Cho phép tuyển vượt chỉ tiêu
Cũng theo ông Đại, Sở đã họp và phân bổ chỉ tiêu cho các trường trung học phổ thông. Theo đó, dự kiến số lượng tuyển sinh của trường ngoài công lập sẽ chiếm khoảng 40%, trường công lập chiếm 60%.
Sở cũng đã kiểm tra cơ sở vật chất của các trường ngoài công lập để đảm bảo các trường đủ điều kiện giao chỉ tiêu.
Với số lượng học sinh tăng cao, năm 2015, lần đầu tiên Sở GD&ĐT Hà Nội nới lỏng, cho phép các trường trung học phổ thông công lập tự chủ tài chính và trung học phổ thông ngoài công lập tuyển sinh vượt chỉ tiêu với các mức quy định.
Thí sinh kiểm tra đề thi trong kỳ thi vào lớp 10 năm 2014. (Ảnh: Quý Trung/TTXN)
Cụ thể, các trường được giao chỉ tiêu từ 5 lớp trở xuống được phép tuyển vượt chỉ tiêu từ 10 đến 20%. Các trường được giao chỉ tiêu từ 6 lớp trở lên được phép tuyển vượt chỉ tiêu không quá 10%.
Các trường không được thu bất cứ khoản đóng góp nào của học sinh hoặc cha mẹ học sinh, kể cả bán hồ sơ cho học sinh. Đối với trường ngoài công lập phải công khai mức học phí và các khoản thu của cả năm học tại địa điểm tuyển sinh.
Tuyển cả học sinh ngoài Hà Nội
Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh dự tuyển vào lớp 10 các trường công lập phải có hộ khẩu tại Hà Nội hoặc học sinh có mẹ (hoặc bố) có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội. Với trường ngoài công lập, học sinh phải có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú tại Hà Nội.
Thí sinh phải có hộ khẩu hoặc tạm trú mới được dự thi. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)
Tuy nhiên, riêng với trường Trung học phổ thông Chu Văn An, cả lớp chuyên và không chuyên, được phép tuyển học sinh các tỉnh, thành phố phía Bắc, tính từ Thanh Hóa trở ra. Điều kiện là học sinh phải có hạnh kiểm tốt, đạt học lực giỏi năm lớp 9 và đạt giải chính thức trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Những học sinh này nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển tại Phòng GD&ĐT Cầu Giấy.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, quy định này nhằm giúp Hà Nội thu hút được học sinh giỏi từ các địa phương trong khu vực, đồng thời tạo điều kiện cho học sinh có cơ hội học tập tại Thủ đô.
Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 không chuyên của Hà Nội là thi tuyển kết hợp với xét tuyển. Theo đó, tất cả các học sinh muốn dự tuyển vào 10 phải dự thi hai môn Toán và Ngữ văn trong Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.
Điểm xét tuyển bằng điểm bậc trung học cơ sở cộng với điểm thi (nhân hệ số hai) và điểm cộng thêm (nếu có, theo chế độ ưu tiên, khuyến khích).
Trong đó, điểm trung học cơ sở là tổng điểm tính theo kết quả học tập và rèn luyện của 4 năm, từ lớp 6 đến lớp 9. Điểm này được quy định cụ thể: hạnh kiểm tốt và học lực giỏi được tính 5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá tính 4,5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực khá tính 4 diểm; hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực trung bình được tính 3,5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình, học lực khá tính 3 điểm. Các trường hợp còn lại tính 2,5 điểm.
Với các lớp 10 chuyên, thí sinh sẽ phải qua hai vòng sơ tuyển hồ sơ và thi tuyển.
Thí sinh qua vòng hồ sơ sẽ phải thi bốn môn, gồm ba môn bắt buộc là Toán, Văn và Ngoại ngữ và môn chuyên. Trong đó, hai môn Văn và Toán thi cùng với kỳ tuyển sinh lớp 10 không chuyên.
Điểm xét tuyển được lấy từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu.
Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông của Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 11/6.