Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thiên tai và cứu trợ

 
Lũ ống, lũ quét vừa xảy ra ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La đã làm nhiều người chết, mất tích. Ảnh: KT
 
Thiên tai ngày càng tàn khốc và khó lường!
 
Trải qua hàng vạn năm, con người dường như đã nắm bắt được quy luật hoạt động của thiên nhiên, đề ra những biện pháp phòng chống thiên tai hiệu quả. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân chủ yếu là con người khai thác thiên nhiên mạnh mẽ, triệt để quá, khiến thiên nhiên “nổi giận”. Hiện tượng biến đổi khí hậu xuất hiện, các quy luật đảo lộn, thiên tai xảy ra bất thường, tàn khốc và khó đoán định.
 
Ở Việt Nam, mới vào đầu mùa mưa bão năm 2017, đã xảy ra những hiện tượng có vẻ hơi trái quy luật. Đó là mới tháng 7, bão đã liên tiếp đổ bộ vào miền Trung (những năm khác khu vực này thường có bão vào tháng 8, 9) gây ra những thiệt hại đáng kể cho đồng bào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị. Bão chưa lớn nhưng cũng đã làm đổ cây, sập nhà, phá hủy hàng chục tàu thuyền. Các cơ sở nuôi trồng hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
 
Rồi vào đầu tháng 8, mưa to trên diện rộng tàn phá 4 tỉnh Tây Bắc là Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu. Theo thống kê sơ bộ, tính đến tối ngày 3/8/2017, lũ quét và sạt lở đất đã khiến nhiều người chết và mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị sụp đổ và cuốn trôi, thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng.
 
Phải nhìn dòng nước đỏ lòm cuộn chảy, giận dữ cuốn phăng tất cả, chúng ta mới thấy sự tàn khốc của thiên tai. Con người trở nên nhỏ bé, bất lực trước cơn cuồng nộ của trời đất. Thế là nhà mất, cầu sập, đường tắc…, những con người vốn nghèo khó phải đối mặt với đói, khát, rét và nỗi lo về ngày mai. Họ cần sự giúp đỡ, sự cứu trợ ngay tức thì để duy trì cuộc sống. Chính quyền địa phương cần phải khẩn trương, sâu sát và thiện chí trong việc đối phó với thiên tai.
 
Cứu trợ: Chính sách - Biện pháp - Tấm lòng
 
Có một điều gần như nghịch lý nhưng thực ra có tính quy luật. Đó là thiên tai thường giáng xuống đầu những đồng bào nghèo đói, khó khăn. Đơn giản là những người này thường sống ở vùng sâu, vùng xa, những nơi kém an toàn - những nơi thường xảy ra lũ lụt. Họ vốn đã nghèo đói, khó khăn quanh năm; thiên tai lại khiến họ thêm bần cùng, túng quẫn. Những người này thực sự cần cứu trợ, cần sự giúp đỡ từ cái ăn, cái mặc đến chỗ ở và phương thức mưu sinh trong những ngày tiếp theo.
 
Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chính sách hợp lý, khả thi trong phòng chống thiên tai và cứu trợ đồng bào. Với đồng bằng Sông Cửu Long, “sống chung với lũ” là giải pháp thích hợp - cần loại nhà có thể nổi trên mặt nước. Với các tỉnh Tây Bắc thì nên di dời dân đến những nơi an toàn để sinh sống - cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Còn với đồng bào miền Trung thì phải có giải pháp ứng phó linh hoạt. Do vậy, ở đây rất cần dự báo chính xác.
 
Phương châm “4 tại chỗ” là thiết thực, bởi vì phòng chống thiên tai và cứu trợ người bị nạn phải khẩn trương, nhanh chóng, đúng và trúng. Vì vậy, hiệu quả nhất là phát huy, sử dụng được tất cả nguồn lực tại chỗ. Trong phòng chống thiên tai, điều quan trọng nhất là không được chủ quan, không được lơ là. Các cấp chính quyền sở tại phải xem việc phòng chống thiên tai và cứu trợ nạn nhân là công việc ưu tiên.
 
Xưa đến nay, nhân dân ta vốn có truyền thống “lá lành đùm là rách”; dù không giàu có gì nhưng nhiều người sẵn sàng chia sẻ quần áo, chăn màn, gạo nước, tiền bạc cho những người bị nạn. Nhà nước cũng sẵn sàng trích từ Quỹ Dự trữ quốc gia để hỗ trợ đồng bào bị bão lũ. Cán bộ, công nhân viên thường trích một ngày lương để giúp đồng bào đỡ khó khăn.
 
Tất cả những hình thức này là cần thiết nhưng chúng thường đến chậm và lại không đúng đối tượng lắm. Do vậy, những năm gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân mang nước uống, bánh mì, mì tôm, tiền bạc đến thẳng nơi xẩy ra bão lũ. Đúng là “một miếng khi đói bằng một gói khi no” - Việc cứu trợ kịp thời khiến đồng bào bị nạn đỡ đói khát, đỡ bi quan; họ đủ sức để đứng dậy, làm lại từ đầu.
 
