Ở địa phương thi từ trưởng phòng đến phó, chánh giám đốc sở, còn các bộ, ngành từ vụ trưởng, cục trưởng đến tổng cục trưởng. Nhìn vào lịch sử việc thi cử trên không có gì mới mẻ, nhưng vẫn được xem là táo bạo, đột phá trong hệ thống các cơ quan công quyền của ta hiện nay.
Đánh giá việc làm trên, có người hào hứng cho rằng: Thi tuyển cán bộ sẽ chọn được người tài đích thực đảm đương việc dân, việc nước, đồng thời làm tiệt nọc “vấn nạn chạy chức, chạy quyền”
Về lý thuyết cũng như sự hy vọng của xã hội là như thế, nhưng thực tiễn có diễn ra đúng với mong đợi, kỳ vọng ấy hay không lại là bài toán cực kỳ nan giải.
Nhìn từ gốc ai thấy hãi hùng với việc gần đây báo chí đưa tin,có sự thanh tra của Bộ GD&ĐT, tại một trường ở miền Trung học, sinh lớp 7 chỉ làm được các bài toán cộng trừ nhân chia thông thường, lớp 3, lớp 4 chật vật lắm mới viết được tên mình; rồi tiến sĩ giấy, tiến sĩ ma được xướng lên như một thảm họa; chuyện một vài giáo sư, tiến sĩ “phạm tội đạo văn”.
Nếu những người được đào tạo phiến diện, ma mãnh, nhảy cóc và cả lọc lừa ấy “lọt lưới”, giờ ngồi chệm chễ trên ghế giám khảo của các cuộc chọn nhân tài, kết quả sẽ ra sao?.
Ngoài chức danh, ai dám chắc một số người ngồi ghế giám khảo chọn nhân tài kia có trình độ chuyên môn, năng lực quản lý hơn các ứng viên thi tuyển?. Hơn nữa giám khảo cũng là con người, ai dám chắc trong số họ tất thảy đều “chí công vô tư" khi chấm thi!.
Đó là chưa nói thi là lý thuyết, là cái thuộc bài trong học viện. Thi đạt điểm cao chỉ là điểm của một phòng thi, của một cuộc thi. Ai đó đã nói, chân lý là cụ thể, cuộc sống,công việc, nhất là công tác quản lý phong phú, phức hợp hơn cả vạn lần nội dung nêu ra trong các cuộc thi.
Người làm công tác quản lý không chỉ đòi hỏi phải có tài năng, chuyên cần ,yêu nghề, ham làm, nhiều sáng tạo đột phá, mà cần phải có năng khiếu lãnh đạo, khả năng tập hợp quần chúng
Cuộc thi chỉ là thử thách ban đầu trên đường hoạn lộ đầy gian nan mà thôi. Thực tế có nhiều người thi đỗ điểm cao, nhưng khi đảm đương chức vụ lại “rối như gà mắc tóc”.
Để có được một ông (bà) quan, một nhà quản lý vừa hồng, vừa chuyên là cả một quá trình tu luyện, học tập, hỗ trợ, bồi dưỡng từ nhiều phía. Xin ai đó đừng ảo tưởng cứ thi là tìm được nhân tài; cứ thi là chống được vấn nạn chạy chức chạy quyền.