Năng suất lao động xã hội năm 2014 theo giá hiện hành của toàn nền kinh tế ước tính đạt 3.515 USD/lao động, trong đó, năng suất lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bằng 38,9% mức năng suất lao động chung của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng gấp 1,8 lần và khu vực dịch vụ gấp 1,36 lần.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội: "Thị trường lao động VN thiếu ổn định, việc làm chưa đầy đủ và bền vững, năng suất thì thấp"
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng chỉ ra một số nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới năng suất lao động của nước ta đạt thấp so với các nước trong khu vực: thứ nhất, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực nhưng tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn ở mức cao.
Thứ hai, chất lượng nguồn lao động thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, hiệu quả sử dụng qua đào tạo chưa cao; thứu 3, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu với tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ thấp; thứ tư, trình độ tổ chức quản lý, quản trị doanh nghiệp còn yếu.
Ngoài ra, ông Lợi cũng cho biết, tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong các ngành sản xuất và dịch vụ vẫn còn ở mức thấp hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực. Điều này chỉ ra, thị trường lao động Việt nam thiếu ổn định, việc làm chưa đầy đủ và bền vững, với năng suất lao động thấp.
Ông Lợi nhận xét: “Hiện nay, quy mô lực lượng lao động có xu hướng tăng chậm làm giảm áp lực việc làm, trong khi nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn khôi phục nên tỷ lệ thất nghiệp biến động không nhiều (Tuy nhiên, các số liệu về lao động, đặc biệt số liệu về thất nghiệp ở Việt Nam thường không có độ tin cậy cao do những bất cập trong thống kê). Trong khi lao động thiếu việc làm ở mức cao khoảng 1,2 triệu người, vấn đề đáng lưu ý đối với thị trường lao động Việt nam là năng suất lao động thấp và tiền lương, tiền công không cao”.
Ông Lợi cho biết thêm: “Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập giảm sút của người lao động sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xã hội nghiêm trọng, nếu không có những giải pháp đối phó hiệu quả sẽ tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội, đặc biệt, hiện nay khu vực nông nghiệp, nông thôn không còn là “bà đỡ” có thể hấp thụ được số lượng người mất việc làm ở thành phố trở về thì nguy cơ bất ổn xã hội càng hiện hữu”.
“Tuy đã đạt được những kết quả đáng kể về giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tích cực, song hiện tại vấn đề lao động-việc làm, thất nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức”- ông Lợi trăn trở.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam đạt mức 3,79 điểm (trong thang điểm 10), xếp hạng thứ 11 trong số 12 quốc gia được khảo sát tại Châu Á. Nguồn nhân lực nước ta yếu về chất lượng, thiếu năng động và sáng tạo, tác phong lao động công nghiệp... Trong tổng số hơn 53,4 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế chỉ có khoảng 49% qua đào tạo, trong đó qua đào tạo nghề từ 3 tháng trở lên chỉ chiếm khoảng 19%. Khoảng cách khác biệt về tỷ lệ này giữa khu vực thành thị và nông thôn là khá cao (ở khu vực thành thị, tỷ lệ có trình độ chuyên môn kỹ thuật là 20,4%, trong khi đó ở khu vực nông thôn là 8,6%). |