Hiện nay, số người cần có sự trợ giúp xã hội trên cả nước lớn, chiếm khoảng 28% dân số, trong đó có khoảng 11,7 triệu người cao tuổi, trên 9 triệu người có công và thân nhân người có công với cách mạng, 6,4 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hàng triệu người hưởng trợ cấp người có công với cách mạng, 3,75% hộ nghèo, 4,55% hộ cận nghèo, hơn 3,1 triệu đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, khoảng 2 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm; ngoài ra, còn nhiều phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố; hàng ngàn xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); và các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề xã hội (đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt). Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm gặp phải các vấn đề xã hội (ly thân, ly hôn, bạo lực, bạo hành, nghèo đói, bị xâm hại, bỏ nhà đi lang thang, tệ nạn xã hội...); các vấn đề xã hội này luôn là vấn đề nổi cộm cần giải quyết, là mối quan tâm của mọi quốc gia.
Đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước với 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 195 cơ sở công lập và 230 cơ sở ngoài công lập, các tổ chức và cá nhân huy động được nguồn lực to lớn để trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Một số mô hình mới về trợ giúp xã hội cho người cao tuổi, người khuyết tật, người tâm thần, trẻ em và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn khác đã được thí điểm, hoạt động hiệu quả tại Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thanh Hóa, Bến Tre, Long An, Nghệ An, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh.
Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã tiếp nhận, nuôi dưỡng và chăm sóc cho hàng triệu lượt đối tượng đáp ứng nhu cầu trợ giúp xã hội, trong số đó, số đối tượng là trẻ em, người khuyết tật, tâm thần chiếm tỷ lệ lớn 46,5%, số đối tượng là trẻ em mồ côi và bị bỏ rơi chiếm một tỷ lệ tương đối 19,3%, số đối tượng là người già cô đơn chiếm tỷ lệ 10,3%, số đối tượng là trẻ em và người lớn nhiễm HIV/AIDS chiếm tỷ lệ 1,4%. Cho đến nay, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã cung cấp cho khoảng 30% đối tượng cần trợ giúp xã hội với các dịch vụ như tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội; tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất, dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp và cung cấp các dịch vụ công tác xã hội.
Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện mới chỉ tập trung vào việc chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống; rất thiếu về số lượng và yếu về chất lượng; chưa cung cấp các loại dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội; cơ sở vật chất bị xuống cấp, thiếu các trang thiết bị phục hồi chức năng; cán bộ, nhân viên công tác xã hội làm việc tại cộng đồng và trong các cơ sở còn thiếu về số lượng, chưa được đào tạo chuyên nghiệp về công tác xã hội; thiếu kỹ năng và phương pháp chăm sóc khoa học; chưa lập kế hoạch hòa nhập cộng đồng cho đối tượng.
Trong giai đoạn vừa qua, các cơ sở trợ giúp xã hội cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân yếu thế, dễ bị tổn thương đã có sự phát triển nhất định nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc, trợ giúp của các đối tượng bảo trợ xã hội trong phạm vi cả nước. Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội có những hạn chế, tồn tại nhất định, cụ thể: (1) Cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa các hoạt động trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội chưa đầy đủ, còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với đời sống xã hội hiện nay; (2) Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội được các doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thành lập, đầu tư theo diện xã hội hóa còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống trung tâm công tác xã hội, các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng cung cấp dịch vụ; (3) Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội hiện nay thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Các cơ sở chủ yếu chăm sóc, nuôi dưỡng tập trung các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt theo quy mô lớn; đối tượng sống xa cách với gia đình và cộng đồng; các cơ sở trợ giúp xã hội thiếu sự liên kết, kết nối mang tính hệ thống với các cơ quan phúc lợi xã hội, các cơ sở cung cấp dịch vụ chăm sóc, trợ giúp xã hội khác; (4) Các cơ sở trợ giúp xã hội công lập chủ yếu nuôi dưỡng, chăm sóc đối tượng tập trung, chưa triển khai các loại hình dịch vụ, trợ giúp đa dạng, cần thiết tại cơ sở trợ giúp xã hội như thiếu các dịch vụ tư vấn, trợ giúp các đối tượng tái hoà nhập cộng đồng; dịch vụ chăm sóc bán trú; chăm sóc khẩn cấp; dịch vụ y tế và phục hồi chức năng.
Hiện nay, các cơ sở TGXH có đối tượng NKT thì mới chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, chưa đa dạng dịch vụ hỗ trợ toàn diện cho đối tượng; chỉ có một số nhóm đối tượng là NKT đặc biệt nặng không nơi nương tựa, không tự lo được cuộc sống mới được tiếp nhận cơ sở bảo trợ xã hội và được nhà nước hỗ trợ toàn phần. Việc ban hành Thông tư, sẽ là cơ sở pháp lý để các trung tâm BTXH có căn cứ mở rộng các dịch vụ trợ giúp cho đối tượng là NKT nói chung và xác định hợp đồng trách nhiệm (có mức giá phù hợp đối tượng) để cung cấp các dịch vụ cho nhóm đối tượng tự nguyện là NKT có nhu cầu sống tại trung tâm hoặc ở cộng đồng (phạm vi và nhóm đối tượng NKT được tiếp cận dịch vụ sẽ rộng hơn).