Trong việc cứu trợ, nhiều người có “tấm lòng vàng” - họ bỏ tiền bạc, thời gian, công sức để đến với đồng bão bị nạn. Chúng ta nên trân trọng họ, tạo điều kiện thuận lợi để họ giúp dân bị ảnh hưởng thiên tai.
 
 
Lực lượng chức năng và người dân địa phương huyện Mù Cang Chải khắc phục hậu quả mưa lũ. Ảnh: KT
 
Cần những giải pháp lâu dài, bền vững
 
Thiên nhiên ngày càng trở nên khó lường, sức tàn phá của nó rất ghê gớm. Do vậy, chúng ta cần có những giải pháp ứng phó hiệu quả. Trước hết, các giải pháp đó nhằm bảo đảm cuộc sống của con người, sau đó là bảo vệ tài sản, các công trình xây dựng, mùa màng…
 
Ngày xưa, hầu như không có hiện tượng lũ ống, lũ quét. Ngày nay, hiện tượng này thường xuyên xảy ra vì con người can thiệp vào thiên nhiên quá nhiều. Các công trình xây dựng mọc lên theo ý muốn của con người, không cần biết thiên nhiên “phản ứng” ra sao. 
 
Do vậy, trước hết chúng ta phải xem lại quy hoạch tổng thể, chỗ nào xây dựng cái gì, có hợp lý hay không. Cương quyết không xây dựng những công trình ngăn dòng chảy của nước, những công trình đứng chênh vênh trên sườn dốc. Phải hết sức thận trọng khi xây dựng những khu công nghiệp, khu tái định cư ở gần sông, biển.
 
Tiếp theo, để giảm bớt thiệt hại do thiên tai gây ra, con người cần phải hết sức cảnh giác. Việc dự báo thời tiết phải được đầu tư về trí tuệ và phương tiện hiện đại để các dự báo đưa ra phải bảo đảm tính chính xác. Dự báo chính xác là một trong những điều kiện cốt lõi để chúng ta phòng chống thiên tai có hiệu quả. Trình độ khoa học và sự hợp tác quốc tế hiện nay cho phép chúng ta làm điều này.
 
Một giải pháp nữa là đã đến lúc chúng ta cần nghiên cứu và thực hiện việc bảo hiểm thiên tai. Với vị trí, địa hình của nước ta, việc bão lụt năm nào cũng xảy ra. Vì vậy, việc bảo hiểm thiên tai là việc phải làm. Hiện nay, nhiều hãng bảo hiểm quốc tế sẵn sàng làm điều này.
 
Thực hiện được những giải pháp như vậy, chúng ta mới mong hạn chế được sự thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra.
 

 
 Cứu trợ đồng bào bị bão lụt tàn phá. Ảnh: KT
                                                              
Tạo thuận lợi cho cứu trợ
 
Ngày càng có nhiều người muốn trực tiếp giúp đỡ những nạn nhân do thiên tai gây ra. Họ sẵn sàng bỏ thời gian, công sức, tiền bạc ra để tận nơi giúp đỡ nạn nhân.
 
Chuyện cứu trợ nạn nhân thiên tai chúng ta làm mãi rồi nhưng sẽ chẳng bao giờ hoàn thiện cả. Sau một trận bão lũ, sau một “chiến dịch” cứu trợ, thế nào cũng có những câu chuyện tiêu cực. Đã từng xảy ra chuyện những người có chức, có quyền, có trách nhiệm xà xẻo, ăn chặn, ăn bớt hàng hóa và tiền bạc cứu trợ. 
 
Lại cũng có những cán bộ ở một số địa phương gây khó khăn cho những người đến cứu trợ. Vấn đề là ở chỗ cán bộ địa phương muốn những người cứu trợ giao hàng, tiền cho họ, sau đấy họ sẽ chuyển cho nạn nhân. Song, những người cứu trợ lại muốn trực tiếp trao cho nạn nhân. Thế là xảy ra mâu thuẫn.
 
Lại có cả chuyện những người tích cực cứu trợ và vận động cứu trợ bị chỉ trích, bị nói xấu. Điển hình là trường hợp MC Phan Anh. Người đàn ông nổi tiếng này bỏ tiền của mình ra để mua nước uống, bánh mì, mì tôm và trực tiếp mang đến cho đồng bào bị nạn ở miền Trung. Rồi anh dùng tài khoản facebook của mình kêu gọi người thân, bạn bè, bạn đọc chung tay giúp đỡ. Người ta tin anh, gửi vào tài khoản của anh hàng chục tỷ đồng; anh lại lặn lội đi mua bò để giúp đồng bào có kế sinh nhai sau lũ lụt. Ấy thế mà anh vẫn bị một số người dị nghị, nói xấu. May thay, người đàn ông này rất bản lĩnh. Anh không bỏ cuộc mà anh công khai tất cả số liệu về tiền bạc và vẫn tiếp tục đến với bà con vùng lũ lụt.
 
Từ thực tế việc giúp đỡ bà con gặp nạn trong mùa bão lụt 2016, tôi mong các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương, dân cư mạng xã hội hãy tạo thuận lợi cho công tác cứu trợ. Nếu không có điều kiện giúp công, giúp của thì cũng nên nghĩ tốt về những người trực tiếp tham gia cứu trợ.
                                                                                      Trọng Đàm

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE