơi đánh cầu giỏi. Con thích uống sữa để tăng chiều cao và đánh cầu giỏi hơn”. Còn một cô bé 4 tuổi, đang cùng bạn bè uống sữa theo chương trình Sữa học đường của tỉnh Quảng Nam, khi được hỏi thì ngộ nghĩnh nói: “Con rất thích uống sữa, vì uống sữa giúp con cao lớn và xinh đẹp!”

 Việc uống sữa mỗi ngày khi đến lớp góp phần giúp các em có thêm năng lượng để học tập, tham gia vào các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao của trường lớp sôi nổi hơn, góp phần phát triển thể trạng một cách toàn diện.

 Dưới bàn tay khéo léo của giáo viên và sự sáng tạo của các em nhỏ, vỏ hộp sữa đã biến thành những món đồ chơi xinh xắn. Trong hình là những mô hình xe hơi, xe lửa, máy bay... đầy sắc màu được chăm chút và làm nên từ đôi bàn tay khéo léo của cô trò trường Mầm non Thị trấn Củ Chi 2 (TP.HCM).

Các em học sinh hào hứng tham gia tiết thủ công quen thuộc nhưng nay thêm sáng tạo, mới mẻ hơn với sự xuất hiện của những hộp sữa học đường, “người bạn đồng hành” thân thiết của các em.

Chương trình Sữa học đường đặc biệt có ý nghĩa đối với các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn. Việc cho con uống sữa đều đặn hàng ngày đôi khi là “quá sức” với nhiều bậc phụ huynh. Vì vậy, Sữa học đường ngoài giúp các em được chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn còn mang theo cả niềm vui uống sữa vốn rất giản đơn của trẻ thơ.

 Tại Quảng Nam, Sữa học đường được triển khai cho 6 huyện miền núi. Còn tại Quảng Ngãi, hơn 58.000 học sinh mầm non và tiểu học tại các huyện miền núi Sơn Tây, Sơn Hà, Tây Trà, Trà Bồng, Ba Tơ, Minh Long cũng được uống sữa khi đến lớp. Nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh và Vinamilk là doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ. Phụ huynh không cần đóng góp thêm.

Cô Lê Thị Tường Vy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Quảng Ngãi) chia sẻ: “85% học sinh tại trường là người đồng bào, nhiều em chưa có cơ hội tiếp xúc với sữa nên khi chương trình được triển khai, các em đồng loạt được uống sữa và tham gia các hoạt động tại lớp nên rất vui. Phụ huynh khi nghe con được uống sữa tại trường cũng phấn khởi vì con em được chăm lo dinh dưỡng tại trường chu đáo thông qua chương trình Sữa học đường.”

 Qua nhiều năm triển khai, với quyết tâm và nỗ lực cao của tất cả các đơn vị thực hiện, Sữa học đường thực sự đã trở thành một phần không thể thiếu của hoạt động giáo dục tại nhiều tỉnh thành, góp phần giúp hàng triệu trẻ em lứa tuổi học đường được chăm sóc dinh dưỡng tốt hơn để phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ.

Yến Lê/GĐ&TE