Từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã đào tạo nghề cho 173.669 lượt lao động, chiếm 5,41% tổng số lao động qua đào tạo; Lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật ngày càng tăng cao, đáp ứng tốt nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Cụ thể tăng từ 32,80% đầu năm 2010 lên 50,05% vào cuối năm 2014 đến năm 2015 ước đạt 55%. Đã có 136.241 lao động được giải quyết công ăn việc làm, đạt 104,16% chỉ tiêu Nghị quyết, bình quân hàng năm tạo việc làm cho trên 27.000 lao động, trong đó đã đưa 2.321 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị từ 4,57% năm 2010 xuống còn 3,35% trong năm 2015, đạt 100% chỉ tiêu.
Bà Nguyễn Thị Lành – PGĐ Sở LĐTBXH Vĩnh Long trao giấy khen cho các cá nhân điển hình
Trong 5 năm qua, tỉnh đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách đối với người có công. Vận động Quỹ đền ơn đáp nghĩa được 23,5 tỷ đồng, huy động các nguồn lực đóng góp xây dựng được gần 1.500 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí 56,76 tỷ đồng, sửa chữa nâng cấp 1.118 căn nhà tình nghĩa, nâng tổng số nhà tình nghĩa được xây dựng sửa chữa đến nay đạt 8.125 căn. Đề nghị phong tặng, truy tặng 1.669 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Thương binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với nước được chăm sóc tốt hơn, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình hộ dân nơi cư trú. Thực hiện tốt công tác tổ chức phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, điều dưỡng tập trung và tại gia đình cho người có công, giải quyết trợ cấp một lần, mua bảo hiểm y tế cho thân nhân liệt sỹ.
Công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả tích cực, số hộ khá, giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo, cận nghèo ngày càng giảm. Tính đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 3,54%. Bình quân hộ thoát nghèo trong 5 năm (2011 – 2015) là 1,50%, đạt 75% kế hoạch và ước đến năm 2015 hộ nghèo toàn tỉnh còn khoảng 2,73% trên tổng số hộ dân.
Chế độ cho người cao tuổi, người tàn tật, người tâm thần, người già cô đơn không nơi nương tựa, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng được triển khai thực hiện đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các chính sách. Đã có 141.352 lượt người, với số tiền 339,31 tỷ đồng được chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội. Công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới đi vào hoạt động ổn định. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi còn dưới 15% (2015). Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.
Về phong trào xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Long Mỹ, huyện Mang Thít (xã điểm được đơn vị hỗ trợ) đã được công nhận xã nông thôn mới, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục duy trì tạo điều kiện và hỗ trợ cho xã Long Mỹ và các xã khác trên địa bàn tỉnh trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới liên quan đến lĩnh vực của ngành.
Thăm tặng quà gia đình chính sách tại xã Long Mỹ, huyện mang Thít
Từ năm 2011 đến năm 2014, Sở đều ban hành kế hoạch cải cách thủ tục hành chính và tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện. Qua đó cho thấy, thủ tục hành chính liên quan đến các lĩnh vực của ngành đã không ngừng được đơn giản hóa và công khai hóa bằng nhiều hình thức đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các tổ chức cá nhân và các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ công tác của ngành. Việc quản lý hoạt động theo tiêu chuẩn TCVN 9001:2008 đã giúp lãnh đạo cơ quan điều hành nội bộ và kiểm soát công việc tốt hơn.
Công tác ứng dụng thông tin cũng được Sở thực hiện tốt. Trong thời gian qua, Sở đã cung cấp thông tin và các thủ tục hành chính theo Đề án 30 tại Sở trên trang thông tin điện tử sldtbxh.vinhlong.gov.vn.
Trong phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và “Dân vận khéo”, tỉnh đã tổ chức 29 cuộc thi chuyên đề mỗi năm với 1.659 lượt người tham gia. Phong trào này đã tạo sức lan tỏa, tác động tích cực đến tư tưởng, nhận thức và hành động của đảng viên, công chức, viên chức và người lao động .
Có thể nói, các phong trào thi đua tiêu biểu đã góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ của ngành như: Phong trào chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng; phong trào vận động quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” và “Xây dựng nhà tình nghĩa”; phong trào “Giảm nghèo bền vững”; phong trào “Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”; phong trào “Giáo viên dạy nghề giỏi” và “Sử dụng thiết bị dạy nghề tự làm”; phong trào “Xã hội hoá công tác đào tạo nghề”; Phối hợp triển khai thực hiện mô hình bổ sung quy ước ấp văn hoá nhằm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới tại 5 xã; mô hình giảm thiểu các hệ lụy của phụ nữ kết hôn với người nước ngoài…
Hy vọng rằng, thực tiễn thực hiện phong trào thi đua và công tác thi đua khen thưởng trong thời gian qua sẽ là tiền đề tốt để Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Long tiếp tục đổi mới, phát triển công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn năm tiếp theo đạt kết quả cao hơn, chất lượng hơn.
5 năm qua, nhiều tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho 1 tập thể và 4 cá nhân; Huân chương lao động hạng II về thành tích cống hiến cho 1 cá nhân. Năm 2013, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho 5 tập thể và 8 cá nhân; 3 năm liền (năm 2012, 2013, 2014) đơn vị được Bộ LĐ-TB& XH tặng Cờ thi đua xuất sắc… |