Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thiết lập phương án bay tắt, rút ngắn đường bay cho các chuyến bay vận chuyển vaccine COVID-19

Để đảm bảo cung cấp dịch vụ hoạt động bay cho các chuyến bay vận chuyển vaccine an toàn, hiệu quả, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam vừa chủ động đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cho phép thiết lập quyền ưu tiên hạ cánh cho các chuyến bay vận chuyển vaccine phòng COVID-19 để rút ngắn thời gian vận chuyển, đảm bảo chất lượng vaccine.

Thiết lập phương án bay tắt, rút ngắn đường bay cho các chuyến bay vận chuyển vaccine COVID-19 - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Thông tin trên báo Công an nhân dân, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam vừa chủ động đề nghị Cục Hàng không Việt Nam cho phép thiết lập quyền ưu tiên hạ cánh cho các chuyến bay vận chuyển vaccine phòng COVID-19 để rút ngắn thời gian vận chuyển, đảm bảo chất lượng vaccine. Để nhận dạng các chuyến bay vận chuyển vaccine phòng COVID-19, yêu cầu các hãng hàng không điền vào kế hoạch bay không lưu (FPL) "RMK/VACCINE" để thông báo chuyến bay đang vận chuyển vaccine.

Do vaccine phòng COVID-19 là mặt hàng có giá trị cao và quá trình vận chuyển tiềm ẩn các rủi ro do phải chuyên chở số lượng đá khô lớn kèm theo, việc nhận dạng chuyến bay đang vận chuyển vaccine là cần thiết để các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có thể tập trung đảm bảo tuyệt đối an toàn cho các chuyến bay này.

Trong trường hợp đặc biệt, khi nhận được yêu cầu của tổ lái chuyến bay vận chuyển vaccine về việc bay tắt để rút ngắn thời gian bay, đảm bảo an toàn cho chuyến bay, cho phép cơ sở điều hành bay điều hành theo phương án bay tắt, rút ngắn đường bay nếu đảm bảo công tác hiệp đồng và an toàn bay.

Báo này cũng cho biết, do tính cấp thiết của việc nhận dạng và ưu tiên không lưu cho các chuyến bay vận chuyển vaccine phòng COVID-19, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam tạo điều kiện ưu tiên trong công tác điều hành bay và Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam bố trí cơ sở hạ tầng, tạo điệu kiện thuận lợi nhất cho các chuyến bay vận chuyển vaccine phòng COVID-19.

"Theo tính toán ban đầu của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí cho hoạt động nghiên cứu, mua vaccine phòng Covid-19 khoảng 25.200 tỷ đồng, trong đó khoảng 21.000 tỷ đồng là kinh phí mua vaccine, còn lại là kinh phí vận chuyển, bảo quản, phân phối, tổ chức tiêm chủng. Dự kiến, ngân sách trung ương phải bố trí khoảng 16.000 tỷ đồng, còn lại do ngân sách địa phương chi và huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức." – Zing News cho hay.