Ngồi nhiều, ít vận động có thể là một trong những nguyên nhân gây thoái hóa cột sống. Ảnh minh họa
Số người dưới 45 tuổi bị thoái hóa cột sống ngày càng tăng
Trong đợt khám sức khỏe tổng quát vừa rồi, công ty chị Hoa có khá nhiều chị em bị thoái hóa cột sống nhẹ dù chỉ mới ngoài 30. Công việc văn phòng ngồi nhiều (trên 10 tiếng một ngày) dễ dẫn đến bị thoái hóa đốt sống cổ, gáy, thắt lưng… Bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Thu Hà (Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc) cho biết, số người dưới 45 tuổi bị thoái hóa cột sống ngày càng tăng, và như vậy, đây không còn là căn bệnh của tuổi già như quan niệm trước đây. Thoái hóa cột sống thường xảy ra ở những vị trí chịu nhiều áp lực như cổ, gáy, thắt lưng, với biểu hiện chính là đau mỏi cổ, thắt lưng; đơ cứng cổ; tê hoặc dị cảm tay, chân nhưng cơn đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi. Tuy không quá nguy hiểm nhưng cơn đau do bệnh gây ra sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc và làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu tình trạng bệnh trầm trọng nhưng không được chữa trị kịp thời, đúng cách, sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến tủy sống và dây thần kinh liên chi, gây tê bì bàn tay, bàn chân. Nếu để lâu không chữa trị có thể dẫn đến teo cơ, bại liệt.
Theo bác sĩ Hồ Thu Hà, có nhiều nguyên nhân gây ra thoái hóa cột sống như: Do chế độ làm việc quá sức, lao động nặng quá sớm; Mang vác nặng từ lúc nhỏ tuổi. Lúc này khung xương còn đang trong giai đoạn phát triển, chưa định hình, hoàn thiện; Thường xuyên mang, vác, đẩy, kéo các vật nặng không đúng tư thế; Ngồi học, ngồi làm việc trong thời gian lâu cùng những động tác uốn, vẹo lưng hay thậm chí việc thiếu ngủ cũng là các nguyên nhân gây ra thoái hóa cột sống; Béo phì cũng là một nguyên nhân dẫn đến bệnh thoái hóa cột sống do cột sống luôn phải gắng đỡ quá tải trọng lượng cơ thể. Ngoài ra, tuổi càng cao cột sống càng bị lão hóa dần. Bên cạnh sự thiếu hụt canxi trong xương thì việc thiếu những dưỡng chất cần thiết để tổng hợp sụn khớp và bôi trơn khớp cũng là nguyên nhân gây hiện tượng thoái hóa.
Hiện nhiều người vẫn nghĩ thoái hóa cột sống là căn bệnh do tuổi tác gây ra nên không thể tránh khỏi, hoặc cho rằng những dấu hiệu đau nhức cổ, lưng là ảnh hưởng của thời tiết nên thường có tâm lý chịu đựng, “sống chung” với cơn đau thay vì tìm đến các cơ sở y tế uy tín để nhận được sự thăm khám và chữa trị chuẩn xác từ các chuyên gia.
Bị thoái hóa nhẹ, nên tăng cường luyện tập với các bài tập phù hợp như yoga, bơi lội… Ảnh minh họa.
Phát hiện và điều trị thế nào?
Nếu thấy có các triệu chứng thoái hóa cột sống như trên, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc giảm đau hoặc âm thầm chịu đựng. Để phòng tránh những tác hại mà thoái hóa cột sống có thể xảy ra, ngay khi có những triệu chứng đầu tiên người bệnh nên đến phòng khám chuyên khoa khám và hỗ trợ điều trị kịp thời. Việc phát hiện thoái hóa cột sống được thực hiện bằng cách chụp XQ cột sống cổ thẳng/nghiêng, chụp XQ cột sống thắt lưng thẳng/nghiêng.
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị thoái hóa cột sống như: dùng thuốc, thủy châm, châm cứu, kéo giãn cột sống, vật lý trị liệu... Tuy nhiên, để hiệu quả nhất, cần căn cứ vào tình trạng sức khoẻ, mức độ thoái hóa cột sống của từng bệnh nhân để có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Theo bác sĩ Hồ Thu Hà, nếu mới chớm bị thoái hóa cột sống hoặc thoái hóa cột sống ở mức độ nhẹ, người bệnh hoàn toàn có thể áp dụng phương pháp vận động nhẹ nhàng, tập thể dục vừa phải, tăng cường luyện tập các động tác làm giãn cột sống như tập xà đơn, bơi lội để cải thiện và ngăn ngừa bệnh tiến triển. Không mang xách nặng gây đè nén cột sống. Hạn chế ngồi lâu, đi bộ nhiều. Bên cạnh đó, kết hợp vật lý trị liệu và có thể dùng thuốc chữa viêm khớp và bổ sung glucosamine.
Với các trường hợp nặng hơn, bắt buộc người bệnh phải đi khám và điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng thuốc giảm đau hoặc các phương pháp khác để điều trị mà không có sự thăm khám, chẩn đoán từ các bác sĩ có chuyên môn sẽ khiến người bệnh tốn kém nhiều thời gian, công sức mà bệnh tình không được điều trị triệt để.
Bác sĩ Hồ Thu Hà cho biết thêm: Để phòng ngừa thoái hóa cột sống, chúng ta cần phải thay đổi thói quen lao động, sinh hoạt hằng ngày để tránh tạo căng thẳng lên cột sống. Không nên lao động quá sức, mang vác các vật nặng. Tránh ngồi hay làm việc quá lâu ở một tư thế. Kết hợp tập luyện thể dục, thể thao.
Theo thông tin từ các chuyên gia y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ những người ở độ tuổi từ 50 trở lên mắc các bệnh về xương khớp khoảng 80%. Trong đó khoảng 32% bị thoái hóa cột sống.
Vân Nhi/TC GĐ&TE