Không khó để nhận thấy tiền mà những đứa trẻ ấy kiếm được (có thể bằng việc bán hàng, cũng có thể vì du khách mủi lòng mà cho) đều được chúng "nộp" cho một số người lớn đang quanh quẩn đâu đó để theo dõi trẻ. Những "người lớn" ấy đều là cha, mẹ hoặc người họ hàng ruột thịt của những đứa trẻ.
Được biết, hầu hết số trẻ em ấy đều không được cha mẹ cho đi học. Tầm 4 - 5 tuổi trở lên, các bé đã bị cha mẹ đẩy ra đường kiếm tiền. Một trong những "phương tiện" để giúp các bé dễ kiếm tiền hơn là... địu theo đứa em trên lưng - có thể là em ruột, mà cũng có thể là con của họ hàng, hàng xóm cho mượn...
Có nghĩa, phải làm sao để hình ảnh những đứa trẻ trông càng đáng thương, càng tội nghiệp, càng có dáng vẻ khổ ải, thì khả năng kiếm tiền càng cao.
Những đứa trẻ ấy luôn bị đói và rét hành hạ. Nhưng chúng vẫn bị bắt phải làm việc với một "thái độ chuyên nghiệp", theo sự chỉ đạo và áp đặt của người lớn.
Những người có trách nhiệm ở địa phương cho biết, các cơ quan chức năng đã nhiều lần vào cuộc để dẹp bỏ nạn bắt trẻ em phải tự mưu sinh từ khi còn rất nhỏ. Nhiều trẻ được đưa về Trung tâm bảo trợ xã hội, nhưng sau đó hầu hết đều tìm cách bỏ trốn.
Một trong những nguyên nhân khiến cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu tình trạng trẻ em bị cha mẹ bắt kiếm tiền bằng cách chèo kéo khách du lịch, đó là quy định cấm bán hàng nhưng không tạo ra sinh kế cho người dân. Vì thế gần đây, song song việc kêu gọi khách du lịch không mua hàng của trẻ em, chính quyền địa phương đã xây dựng kế hoạch và có những nhóm giải pháp căn cơ. Ví như, nếu bà con có nguyện vọng muốn có chỗ bán hàng ổn định, địa phương sẽ bố trí. Nếu muốn phát triển thổ cẩm, thủ công nghiệp... địa phương cũng có chính sách để hỗ trợ. Hiện đã có một số người dân các xã lân cận thị xã Sa Pa đăng ký ngành nghề hoặc dịch vụ muốn phát triển.
Hy vọng trong thời gian tới, với những giải pháp căn cơ và toàn diện, tình trạng cha mẹ "đẩy" con nhỏ ra đường mưu sinh ở Sa Pa sẽ được hạn chế. Và đó cũng là bài học kinh nghiệm để nhiều địa phương khác có thể học hỏi, áp dụng.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 với các mục tiêu và quy định cụ thể, trong đó có mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em bị xâm hại xuống dưới 4,5% vào năm 2025 và xuống dưới 4% vào năm 2030; phấn đấu giảm tỷ lệ trẻ em bỏ học bậc tiểu học dưới 0,12% vào năm 2025 và dưới 0,1% vào năm 2030; phấn đấu tỷ lệ các xã, phường, thị trấn có điểm văn hóa, vui chơi dành cho trẻ em đạt 40% vào năm 2025 và 45% vào năm 2030… Chương trình nhằm bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, phát triển toàn diện trẻ em; tạo lập môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện cho trẻ. Một khi có sự đồng bộ giữa chủ trương và giải pháp, vấn đề nhức nhối nói trên dần được xóa bỏ, trẻ em ở khắp mọi nơi sẽ được thụ hưởng cuộc sống ấm no, yên bình, ngập tràn tình yêu thương dưới mái ấm gia đình.