Đưa con vào bệnh viện, mẹ em cho biết tình trạng này xảy ra khoảng hai tháng nay, đêm nào cũng vậy, sau khoảng 10 phút em tự đi vào giường ngủ tiếp, sáng hôm sau không còn nhớ chuyện đã xảy ra. Một đêm, khi em tỉnh dậy, mẹ cố gắng đánh thức bằng cách hét to vào tai con và đập tay lay mạnh vào người, em kích động, hét lên. Người mẹ đành để con tự đi cho đến khi tự động vào giường ngủ tiếp.
Tình trạng bất thường của em ngày càng tăng, thời gian tỉnh đêm kéo dài hơn, có những hành vi kích động, không kiểm soát bản thân. Có lần trong cơn mộng du em ngã lăn xuống cầu thang; có lần em lục lọi đồ đạc, dao kéo trong nhà bếp bị dao cắt chảy máu mà không cảm thấy đau đớn, chỉ đau khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau. Lúc này, gia đình mới đưa em vào bệnh viện khám.
Ngày 14/2, tiến sĩ, bác sĩ Ngô Quang Hải, nguyên Phó giám đốc Trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, cho biết chẩn đoán bệnh nhân bị mộng du đang có dấu hiệu tiến triển nặng. Thần sắc bệnh nhân ủy mị, biểu cảm hơi trầm, ít nói, ánh mắt vô thần, không có tiền sử động kinh hay tâm thần.
Bệnh nhân được bác sĩ châm cứu truyền thống kết hợp châm cứu đặc thù, cứu ngải, thủy châm, điện châm, xoa bóp bấm huyệt, đắp cao ngải cứu cùng với dùng thuốc y học cổ truyền. Sau một tháng điều trị, em ngủ sâu giấc 5-6 tiếng một đêm, không còn cơn mộng du.
Mộng du là biểu hiện cao nhất của chứng rối loạn giấc ngủ, con người thức dậy làm những hành động đời thường nhưng hoàn toàn không ý thức. Đây được cho là một hiện tượng khó hiểu đối với y học.
Theo các nhà khoa học, giấc ngủ được chia thành hai phần: giấc ngủ chuyển động nhanh (REM) và giấc ngủ không chuyển động nhanh (NREM). Khi ngả lưng giai đoạn đầu, con người thường bước vào giấc ngủ NREM. Trong giai đoạn này, suy nghĩ bắt đầu trôi dạt, khả năng phản ứng với các kích thích bên ngoài bắt đầu giảm, hoạt động cơ bắp bắt đầu chậm. Sau NREM, người ta chuyển sang giấc ngủ REM, nơi mà những suy nghĩ về giấc mơ xảy ra và biểu hiện như một số hoạt động não. Trong giai đoạn này, nếu cố gắng đánh thức một người trong giấc ngủ, người này sẽ thức dậy với một chút mất phương hướng.
Theo bác sĩ Hải, nguyên nhân gây mộng du được cho là do tình trạng lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, ốm đau triền miên, sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc an thần, uống nhiều rượu. Ở người già có thể là biểu hiện của bệnh não như thiếu máu não thoáng qua, các bệnh mạch máu não. Một số yếu tố khác như sự kết hợp giữa chứng rối loạn giấc ngủ và bệnh thần kinh, sa sút trí tuệ.
Y học cổ truyền cho rằng chứng mộng du do các rối loạn can, huyết trong cơ thể, khiến phần hồn phiêu dạt ra ngoài thân thể gây mộng du, bệnh nhân tỉnh dậy mà không biết.
Hiện tượng mộng du ở trẻ em phổ biến hơn ở người lớn. Khi mộng du, người bệnh vẫn đang trong trạng thái ngủ sâu nên thường không thể nhớ mình đã thực hiện hành động gì lúc đó. Các hành động thường kéo dài từ vài phút đến một giờ, có thể xảy ra nhiều đêm mỗi tuần. Người bị mộng du không nhận thức rõ cảnh vật, âm thanh, mùi vị, thậm chí là cảm giác đau đớn. Khi một người bị mộng du, những người khác thường không đánh thức được họ. Ngược lại, việc đánh thức có thể gây ra những phản ứng bạo lực trở lại.
Với thiếu nữ trên, tình trạng mộng du có dấu hiệu nặng lên, nếu để lâu có thể gây ra những rối loạn tâm thần, ảnh hưởng đến sức khỏe, khó chữa.
Bệnh nhân khi có triệu chứng bệnh cần được bác sĩ chuyên khoa khám. Để an toàn, người bệnh nên ngủ ở tầng trệt, trong phòng không có đồ đạc có thể gây hại, cửa phòng và cửa sổ được cài then. Nên để chuông ở cửa ra vào để báo thức cho người khác khi bệnh nhân mở cửa. Khi đó cần đưa bệnh nhân trở lại giường ngủ, không nên cố gắng đánh thức người đang mộng du vì có thể khiến họ bị kích động.
Với trẻ nhỏ, tránh để bé mệt mỏi, kiệt sức, thiếu ngủ vì có thể làm tăng mộng du. Nếu con bạn thường bị mộng du, ghi chép thời gian từ lúc trẻ ngủ đến lúc bắt đầu mộng du, sau đó đánh thức trẻ 15 phút trước khi bắt đầu mộng du, giữ cho thức 5 phút. Làm như vậy khoảng một tuần, nếu tình trạng không cải thiện thì nên đến gặp bác sĩ.