Cờ chủ quyền tung bay trên đảo Trường Sa.
.
Linh thiêng lễ chào cờ chủ quyền
Với mỗi người Việt Nam, trong cuộc đời không ai không một lần thực hiện nghi lễ chào cờ Tổ quốc. Chào cờ và hát Quốc ca mang một ý nghĩa thiêng liêng, được chào cờ và hát Quốc ca là niềm tự hào của mỗi người dân Việt Nam. Tiếng hát tập thể trở thành bản đồng ca vang vọng làm liên tưởng đến đoàn quân hùng dũng tiến lên, không ngại hy sinh xương máu vì đất nước. Chào cờ cũng để tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.
Cũng là màu cờ ấy, lá cờ ấy, nhưng khi hát Quốc ca và chào cờ ở Trường Sa, những cảm xúc khác lạ cứ trào dâng không thể nào quên. Trên đầu là bầu trời rộng lớn, bốn phía là đại dương bao la, dưới chân là đất mẹ, đứng nghiêm trang ngước nhìn cờ Tổ quốc, lời Quốc ca ngân nga thấm vào gan ruột.
Hạnh phúc! Đó là cảm xúc không chỉ của riêng tôi mà của bất cứ ai khi đặt chân đến quần đảo Trường Sa - Tổ quốc thiêng liêng nơi đầu sóng. Và có lẽ chẳng cảm xúc nào tả nổi khi được chứng kiến Lễ chào cờ thiêng liêng trên đảo Trường Sa. Dưới ngọn cờ đỏ nhuốm vị mặn mòi của biển cả, mỗi trái tim con người Việt Nam đều cảm nhận được sức mạnh mạch nguồn dân tộc, sự thiêng liêng khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên Biển Đông trong tiếng nhạc hào hùng. Bất kỳ ai đã ở vào thời khắc biển, trời và lòng người hòa làm một ấy, trong tim cũng vang lên hai tiếng “chủ quyền”.
“Đoàn quân Việt Nam đi chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng hoài xa chen khúc quân hành ca…”. Tiếng hát của mọi người cùng hòa vào nhau trong từng từ, từng lời giữa tiếng rì rào của sóng biển. Ở nơi ấy, những công dân nhí của Trường Sa đứng nghiêm, say sưa hát Quốc ca dõng dạc. Đôi mắt trong veo trẻ thơ hướng về quốc kỳ đầy khát khao giữ biển, giữ chủ quyền quốc gia.
Ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chào cờ Tổ quốc thực hiện đều đặn theo từng cấp đảo, tháng một lần vào thứ Hai của tuần đầu tiên. Thành phần tham gia gồm quân, dân và các lực lượng đóng quân trên đảo. Sau chào cờ ở đảo, các đảo còn tặng Quốc kỳ cho các đoàn đại biểu, đoàn công tác mang về đất liền để ở nơi trang trọng nhất. Đó là những lá cờ được cán bộ, chiến sĩ treo trên đảo, qua sương gió, mưa nắng đã phai bạc, nhưng với những người từ đất liền, đó là kỷ vật thiêng liêng của Trường Sa dành cho đất liền.
Trường Sa luôn luôn nhận được tình cảm thân thương từ đất liền, đã có nhiều chuyến tàu thường xuyên chở hàng ra đảo.
Lời thề giữ biển
Sau chào cờ, hát Quốc ca, từ hàng quân, một sĩ quan hải quân đi nghiêm lên trước cột cờ đọc mười lời thề danh dự. Những lời thề đanh thép khẳng định ý chí và sức mạnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam đầy tự hào hãnh diện, vang vọng cả một vùng biển nước: “Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc. Một, hi sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam…”. Nghe “Mười lời thề danh dự của Quân đội Nhân dân” nơi đảo xa, cán bộ, chiến sĩ, quân, dân Trường Sa càng thấu hiểu được trách nhiệm lớn lao với Tổ quốc của mình.
Mười lời thề danh dự là một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình hình thành và phát triển của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Lời thề ấy được phát ra mạch lạc, cuồn cuộn từ lồng ngực. Nhìn lá cờ trên cao, cảm thấy như quê hương, đất nước, non sông đang nghe mình đọc... cảm giác xúc động vô cùng.
Cuộc sống trên đảo Trường Sa lớn.
Giữ vững lời thề ấy, bao thế hệ ông cha chúng ta đã không quản máu xương để bảo vệ, giữ gìn từng tấc đất chủ quyền của biển đảo. Trường Sa vẫn sừng sững, hiên ngang giữa phong ba bão tố. Sức sống Trường Sa mãi trường tồn là minh chứng cho tinh thần của dân tộc Việt Nam. Đến với Trường Sa, nhìn những đổi thay nơi quần đảo này, chúng ta có quyền tự hào về lớp lớp những người đi trước và cả thế hệ mai sau. Trường Sa anh dũng, kiên cường, nhưng cũng thật gần gũi, thân thương. Tâm hồn người Việt Nam là vậy, dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn lạc quan và luôn đoàn kết, gắn bó.
Sức mạnh, sự yên bình của vùng biển đảo và trách nhiệm, tình cảm ấy đã tôi rèn niềm tin sắt đá, tạo nên bức trường thành vững chắc ở Biển Đông bởi những người canh giữ biển đảo quê hương.
Những ngày đầu năm, trên Quân cảng Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, những chuyến hàng Tết 2018 đã được cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146 Hải Quân chuyển lên tàu chuẩn bị cho hải trình mang tình cảm thân thương của đất liền đến với quân và dân huyện đảo Trường Sa. Mỗi thùng quà Tết chứa đựng biết bao tình cảm thân yêu mà nhân dân cả nước dành cho quân dân huyện đảo. Theo Trung tá Nguyễn Trung Quảng, Trưởng phòng Quân nhu Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải Quân, ngay từ tháng 11/2017, Vùng 4 Hải quân đã có kế hoạch chuẩn bị hàng Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 để phục vụ quân và dân trên đảo và thềm lục địa của Tổ quốc. Hàng Tết mang đến Trường Sa đầy đủ nhu yếu phẩm và phong phú chủng loại để quân và dân huyện đảo Trường Sa vui Tết, đón Xuân.
Thanh Mạnh/TC GĐ&TE