Và nhờ cái sự si tình của nó với các "em" bò nhà mà nhiều hộ dân người bản xứ đổi đời, Vườn quốc gia Phước Bình có được nguồn gien quý, quý đến độ người ta phải lập dự án nhằm mục đích bảo tồn đàn con lai của nó…
1. Ngoài cái vụ si tình, có người còn bảo nó là "con bò tót phong lưu". Là bò rừng, nhưng không hiểu sao, nó lại si mê các em bò nhà, nó bỏ bầy đàn, bỏ rừng sâu về đến bìa rừng tìm cách ve vãn các ả bò nhà nhỏ bé, trọng lượng, kích cỡ chỉ bằng 1/3 hay 1/4 cơ thể đồ sộ của nó. Với cái bộ vó khổng lồ, bộ lông đen nâu huyền bí và cặp sừng oai vệ, chẳng biết nó "cù cưa" như thế nào mà đã có hơn 20 ả bò nhà được chủ nuôi thả rong "chịu đèn", sinh ra cho nó hàng chục đứa con lai theo đúng nghĩa đen của cụm từ này.
Theo dấu chân nó đến vùng rừng thâm u giáp ranh địa giới 3 tỉnh Khánh Hòa - Lâm Đồng và Ninh Thuận, tiếp xúc với người Raglai và Churu ở đây, thật bất ngờ khi biết vì nó đặc biệt, vì nó hiền lành và rất si tình nên chẳng ai nghĩ đến chuyện đánh bẫy hay săn bắn nó? Trái lại, người dân còn vun vén cho những mối tình của nó với các ả bò nhà.
Chỉ tay về phía bìa rừng thôn Pạc Rây 2 - nơi con bò tót si tình phong lưu kia thường ve vãn các "em" bò nhà - anh Da Du Ha Khuyết, Bí thư Đoàn xã Phước Bình (vùng lõi Vườn Quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, không chỉ vun vén, rất nhiều cư dân bản xứ, trong đó có anh ao ước được một lần nó (con bò tót si tình - PV) chủ động "làm quen" với bò cái nuôi của nhà mình. Bởi giá của một con bò nhà trưởng thành có khi chưa đến mười triệu đồng nhưng nếu bò cái có thai với nó, con bò lai dẫu còn nằm trong bụng mẹ giá đã lên tới 60-70 triệu đồng, nếu chào đời thì giá vượt ngoài 100 triệu đồng trong sự tranh mua của nhiều thương lái.
Nó, con bò tót si tình kia, đã viết nên câu chuyện huyền thoại có thật có một không hai, về những mối tình không tưởng giữa bò tót và bò nhà. Và vì lẽ đó, nó được cán bộ và bà con người dân nơi đây xem là… con bò tót huyền thoại!
Khu vực Khảo nghiệm bò tót lai tại Vườn quốc gia Phước Bình. |
2. Vườn Quốc gia Phước Bình (xã Phước Bình, huyện Bác Ái, Ninh Thuận) là nơi con bò tót si tình kia chọn địa điểm "xây dựng biệt điện uyên ương" giữa nó với các ả bò nhà. Phước Bình có địa hình phức tạp, giáp địa phận của 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa, tứ bề là sông suối, núi rừng trùng trùng điệp điệp.
Trên đường lăn bánh từ thành phố Phan Rang - Tháp Chàm hướng về Phước Bình để tặng quà cho hơn 200 hộ đồng bào Churu và Raglai nằm trong danh sách hộ nghèo ở địa phương, bác sĩ Trương Thế Dũng - Trưởng Đoàn y bác sĩ Niềm Tin, cho biết lâu nay nhắc đến xã vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn của Ninh Thuận, người ta thường liên tưởng đến xã vùng sâu Ma Nới (huyện Ninh Sơn) với nhiều buôn làng ẩn giữa núi rừng hoang vu.
Nhưng so với Phước Bình, xét về độ sâu xa và khó khăn, Ma Nới chỉ là… "em út". Bởi từ Phan Rang - Tháp Chàm đến Ma Nới chỉ ngoài 30km, đường vào trung tâm xã láng o. Nhưng Phước Bình thì khác. Từ trung tâm tỉnh lị tỉnh Ninh Thuận, để đến được Phước Bình, phải vượt chặng đường bầm dập gần 100km với những đoạn chẻ giữa rừng, sâu hun hút, bên vách núi dựng đứng, bên vực thẳm sâu hút…
Địa danh Ma Nới mà bác sĩ Thế Dũng cùng các thành viên Đoàn Y bác sĩ Niềm Tin nhắc đến, tôi đã có đôi lần đi qua. Hơn 5 năm trước, khi tôi đến Ma Nới, đường vào còn sỏi đá ngổn ngang, trắc trở chứ không láng o như bây giờ. Bận ấy, tôi đi tìm ông Chamalé Âu, già làng duy nhất ở Ma Nới biết chế tác và sử dụng đàn Chapi, cây đàn đi vào lòng người qua bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Tiến.
Từ ông Chamalé Âu và ông Đá Mà Soai, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ma Nới, tôi mới biết vùng rừng Ma Nới cũng từng hiện diện dấu chân của loài bò tót. Nhưng đó là chuyện của ngày xưa, của rừng Ma Nới hơn 20 năm trước… Không thích sống quá gần với người, vậy là bò tót rút sâu vào rừng, đi sâu vào xã vùng sâu Phước Bình, nơi có địa bàn giáp ranh với 2 tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hòa.
Bận ấy, tôi nhớ già làng Chamalé Âu sau khi cho tôi thưởng thức âm thanh có phần huyền bí của tiếng đàn Chapi đã tặc lưỡi nói về loại bò tót: "Nó đi xa rồi, nó vào sâu lắm, vào tận Phước Bình kia. Lâu lắm rồi, ông già không còn thấy nó?".
Bận ấy, không gặp được những con bò tót thứ thiệt nhưng tôi cũng gặp một phần của nó tại nhà già làng Chamalé Âu, đó là chiếc kèn K'vây làm từ chiếc sừng của con bò đực. Từ chiếc kèn sừng bò dài cỡ một gang tay, già Chamalé Âu phát ra nhiều âm thanh vui nhộn. Nhất là lúc ông với tài nghệ khéo léo đã bắt nó phát ra âm thanh gọi bầy đàn của khỉ, voọc, gà rừng, giả làm tiếng heo rừng sục mõm tìm thức ăn, giả làm tiếng con chim cú kêu chiều nghe rờn rợn…!
Hậu duệ F1 của con bò tót si tình. |
3. Trở lại hành trình đến Phước Bình của các thành viên đoàn y bác sĩ Niềm Tin. Sau chặng đường khó khăn với nhiều đoạn tối tăm, mịt mù, có khi cỏ dại tưởng như bít lối; lắm đoạn ai nấy thót tim với các cung đường uốn éo như mãng xà trườn lên đồi núi hanh hao với vách núi nhô ra như muốn nuốt chửng mấy kẻ bạo gan dám kinh động chốn rừng già,… rồi chúng tôi cũng đến được nơi cần đến.
Không có khói bụi, không một tiếng động cơ từ các phương tiện giao thông thường thấy, Phước Bình thâm u, gần như tuyệt đối. Trong khoảng thời gian lưu lại vùng đất của người Churu và Raglai, tôi được nhiều cư dân bản địa, và cả lãnh đạo địa phương nhắc nhiều chuyện ly kỳ về con bò tót si tình. Chị Pi-năng Thị Cô (Chủ tịch xã Phước Bình) bật mí, xã Phước Bình nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phước Bình, nơi đây bà con sống thuận hòa với thiên nhiên và muông thú. Nhờ vậy mà khi con bò tót si tình kia rời rừng sâu, tách bầy đàn tìm đến ve vãn "các em" bò nhà, nó chẳng bị mối hiểm nguy nào. Ai cũng yêu thương và hết lòng bảo vệ nó!
Người Churu ở Phước Bình gọi bò tót là M'bo Ka. Chị Pi-năng Thị Cô cho biết vào khoảng tháng 9-2008, con bò tót si tình kia từ rừng sâu đã tách bầy đàn chọn mé rẫy ven bìa rừng và ven con sông Cái ở thôn Pạc Rây 2, làm nơi tới lui thường xuyên. Dù lúc ban đầu nó "cày nát nhiều hecta nương rẫy, húc bị thương 3 người nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện trả thù hay truy sát nó?
Anh Ha Da Huân, ở thôn Pạc Rây 1, cho biết chuyện nó soán ngôi thủ lĩnh bầy đàn của một bò đực, gây chú ý với các em bò nhà, rất đỗi ly kỳ: Khi về làng, nó tìm con bò đực to nhất làng rồi húc thủng ngực con bò ngay bìa rừng. Sau đó nó lần lượt hẹn hò với mấy con bò cái…".
Anh Ha Da Huân như nhiều người bản xứ cho biết, khác với bò nhà có cục u trên lưng trên màu da lông vàng hoặc trắng, con bò tót si tình kia lưng đen trùi trũi, chân trắng, cơ nổi dọc sống lưng… Với cái bộ vó khác biệt ấy cùng với trọng lượng nặng gần một tấn, chẳng biết có phải vì nhờ cái sức vóc đồ sộ kia hay vì "tài năng" nào khác mà con bò tót lần lượt cưa gục hàng chục "em" bò nhà.
Anh Da Huân cho biết quanh nó lúc nào cũng có vài em và điều ấn tượng hơn là có vẻ như vì quá sợ nó húc nên các anh chàng bò nhà không dám lại gần các cô bò đồng loại? Thế là nó mặc sức "hẹn hò" với các em "hương đồng gió nội", cho ra hơn 30 bò tót lai được người bản xứ gọi là thế hệ F1…
Cách đây nửa năm, đúng ngày 8-3, người ta tìm thấy thi thể M'bo Ka nằm ở bìa rừng. Anh Bo Bo Bi, Trưởng Công an xã Phước Bình cho biết, trên xác nó không có vết thương, không có vết đạn hay vết chém. Nhiều người cho rằng nó chết do… kiệt sức? Nhưng theo Bo Bo Bi, nó đã quá già, mắt mù, nên nó chết theo kiểu… đèn hết dầu thì tắt thôi. "Xác nó được phía Vườn lấy mẫu xử lý nghiên cứu và trưng bày trong bảo tàng địa phương"-anh Bo Bo Bi nói.
PV Chuyên đề ANTG và Trưởng Công an xã Bo Bo Bi. |
4. Con bò tót si tình nổi tiếng phong lưu của một thế hệ con lai với hơn 30 hậu duệ đã không còn, nhưng câu chuyện về nó không vì thế mà khép lại. Được sự giúp đỡ của anh Bo Bo Bi, tôi rời trụ sở Ủy ban xã Phước Bình, hướng ngược dòng sông Cái đang réo nước ầm ầm, đi qua cây cầu treo, luồn lách trên con đường mòn chẻ giữa lùm bụi tìm đến Khu vực khảo nghiệm Bò tót lai dưới sự kiểm soát của Vườn Quốc gia Phước Bình.
"Đây là nơi có gần chục đứa con của "con bò tót si tình" được Vườn mua lại của các hộ dân, rồi tập trung về đây nuôi, cho giao phối để duy trì nguồn gien" - anh Bo Bo Bi, trò chuyện!
Nơi tá túc của những chú bò lai vốn là hậu duệ của con bò tót si tình rộng khoảng 1ha. Giữa cánh đồng trước cửa rừng này là khu chuồng trại khá rộng được dựng từ khung sắt, chia ngăn, mỗi ngăn có từ 1-2 con bò tót lai to lớn, màu lông sắc vóc đẹp và lạ: "Ở đây có con rất dữ và có con rất hiền. Mà là hiền so với con dữ thôi, chứ cũng rất là dữ và khó lường. Có mấy đứa trẻ vào chọc đã bị nó lao tới húc đó" - anh Não Ngọc En, người trông coi khu vực này, cho biết.
Anh Ngọc En nói rằng không như bò nhà, giá bò tót con đến hơn 100 triệu đồng/con. Bò trưởng thành thì hơn nửa tỉ đồng, nên bò tót lai rất giá trị! Hiện mới chỉ có dòng F1, toàn là con của con bò tót si tình. F2 chưa có, chỉ mới cho nó phối giống.
Hôm chúng tôi đến thăm là lúc một trong những hậu duệ của con bò tót si tình vừa "xong việc" với một nàng bò cái nhập từ Úc trong môi trường bán hoang dã: "Lúc đầu để trong chuồng thì nó không chịu, thả ra ngoài thì chịu rồi" - anh Ngọc En, cho biết.
Tôi tiến lại gần một trong những đứa con lai của con bò tót si tình. Càng ngắm kỹ càng thấy phấn khích lẫn sờ sợ. Phấn khích bởi bò nuôi các kiểu tôi gặp đã nhiều nhưng đây là lần đầu tiên tôi gặp bò tót lai, tuy không dữ dằn về hình dáng lẫn kích cỡ và trọng lượng như "phụ thân", nhưng xét sự oai dũng, độ to lớn, ánh mắt hoang dại, màu lông huyền bí, cặp sừng oai vệ của mấy "cậu" bò lai rõ ràng khác biệt hoàn toàn với bò nhà. Sờ sợ bởi các chú bò lai cả đực lẫn cái này đều mang dòng máu của cha, bản hăng hoang dã hung dữ có thể trỗi dậy bất kỳ lúc nào. "Nó ăn dữ lắm, một ngày một con ăn đến mấy trăm ký cỏ lận đó" - anh Ngọc En bảo thế!
Lãnh đạo Vườn Quốc gia Phước Bình nói riêng, cán bộ và đồng bào người Churu, Rahlai ở Phước Bình nói chung đang mong chờ ngày chào đời của thế hệ cháu nội của con bò tót si tình. Ai nấy đều lạc quan về cái ngày con bò Úc kia sẽ cho ra thế hệ bò tót lai F2 với những ưu điểm vượt trội thế hệ F1.
"Ngày đó chắc chắc sẽ tới thôi. Bò tót với bò nhà khác biệt nhau hoàn toàn mà nó còn phối giống được, thì bò tót lai với bò Úc chắc sẽ thành công thôi" - lúc chia tay dưới chân bẫy đá Pi-năng-tắc, nơi anh hùng người Raglai dựng bẫy đá trên đỉnh núi Gia Túc kháng Pháp ngày nào, anh Bo Bo Bi, trải lòng như vậy!