.
Đi dọc ngang miền sông nước, tôi được nghe nhiều về các đền thờ Bác Hồ trên các địa danh anh hùng, khắp miền Tây Nam bộ đâu đâu cũng có đền thờ Bác Hồ. Đây là cái gốc tình cảm, là chiều sâu tâm linh con người. Mỗi ngôi đền thờ Bác dựng trên đất sông nước miền Tây là một huyền thoại diệu kỳ, một câu chuyện cảm động về lòng kính yêu Bác Hồ.
Ở khu vực ĐBSCL hiện có 7 trong số 13 tỉnh, thành phố xây dựng 30 đền thờ, phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những đền thờ Bác tiêu biểu: Đền thờ Bác ở xã Long Đức (T.P Trà Vinh); Lương Tâm (huyện Long Mỹ , Hậu Giang), An Thạnh Nhất (huyện Cù Lao Dung , Sóc Trăng), Trí Lực (huyện Thới Bình, Cà Mau)…là nơi tôn nghiêm nhất. Mỗi đền thờ là một huyền thoại diệu kỳ.
Cổng đền thờ Bác ở xã Châu Thới
Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) cách trung tâm T.P Bạc Liêu hơn 8km về hướng đông bắc, ban đầu được xây dựng với vật liệu đơn sơ tre, lá. Nhưng việc hình thành giữ gìn đền thờ là một câu chuyện ly kỳ của Đảng bộ và nhân dân xã Châu Thới anh hùng.
Dù đã gần 46 mùa xuân Bác đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng đối với ông Nguyễn Đăng Khoa, nguyên là Đội trưởng Đội bảo vệ đền thờ Bác, từng quyết tử để bảo vệ đền. Ông vẫn luôn nhớ mãi những ngày cùng đồng đội đi nhặt những trái pháo lép của địch, lấy trộm những trái lựu đạn mang về chế tạo lại để dùng làm “chướng ngại vật” ngăn chặn giặc phá đền thờ Bác.
Sau ngày giải phóng, ông Khoa tiếp tục làm công việc bảo vệ chăm sóc đền thờ Bác đến nay. Với tình cảm sâu nặng đối với Bác, ông đã tìm thấy được niềm vui và hạnh phúc trong công việc chăm sóc đền thờ Bác.
Ông Nguyễn Đăng Khoa hằng ngày chăm sóc đền thờ Bác xã Châu Thới
Cà Mau mảnh đất cực Nam Tổ quốc, có nhiều đền thờ Bác nhất cả nước (15 đền thờ, phủ thờ). Sau khi Bác mất (1969), xuất phát từ tình cảm thiêng liêng của nhân dân Thới Bình đối với Bác Hồ, Huyện ủy Thới Bình (Cà Mau) xây dựng phủ thờ Bác tại xã Trí Lực.
Những năm chống Mỹ nhiều lần bọn giặc tìm cách phá, dân trong vùng ra sức bảo vệ, hàng chục người đã hy sinh trong các cuộc đấu tranh với giặc để giữ đền thiêng. Phủ thờ Bác nằm trên khu đất rộng, bốn mùa cây cối tốt tươi.
Còn phủ thờ Bác hiện nay được xây dựng trên khuôn viên nền phủ thờ Bác trước đây với 3 căn, 1 chái theo kiểu hình chóp, xây dựng trên diện tích hơn 4.000 m2, với mặt bằng có nhiều hố bom sâu của địch trút xuống, với các hạng mục công trình: Phủ thờ Bác khung sườn nhà chủ yếu là cây tràm, cây mắm và mái lợp tôn thiếc đơn sơ mà trang nghiêm, tôn kính.
Bệ thờ xây gạch hình tam cấp đặt ảnh Bác họa bằng nước sơn trên nền vải, khung gỗ cao 1,2 m và rộng 1 m; phía trên có dòng chữ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Đền thờ Bác ở xã Long Đức (T.P Trà Vinh – Trà Vinh).
Đền thờ Bác ở xã Long Đức (T.P Trà Vinh) cách trung tâm T.P Trà Vinh khoảng 5km về phía bắc được khởi công xây dựng cuối tháng 3/1970 dưới tầm đạn pháo của địch.
Công việc phải làm vào ban đêm, bất chấp bom đạn, sự đánh phá ngăn cản của địch, du kích cùng nhân dân địa phương chia ra làm nhiều tổ, vừa bảo đảm vận chuyển nguyên vật liệu vào khu vực xây đền, qua mắt các căn cứ quân sự của Mỹ – ngụy chung quanh, vừa phải trực chiến chống càn, bảo vệ nhân dân và khu vực xây dựng đền.
Vào đúng ngày 30 Tết Nguyên đán năm 1971, trong niềm vui của nhân dân, ngôi đền rộng 16m2 được làm bằng các vật liệu thiên nhiên, thiết kế kiểu hình khối vuông, nóc bánh ú, mái lợp lá, khung sườn bằng loại gỗ tạp, vách tôn, nền tráng xi – măng, phía trước đền khoảng 10m có một đài liệt bằng tôn, hình tháp. Gần 5 năm bảo vệ ngôi đền, nhiều chiến sĩ và nhân dân đã hy sinh anh dũng, nhưng khu vực đền vẫn được giữ vững và nhanh chóng xây dựng lại sau mỗi lần bị địch phá hủy, đốt cháy.
Phủ thờ Bác Hồ ở xã Trí Lực
Còn các chiến sĩ ta, trước mỗi trận đánh đều đến đền dâng hương, hạ quyết tâm xung trận “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trước bàn thờ Bác Hồ và Tổ quốc.
Những câu chuyện về tấm lòng người dân miền sông nước ĐBSCL đối với Bác Hồ như việc xây cất đền thờ, phủ thờ, vừa là di sản văn hóa, vừa là di tích lịch sử văn hóa mãi mãi trường tồn cùng non nước Việt .