Thôn Hùng Sơn có gần 100 hộ với khoảng 400 nhân khẩu, nằm cách trung tâm xã Tượng Văn chừng 3km. Mùa mưa bão đến, nước dòng sông Thị Long chảy xiết khiến chiếc cầu phao 20 năm tuổi càng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Vào thôn Hùng Sơn, người dân nơi đây phải đi qua con đường độc đạo duy nhất là chiếc cầu phao được lát ván tạm bợ, liêu xiêu. Nếu không có chút "máu liều" chắc người dân khó có thể băng qua cầu tạm nối đôi bờ sông Thị Long (một nhánh của sông Yên). Hàng ngày, người dân nơi đây phải liều mình đánh cược mạng sống để qua sông kiếm kế sinh nhai, còn những em nhỏ thì nơm nớp lo âu mỗi buổi cắp sách đến trường. Sự việc tưởng như đùa này đã diễn ra ở thôn Hùng Sơn 20 năm qua.
Người dân luôn lo sợ mỗi khi đi qua cây cầu mục nát.
Ông Nguyễn Thế Hợi, người dân thôn Hùng Sơn cho biết, trước đây mỗi khi qua sông Thị Long, người dân phải đi bằng đò, rất vất vả và bất tiện. Năm 1998, ông Nguyễn Thế Lý, người dân sống cạnh dòng sông này đã kêu gọi sức dân, cộng với số tiền tích cóp của mình, ông Lý đã giúp dân làm cây cầu phao, với kết cấu 5 nhịp. Có chiều dài khoảng 100m, rộng khoảng hơn 1m, được kết nối bởi những tấm ván, luồng cũ, có chỗ đã mục nát; kè bê tông ở hai bên đầu cầu đã bị nứt nham nhở. Dù đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng hàng ngày cây cầu này vẫn phải oằn mình cõng hàng trăm lượt người qua lại. Không chỉ bất tiện trong việc đi lại, mà vào mùa thu hoạch, cả thôn Hùng Sơn phải “rồng rắn” thay phiên nhau thồ lúa qua cầu. Câu chuyện người thồ lúa bị ngã, đổ xuống sông mất trắng; khách qua sông bị nạn... như “cơm bữa” đối với người dân nơi đây. Cũng từ cây “cầu già” này, nhiều năm qua dòng sông Thị Long đã cướp đi 4 mạng sống, trong đó có một em học sinh. Không khỏi lo lắng trước sự xuống cấp nghiêm trọng của cây cầu, chị Hoàng Thị Phước, thôn Hùng Sơn cho hay: “Ngày nào tôi cũng di chuyển qua cây cầu phao “tử thần” này để chợ búa kiếm sống. Nhiều hôm trời mưa dông, tôi bị ngã, hàng hoá rơi xuống nước hư hỏng hết, may mà còn giữ được mạng sống...”.
Theo người dân thôn Hùng Sơn, rất nhiều người gặp nạn khi qua cây cầu này đã được hai hộ dân sinh sống ven sông cứu thoát chết. Đó là gia đình ông Nguyễn Văn Đức, vì nhà ở gần cầu, nên ông Đức đã trở thành ân nhân của không ít trường hợp ngã sông, đuối nước. Ông Đức cho hay, số người mang ơn mình ông không thể nhớ nổi, bởi chuyện đó là thường xuyên. Duy chỉ có một số trường hợp người chết đuối vì cây cầu này thì ông không thể nào quên, đó là nỗi ám ảnh cuộc đời ông. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa bão thì thôn Hùng Sơn lại bị cô lập hoàn toàn. Cây cầu độc đạo duy nhất để bà con có thể đến chợ, đến xã, trẻ em đến trường cũng bị ngập lụt không thể đi. Mong muốn có một cầu cầu kiên cố là ước nguyện không chỉ riêng tôi, mà là của cả trăm hộ dân thôn Hùng Sơn và chính quyền địa phương - ông Đức chia sẻ.
Trao đổi với PV Báo LĐ&XH, ông Nguyễn Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Tượng Văn cho biết: “Nhiều cuộc họp xã liên tục kiến nghị lên các cơ quan huyện, tỉnh nhưng vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Trước đây, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có công văn phê duyệt và có dự án xây dựng cầu với kinh phí gần 13 tỷ đồng vào cuối năm 2009, dự định đầu năm 2010 triển khai, nhưng sau đó không thể ghi vốn nên chưa triển khai được. Địa phương cũng rất ái ngại vì chiếc cầu phao hết hạn sử dụng, nhưng chẳng có cách nào khác, phải chờ cơ quan cấp trên thôi". Cũng theo ông Liêm, để khắc phục và đảm bảo an toàn cho người dân qua lại cây cầu này, hàng năm xã đã bỏ ra 6 triệu đồng để tu bổ, sửa chữa những chỗ hư hỏng nặng. Năm 2013, khi hồ Yên Mỹ xả lũ cây cầu đã bị trôi một lần, sau đó người dân làm lại. Năm 2015, Ban An toàn giao thông tỉnh đã hỗ trợ 30 triệu đồng để xã lát lại ván, tu bổ cây cầu, đến giờ đã xuống cấp.
Việc người dân thôn Hùng Sơn mong ước có một cây cầu bắc qua sông Thị Long thay cho cây cầu người dân làm tạm đã 20 năm tuổi là hoàn toàn chính đáng. Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa xem xét để người dân nơi đây sớm có một cây cầu, giúp họ yên tâm sinh sống, phát triển kinh tế - xã hội.