Trong khi các cửa ngõ của thủ đô Hà Nội đều có đường cao tốc về các tỉnh, các tuyến đường vành đai khép kín, sân bay Nội Bài vẫn chưa tới mức quá tải; Quảng Ninh, Hải Phòng liên tục khai trương đường cao tốc, sân bay mới... thì TP.HCM vẫn loay hoay trong bản quy hoạch.
Theo quy hoạch đến năm 2020, TP.HCM sẽ có 6 đường cao tốc với tổng chiều dài 310 km nhưng đến nay mới chỉ hoàn thiện 2 đường (113 km). Hệ thống 3 đường vành đai chưa đường nào hoàn chỉnh; 8 tuyến metro nhưng mới chỉ có 1 tuyến đang chật vật xây dựng, chưa biết có về đích đúng hẹn 2020 được không. Hệ thống đường sắt, đường sắt trên cao, đường sắt một ray, đường trên cao... cũng chưa đường nào được xây dựng. Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải cả trên trời và dưới đất nhưng việc mở rộng ì ạch chưa thể triển khai, lợi thế sông nước cực lớn nhưng giao thông thủy vẫn chỉ dừng lại ở tiềm năng. Với tình hình này, chắc chắn sắp tới TP.HCM sẽ phải điều chỉnh lại quy hoạch để phù hợp với thực tế.
Hạ tầng giao thông yếu kém không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sống của người dân TP mà còn đang trở thành nút thắt cổ chai kìm hãm sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác như du lịch, logistics...
TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, nhận định hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của TP đều trì trệ, nguyên nhân chính là do thiếu cơ chế. Ngân sách của cả T.Ư và TP chỉ đáp ứng khoảng 20% so với nhu cầu vốn đầu tư cho giao thông.
Đối với các công trình hạ tầng dẫn dắt sự phát triển, giúp người dân đi lại nhanh chóng, thuận tiện hơn như các tuyến đường trên cao, đường cao tốc, đường vành đai, ngân sách nhà nước không đủ đầu tư, không còn cách nào khác là kêu gọi tư nhân cùng tham gia. Lãnh đạo TP.HCM luôn khẳng định chủ trương kêu gọi xã hội hóa nhưng không đưa ra được bất cứ chính sách cụ thể nào để thu hút tư nhân tham gia các dự án hạ tầng.
Nhiều dự án đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) trong hai năm qua không thể triển khai do vướng các thủ tục đầu tư hình thức này, mặc dù đã được điều chỉnh bổ sung nhưng các nội dung hướng dẫn vẫn chưa ban hành kịp thời. Dự án đầu tư theo hình thức BOT phải nghiên cứu chuyển đổi sang hình thức khác cho phù hợp theo quy định, đồng thời các nhà đầu tư phải đối mặt với rất nhiều rủi ro nên e ngại không dám tham gia. Thậm chí, có nhà đầu tư đã bỏ tiền làm nghiên cứu tiền khả thi cho dự án đường trên cao nhưng do nhiều vướng mắc về cơ chế, cũng đành “rút lui”. Các dự án đầu tư theo hình thức BT lại càng gặp khó khăn do quy định về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư chưa có hướng dẫn thanh toán.
“TP cần nghiêm túc xem xét, đánh giá lại tất cả quy hoạch, đề ra một chương trình phát triển cụ thể để lọc ra các dự án cần ưu tiên làm trước, từ đó có cơ chế huy động nguồn lực. Hạ tầng giao thông phải là khung xương, luôn phải đi trước để thúc đẩy kinh tế phát triển. Cần có sự quyết liệt từ phía lãnh đạo TP trong việc thúc đẩy thông qua các cơ chế, chính sách đột phá để tháo các nút thắt cho ngành giao thông”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Theo H. MAI/THANH NIÊN