Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thỏ làm sao “ăn thịt” được sói: Câu chuyện về thành công kinh điển

Một người, không quan trọng bạn làm cái gì mà quan trọng là bạn làm với ai; không quan trọng bạn bỏ ra bao nhiêu nỗ lực, quan trọng là “sân khấu” dành cho bạn lớn tới đâu. Đời người, quan trọng nhất chính là lựa chọn. Lựa chọn sai lầm, có nỗ lực ra sao cũng chỉ là phí công vô ích. Muốn lựa chọn chính xác, cần phải tìm hiểu cho rõ môi trường làm việc và ông chủ của bạn.

01

Thỏ ngồi viết lách trước hang động. Sói đi ngang qua trông thấy vậy liền hỏi: "Cậu đang viết cái gì thế?"

Thỏ đáp: "Thỏ làm sao ăn thịt được sói".

Sói không tin, thỏ dụ sói vào hang. Một lúc sau, thỏ một mình đi ra hang động, tiếp tục ngồi viết.

Lợn rừng đi qua trông thấy liền hỏi: "Cậu đang viết cái gì thế?".

Thỏ đáp: "Thỏ làm sao ăn thịt được lợn rừng?".

Lợn rừng không tin, thỏ dụ lợn rừng vào trong hang.

Cuối cùng, trong hang động, một con sử tử ngồi giữa đống xương của sói và lợn rừng, thỏa mãn ngồi xỉa răng, đồng thời đọc bài viết mà thỏ đưa cho – "Năng lực tới đâu, mấu chốt là ở chỗ bạn làm việc với ai".

Bài học: Một người, không quan trọng bạn làm cái gì, mà quan trọng là bạn làm với ai; không quan trọng bạn bỏ ra bao nhiêu nỗ lực, quan trọng là "sân khấu" dành cho bạn lớn tới đâu. Đời người, quan trọng nhất chính là lựa chọn. Lựa chọn sai lầm, có nỗ lực ra sao cũng chỉ là phí công vô ích. Muốn lựa chọn chính xác, cần phải tìm hiểu cho rõ môi trường làm việc và ông chủ của bạn.

Thỏ làm sao “ăn thịt” được sói: Câu chuyện về thành công kinh điển và bài học dành cho người không muốn sống đời tầm thường - Ảnh 1.

02

Thỏ không cẩn thận nói chuyện này cho bạn của mình, tin tức lan dần ra khắp khu rừng. Sư tử vô cùng tức giận: "Nếu như tuần này không có "thức ăn" đi vào động, ta sẽ ăn ngươi".

Thỏ tiếp tục ngồi trước cửa hang viết lách, nai nhỏ đi qua tò mò hỏi: "Cậu đang viết gì vậy?".

Thỏ đáp: "Thỏ làm sao ăn thịt được sói".

Nai nhỏ nói: "Chuyện này cả rừng đều biết rồi, sao cậu vẫn còn dùng chiêu này?".

Thỏ nói: "Chính vì cả rừng đều biết rồi nên tớ phải nghỉ hưu thôi, sư tử nói muốn tìm một người thay tớ, không lẽ cậu không muốn thay vào vị trí này ư?". Nai nhỏ bị thu hút, liền theo thỏ vào trong động.

Một lúc sau, thỏ một mình đi ra khỏi hang động, tiếp tục ngồi viết. Ngựa nhỏ đi qua, chuyện tương tự lại xảy ra.

Trong hang động, sư tử thỏa mãn ngồi xỉa răng, đọc bài viết mà thỏ đưa cho - "Làm sao để chiêu mộ thêm nhân viên nhằm tạo ra lợi ích cho ông chủ".

Bài học: Bí mật kinh doanh là thứ không thể được tiết lộ ra ngoài, một khi đã bị lộ, bắt buộc phải tìm kiếm một phương pháp thay thế hiệu quả tương ứng; nhân viên bắt buộc phải không ngừng tạo ra giá trị cho ông chủ, khi giá trị bạn cống hiến cho sếp thấp hơn giá trị bạn được hưởng, đó cũng chính là lúc bạn sắp phải khăn gói ra đi.

Thỏ làm sao “ăn thịt” được sói: Câu chuyện về thành công kinh điển và bài học dành cho người không muốn sống đời tầm thường - Ảnh 2.

03

Sư tử càng ngày càng lớn, thức ăn mà thỏ cung cấp sớm đã không đủ để lấp đầy bụng của sư tử. Nó nói với thỏ: "Lượng thức ăn của ta phải tăng lên, vốn dĩ 4 ngày 1 con nai nhỏ, bây giờ phải 2 ngày 1 con. Nếu trong 1 tuần không có gì thay đổi, ta sẽ ăn ngươi."

