Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thí sinh chọn học nghề, vị thế trường nghề lên ngôi

Thông thường người học mất 3, 4 năm học đại học, cao đẳng ra trường không tìm được việc. Trong khi rất nhiều trường nghề uy tín, học viên chưa ra trường đã được đón đi làm. Tỉ lệ thất nghiệp đại học ngày một tăng nên người học chọn trường nghề có thể được coi là lựa chọn thiết thực...

Thay đổi tư duy trọng thầy hơn thợ

Từ thực tế ấy, đòi hỏi cha mẹ, các em học sinh cần lượng sức để có lựa chọn khôn ngoan nhất. Phân luồng chưa kín kẽ thầy Phạm Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cơ điện xây dựng Việt Xô (Ninh Bình) cho rằng, kết thúc hệ THCS, học sinh đã có cơ hội để lựa chọn, một là tiếp tục học THPT, hai là chọn con đường học nghề. Mặc dù việc thi vào THPT được tổ chức khá tốt, nhưng vì nhiều lý do, có những địa phương hạ điểm lấy vào khối 10, hoặc có tỉnh, thành lại có chủ trương tăng chỉ tiêu đào tạo cho THPT, như vậy lượng học sinh còn lại để tham gia học nghề rất ít ỏi.

 Việc này bắt nguồn từ nguyên nhân chưa có sự đồng bộ trong phân cấp quản lý hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng và hệ thống đào tạo nghề. Đối với hệ THPT, theo thầy Bình, các em có thể lựa chọn thi tốt nghiệp ở cụm thi quốc gia để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển đại học hoặc thi tốt nghiệp ở cụm thi địa phương chỉ để xét tốt nghiệp và ưu tiên học nghề.

Tuy nhiên, trong đề án tuyển sinh có rất nhiều trường (280 trường, chiếm gần 70%) xây dựng đề án tuyển sinh vào đại học, cao đẳng dựa vào kết quả điểm học bạ các môn học cấp III với số điểm đạt từ 6,0 trở lên. Vì vậy, các thí sinh đăng ký ở cụm thi địa phương vẫn có thể xét tuyển vào đại học, cao đẳng mà không cần tham gia cụm thi tốt nghiệp THPT quốc gia.

“Thực trạng như trên dẫn đến việc phân luồng ảo, nghĩa là các em có học lực trung bình sẽ đăng ký dự thi ở cụm địa phương để dễ tốt nghiệp sau đó nộp hồ sơ xét tuyển đại học. Do đó, có thể nhận thấy việc đổi mới thi cử là tích cực, nhưng phải triển khai đồng bộ, chặt chẽ ở nhiều khâu, nhiều cấp”, thầy Bình góp ý.

Còn theo chia sẻ của thầy Nguyễn Đức Thắng, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Cơ điện Tây Bắc (Hòa Bình), cơ chế thi hiện nay phần nào đó đã giúp phân luồng thí sinh đối với những em có lực học yếu, hoàn cảnh khó khăn và sống ở các vùng nông thôn, vùng xa.

Thầy Lại Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Công nghệ Kinh tế và Chế biến lâm sản (Hà Nam) cho rằng, cơ chế thi cử chưa đảm bảo tốt việc phân luồng. Bởi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học vẫn rất cao so với chỉ tiêu tốt nghiệp THPT, một số trường đại học tốp thấp còn tổ chức xét tuyển nên cán cân nghiêng hẳn về phía trường hàn lâm.

Tuy nhiên, để phân luồng tốt hơn nữa Bộ cần đưa ra mức điểm tối thiểu để được học Đại học (cao hơn mức điểm sàn hiện tại). Song song với đó, các trường đại học cũng phải nghiêm túc thực hiện quy định này.

“Suy từ chính gia đình mình, con trai lớn của tôi có học lực trung bình, nên sau khi tốt nghiệp 12 tôi đã cho vào trường nghề để học nghề và đi làm; còn những người con sau do có học lực khá và giỏi nên tôi khuyến khích thi vào các trường đại học. Hiện 2 cháu đã đi làm có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng, cậu con trai đang làm bên Nhật do học lớp kỹ sư tài năng tại Đại học Bách khoa Hà Nội”, thầy Thắng chia sẻ.

Nặng tư duy hình thức

Bên cạnh nguyên nhân phân luồng trong giáo dục bị lệch, có lý do nhận thức chưa đầy đủ của bộ phận không nhỏ phụ huynh, coi việc vào đại học là cánh cửa duy nhất để bước vào đời.

Từ nhận thức sai lầm trên, vô tình cha mẹ tạo ra cho con cái mình một sức ép phải vào đại học, phải có bằng đại học mới có tương lai đã dẫn đến việc ra trường “vác hồ sơ đi mua việc”.

Mặt khác, nhiều dòng họ, Hội Khuyến học hiện vẫn coi điều kiện con, em mình vào đại học là một vinh dự, một thành tích, còn các con, em đi theo học nghề không oai. Hơn nữa, Nhà nước hiện nay chưa xây dựng hệ số lương cho người học nghề các trình độ. Trong tuyển dụng vào các vị trí việc làm khối nhà nước chỉ tuyển dụng người có trình độ hàn lâm, không tuyển dụng trình độ nghề, khác gì hắt hủi người học nghề.

 Do bệnh thành tích nên việc phân luồng người học chưa được thực hiện tốt từ cấp THCS đến cấp THPT, các trường nghề chỉ được lựa chọn khi mà người học không còn sự lựa chọn nào khác nên việc mất cân đối giữa thầy và thợ là một vấn đề nan giải. Thực tế xã hội hiện nay chỉ ra rằng, áp lực, ám ảnh lớn nhất với các gia đình và cử nhân hiện không phải là chuyện không đỗ được đại học mà là học xong đại học rồi nhưng không tìm được việc, dẫn tới lãng phí 3, 4 năm trời “dùi mài kinh sử”.