Đại diện một ISP tại Việt Nam cho biết, cáp quang APG đã gặp sự cố trên phân đoạn S3 từ ngày 29/10, gây mất 250G dung lượng kết nối giữa Việt Nam và Nhật Bản, Mỹ. Hệ thống sau đó cần 5 ngày để tắt nguồn trạm cập bờ HKG, mất 1,33 Tb/giây lưu lượng quốc tế trong nhà mạng này. Đến hết ngày 29/11, toàn bộ lưu lượng trên cáp APG dự kiến được khôi phục.
Ngoài APG, cáp AAE_1 cũng đã khôi phục ổn định lưu lượng đi quốc tế sau khi khắc phục lỗi trên phân đoạn S1H.3 vào 20/11 và hoàn tất quá trình sửa chữa ở phân đoạn S1H.4 ngày 27/11.
Tuy nhiên, kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế vẫn chưa thể ổn định do tuyến cáp quan trọng AAG chưa khắc phục xong. Sự cố đứt cáp xảy ra từ ngày 23/10, làm mất toàn bộ lưu lượng đi quốc tế. Các nhà cung cấp ban đầu dự kiến đầu tháng 12 sẽ sửa xong, nhưng hiện lùi đến 15/12.
Do các tuyến cáp liên tục gặp trục trặc và lịch sửa diễn ra xen kẽ, các nhà mạng trong nước đã tìm cách bổ sung lưu lượng từ các tuyến vẫn hoạt động ổn định. Các tuyến TGN-IA, APG, cáp đất liền được huy động để bổ trợ sau sự cố với AAE_1 ngày 4/9. Đợt đứt cáp này được đánh giá ảnh hưởng nghiêm trọng đến trải nghiệm Internet trong nước khi nhu cầu họp, học trực tuyến tăng cao và các trường bước vào năm học mới. Các nhà mạng đã ưu tiên lưu lượng cho các phần mềm như Zoom, Microsoft Team, Google Meet...
Thống kê từ 2017, mỗi năm AAG gặp sự cố từ ba đến năm lần. Tuyến cáp ngầm dưới biển này dài hơn 20.000 km, kết nối một số nước Đông Nam Á như Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines, Brunei, đi Hong Kong, Mỹ. Theo Hiệp hội Internet Việt Nam, hiện lưu lượng kết nối Internet đi quốc tế qua AAG vẫn được nhiều nhà mạng trong nước sử dụng với tỷ lệ lớn.