Nhiều dịch bệnh “tấn công”
Thời điểm này, bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước. Từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã có khoảng 140.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 3 lần.
Tại Hà Nội, nếu như trong tháng 8-2019 ghi nhận từ 200 ca đến 300 ca mắc sốt xuất huyết/tuần, thì đến tháng 9-2019, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng lên từ 400 ca đến 500 ca/tuần, xuất hiện tại tất cả các quận, huyện, thị xã, song chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, dịch sốt xuất huyết đang bước vào thời kỳ cao điểm khi thời tiết mưa, nắng đan xen tạo điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát sinh và phát triển mạnh.
Hiện ở Bệnh viện Đa khoa Đống Đa đang điều trị cho nhiều ca bệnh sốt xuất huyết, trong đó có những bệnh nhân đến từ phường Ô Chợ Dừa - địa bàn có số người mắc sốt xuất huyết cao nhất của quận. Theo Tiến sĩ Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân sốt xuất huyết là sốc kéo dài, truyền dịch quá mức, chảy máu ồ ạt và các biểu hiện bất thường khác.
Tương tự, tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị nội trú trong tháng 8 và đầu tháng 9-2019 tăng cao, với 66 bệnh nhân nặng và hàng chục trường hợp đến khám mỗi ngày.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới chia sẻ: "Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện với các dấu hiệu cảnh báo như sốc, tiểu cầu quá thấp… trong đó có 1/4 số ca mắc sốt xuất huyết là phụ nữ có thai. Đặc biệt, trong tháng 8-2019 có 12 ca whitmore nặng được chuyển đến từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, thì có 4 ca tử vong”.
Khi thời tiết chuyển từ hè sang thu cũng là thời điểm thuận lợi để bệnh đau mắt đỏ xuất hiện.
Tại một số bệnh viện như: Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Mắt trung ương, số ca bệnh đau mắt đỏ chưa gia tăng mạnh, mới chỉ chiếm từ 8% đến 10% tổng số bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng Cương, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt trung ương) lưu ý, đây là bệnh dễ lây lan với tốc độ chóng mặt nên nhiều gia đình, tất cả các thành viên đều bị đau mắt đỏ.
Không nên hoang mang, lo lắng
Trước thông tin các ca bệnh whitmore xuất hiện tại một số tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Yên Bái, Thái Nguyên trong những ngày gần đây và được mạng xã hội gán ghép với vi khuẩn “ăn thịt người”, càng khiến dư luận thêm hoang mang, lo lắng.
Dù đang đi công tác xa, nhưng khi nghe gia đình gọi điện thông báo con trai nghi ngờ mắc vi khuẩn “ăn thịt người”, anh N.V.M. (ở quận Đống Đa, thành phố Hà Nội) vội vàng đặt vé máy bay để trở về nhà.
Anh M. kể: "Do đọc nhiều thông tin về vi khuẩn “ăn thịt người” whitmore, nên khi thấy con xuất hiện nhiều vết lở loét cạnh môi và vùng đùi, bắp chân, vợ tôi vô cùng lo lắng. Thế nhưng, khi tôi đưa con vào Bệnh viện Da liễu trung ương khám, thì kết quả, cháu chỉ bị bệnh chốc, một dạng nhiễm khuẩn da".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, vi khuẩn gây bệnh whitmore không phải là vi khuẩn “ăn thịt người”. Whitmore hay còn gọi là bệnh melioidosis do trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường tự nhiên gây ra. Con người có thể mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn, đặc biệt là qua vết trầy xước nhỏ ngoài da. Bệnh này có tỷ lệ tử vong cao, nhưng là bệnh không dễ dàng lây từ người sang người, nên người dân không phải quá lo lắng.
Hơn nữa, việc phòng bệnh cũng đơn giản, chỉ cần hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, nhất là những nơi bị ô nhiễm nặng. Đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời phải sử dụng giày, dép và găng tay khi tiếp xúc với đất và nước bẩn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, mỗi người cần tự trang bị cho mình kiến thức, hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra thời điểm này để chủ động việc phòng ngừa... Bên cạnh đó, tuân thủ thực hiện theo những hướng dẫn phòng bệnh mà ngành Y tế đưa ra. Với bệnh sốt xuất huyết, việc phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy và phòng muỗi đốt.
Đối với những bệnh như: Đau mắt đỏ, tay chân miệng…, thì luôn bảo đảm giữ gìn vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, dùng riêng vật dụng cá nhân. Khi nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, không tự chữa bệnh tại nhà để tránh biến chứng xảy ra. Khi mắc bệnh, người bệnh phải được cách ly, tránh lây lan ra cộng đồng.