(Dân sinh) - Theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam với dân số gần 100 triệu người là thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp (DN) tiêu thụ sản phẩm. Việc DN quay về sân nhà thời kỳ hậu Covid-19 là định hướng đúng.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Đăng Doanh phân tích, trong 4 tháng đầu năm, mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn do Covid-19 nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa vẫn đạt 1.224,5 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Điều đó cho thấy, thị trường nội địa là mảnh đất màu mỡ cho DN tận dụng tiêu thụ hàng Việt thời kỳ hậu Covid-19.
Đại diện cho cộng đồng DN, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam cho rằng, Việt Nam là một trong những nước thành công trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nên việc khai thác thị trường nội địa được xem là biện pháp cứu cánh trong tiêu thụ hàng hóa. “Tất cả mặt hàng thiết yếu đều có thể khai thác mạnh mẽ, đặc biệt liên quan đến sản xuất đồ gia dụng, may mặc… Các lĩnh vực khác như giáo dục đào tạo, du lịch nội địa, cơ sở dịch vụ cho du lịch, các dự án đầu tư công, các ngành sản xuất gạch ngói, xi măng… sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn”, ông Tô Hoài Nam nhấn mạnh.
Kết quả điều tra dân số của Tổng cục Thống kê cho thấy, dân số Việt Nam đang trong giai đoạn vàng khi tỷ lệ người dân trong tuổi lao động chiếm đến 60%, mức chi tiêu gia đình tăng trung bình 10,5%/năm. Đây chính là điều kiện thuận lợi để DN Việt Nam tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị phần thời kỳ hậu Covid-19.
Theo Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh, trong tiêu thụ sản phẩm, việc liên kết DN sản xuất với DN phân phối và người tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra còn giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu Việt, mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua hệ thống bán lẻ nước ngoài đầu tư tại Việt Nam.
"Khó khăn lớn nhất của DN Việt Nam vào thời điểm này vẫn là thị trường tiêu thụ. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, Chính phủ nên phát động những tháng cao điểm phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hoặc “Người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam” để tiếp sức cho DN Việt vượt qua khó khăn do Covid-19."
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc
Thực tế, mặc dù đã có những bước tiến khả quan trong việc xây dựng mối liên kết giữa các DN nhưng quá trình tạo dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chưa thực sự bền vững. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, mặc dù ngành công thương đã tổ chức kết nối DN sản xuất nông sản với DN bán lẻ, nhưng lượng nông sản tiêu thụ qua chương trình kết nối chỉ chiếm từ 15 - 20% sản lượng. Điều đó cho thấy, mối liên kết giữa sản xuất với bán lẻ khá lỏng lẻo. Nguyên nhân là do sản xuất quy mô nhỏ nên DN phân phối thiếu thông tin để có thể liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu đã chỉ ra khoảng trống giữa DN sản xuất với DN phân phối trong chuỗi liên kết tiêu thụ hàng Việt. Cụ thể, nhiều DN bán lẻ thường ngồi chờ DN sản xuất đưa sản phẩm đến để tiêu thụ nên không nắm bắt được thực tế sản xuất, không thu hút được đặc sản vùng miền vào hệ thống bán lẻ. Mặt khác, vẫn còn tình trạng các nhà sản xuất chưa chú trọng thực hiện xúc tiến thương mại để gặp gỡ đối tác, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lỏng lẻo.
Hơn lúc nào hết, các nhà sản xuất và phân phối cần ngồi lại với nhau, gia tăng hợp tác, xây dựng mỗi liên kết bền vững trong chuỗi cung ứng để thị trường nội địa thực sự là "bệ đỡ" cho hàng Việt trong giai đoạn hậu Covid-19.
Dịch Covid-19 đã khiến Mỹ, EU giảm nhập khẩu hàng hóa từ nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để tiêu thụ hàng hóa trong bối cảnh thị trường xuất khẩu gặp khó khăn, hầu hết các DN tìm cách đưa sản phẩm của mình về sân nhà tiêu thụ nhưng để làm được điều này, DN sản xuất và DN bán lẻ phải có mối quan hệ chặt chẽ hơn.