Vậy là, thỏ rời hang động, chạy vào rừng sâu thật sâu, nó gặp một con dê núi: "Cậu có tin thỏ có thể dễ dàng ăn được sói không?". Dê núi không tin, vậy là thỏ dụ dê núi về trong hang.

Một lúc sau, thỏ một mình đi ra khỏi hang động, tiếp tục chạy khắp rừng sâu.

Lúc này thỏ gặp được một con lợn rừng, sự việc tương tự lại xảy ra. Thì ra, những động vật ẩn sâu trong rừng không biết câu chuyện về sói và thỏ.

Cuối cùng, trong hang động, sư tử thỏa mãn ngồi xỉa răng, đọc bài viết thỏ đưa cho – "Cách chuyển đổi từ mô hình kinh doanh cố định sang kinh doanh lưu động".

Bài học: Không ngừng khai thác thị trường mới, không ngừng khám phá các mô hình kinh doanh mới là một cách tốt để phá vỡ bế tắc. Khi bạn thực sự không thể nghĩ ra cách giải quyết vấn đề, hãy đi ra ngoài!

Thỏ làm sao “ăn thịt” được sói: Câu chuyện về thành công kinh điển và bài học dành cho người không muốn sống đời tầm thường - Ảnh 3.

04

Vì cứ ăn xong lại ngủ nên sư tử ngày một trở nên béo phì. Một hôm, sư tử quyết định ra ngoài tản bộ, bỗng nhiên phát hiện ra cửa hang đã trở nên quá nhỏ bé so với thân hình của mình, nó không cách nào ra được khỏi hang.

Thỏ đứng ngoài cửa hang đắc ý nói: "Từ nay về sau, ngươi phải luôn nghe lời ta, nếu không ta sẽ không kiếm đồ cho ngươi ăn nữa".

Sư tử bất lực nói: "Được, chỉ cần ngươi cho ta ăn, bảo ta làm gì cũng được".

Lúc này, sư tử mới phát hiện ra bài viết mới của thỏ - "Chiến lược quyết định tầm cao – thỏ làm sao mượn lực từ sư tử".

Bài học: Tạo ra một viễn cảnh hưởng thụ, cơm no áo ấm, việc không tới tay cho sư tử, sử dụng uy tín của sư tử để nâng cao tầm ảnh hưởng của mình trong rừng, chịu đựng áp lực và sỉ nhục, cuối cùng lấy lại quyền kiểm soát, mọi nỗ lực đều đáng giá.

Thỏ làm sao “ăn thịt” được sói: Câu chuyện về thành công kinh điển và bài học dành cho người không muốn sống đời tầm thường - Ảnh 4.

05

Danh tiếng của thỏ trong rừng ngày càng vang xa, mọi người đều biết ông chủ của thỏ rất lợi hại, hơn nữa, một ông chủ lợi hại như vậy lại nghe lời thỏ nhỏ răm rắp.

Vậy là, thỏ bắt đầu hoành hành ngang ngược, cậy quyền ức hiếp chèn ép những động vật khác. Cuối cùng có một ngày, thợ săn tới, bắt sống thỏ, đồng thời vứt một mẩu giấy vào trong hang: "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn".

Bài học: Lúc đắc ý cũng đừng huênh hoang tự đắc.

Thỏ làm sao “ăn thịt” được sói: Câu chuyện về thành công kinh điển và bài học dành cho người không muốn sống đời tầm thường - Ảnh 5.

06

Khu rừng khôi phục lại sự yên ắng vốn có, mọi người dường như đã quên đi câu chuyện thỏ ăn sói.

Rất lâu sau đó, một con hổ sau khi nghe được câu chuyện liền muốn học theo. Vậy là hổ bắt một chú linh dương và nói: "Nếu như người có thể mang thức ăn tới cho ta như thỏ đã từng làm, vậy ta sẽ không ăn thịt ngươi".

Linh dương đồng ý, hổ tự dương tự đắc đi vào trong hang. 3 ngày trôi qua, hổ không thấy linh dương mang con vật nào vào hang.

Không chịu được nữa, hổ đi ra ngoài nghe ngóng tình hình. Thì ra, chú linh dương đã bỏ chạy từ bao giờ, đồng thời để lại cho hổ một bài viết – "Muốn làm ông chủ, trước hết phải biết cách giữ chân nhân viên".

Bài học: Cùng một mô hình kinh doanh, không chắc sẽ thích hợp với tất cả mọi người. Thời gian trôi qua, chi phí cơ hội cũng tăng lên. Mù quáng áp dụng kinh nghiệm cũ vào môi trường hiện tại, thất bại là điều không thể tránh khỏi.