Tuy nhiên, hiện nay chưa có giá dịch vụ trợ giúp xã hội để các địa phương thực hiện việc đặt hàng, cung ứng dịch vụ sự nghiệp công nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, chăm sóc và trợ giúp cho đối tượng. Để đa dạng hoá, cũng như nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội, đổi mới cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa hoạt động trợ giúp người dân yếu thế, dễ bị tổn thương tiếp cận các dịch vụ xã hội cần thiết phải nghiên cứu, xây dựng và ban hành khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội đáp ứng nhu cầu cần trợ giúp của đối tượng yếu thế và người dân.
1. Mục tiêu
Ban hành Thông tư Quy định mức tối đa khung giá dịch vụ trợ giúp xã hội làm cơ sở tính để các cơ sở trợ giúp xã hội và địa phương cung cấp dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc, trợ giúp đối tượng.
2. Phạm vi công việc
2.1. Thuê nhóm chuyên gia nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Thông tư
a) Chuyên gia 1: Trưởng nhóm
- Nhiệm vụ:
+Điều hành các buổi thảo luận nhóm chuyên gia đóng góp ý kiến
+ Điều phối các hoạt động của các thành viên trong nhóm
+ Phụ trách xây dựng dự thảo Thông tư
+ Cùng chuyên gia thành viên nghiên cứu các nội dung sửa đổi, chỉnh sửa
+ Hoàn thiện tài liệu gửi Cục bảo trợ xã hội và UNDP đóng góp ý kiến trước khi được phê duyệt.
+ Góp ý, tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện dự thảo Thông tư lần cuối trước khi trình Lãnh đạo Bộ ban hành.
- Thời gian làm việc: 20 ngày
- Định mức: 4 triệu đồng/ngày
b) Chuyên gia 2: thành viên
- Nhiệm vụ:
1. Nghiên cứu, góp ý đề xuất Đối với giá tối đa dịch vụ trợ giúp xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ
+ Nghiên cứu chuyên sâu về 01 loại dịch vụ (Giá tối đa dịch vụ ngày chăm sóc đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp)
+ Nghiên cứu chuyên sâu về 02 loại dịch vụ (Giá tối đa dịch vụ ngày chăm sóc cho đối tượng bảo trợ xã hội, Giá tối đa dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc bán trú)
2. Nghiên cứu, góp ý đề xuất Đối với giá tối đa dịch vụ trợ giúp xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo một phần
+ Nghiên cứu chuyên sâu về 01 loại dịch vụ (Giá tối đa dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng dài hạn cho đối tượng tự nguyện)
+ Nghiên cứu chuyên sâu về 01 loại dịch vụ (Giá tối đa dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc bán trú cho đối tượng tự nguyện)
+ Tổng hợp ý kiến Bộ, ngành địa phương liên quan đến các nội dung này.
+ Đưa ra ý kiến và thảo luận cùng trưởng nhóm trước khi hoàn thiện gửi Cục Bảo trợ xã hội
+ Làm việc theo sự phân công của trưởng nhóm
- Thời gian làm việc: 15 ngày
- Định mức: 2,5 triệu đồng/ngày
Dưới đây là bảng tổng hợp công việc của mỗi chuyên gia:
STT | Nội dung công việc | Đầu ra | Thời gian | Trưởng nhóm | Thành viên |
1 | Dự thảo Thông tư ban đầu | Dự thảo Thông tư | Trước 28/7/2021 | 3 | 3 |
2 | Nghiên cứu, góp ý đề xuất Đối với giá tối đa dịch vụ trợ giúp xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ (gồm 03 loại dịch vụ) và đảm bảo một phần (gồm 2 loại dịch vụ) | Báo cáo đánh giá, đề xuất sau khi nghiên cứu, góp ý đối với các loại dịch vụ | Từ 6 -16/8/2021 | 7 | 7 |
3 | Tổng hợp ý kiến Bộ, ngành địa phương góp ý
| Bản tổng hợp góp ý | Từ 17 – 22/8/2021 | 3 | 3 |
4 | Tổ chức họp kỹ thuật | Biên bản cuộc họp | Tháng 8/2021 | 2 | 2 |
5 | Tổng hợp các ý kiến sau khi họp kỹ thuật và hoàn thiện dự thảo Thông tư | Dự thảo hoàn thiện để trình lãnh đạo Bộ phê duyệt | Tháng 9/2021 | 5 |
|
| Tổng cộng |
|
| 20 | 15 |
4. Yêu cầu chuyên gia
- Chuyên gia trưởng cần có trình độ chuyên môn thạc sỹ hoặc tiến sỹ với 5-10 năm kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành công tác xã hội, khoa học quản lý, xã hội học, tâm lý xã hội, tài chính hoặc một số chuyên ngành khác có liên quan;
- Chuyên gia thành viên cần có trình độ chuyên môn thạc sỹ với 5-10 năm kinh nghiệm thuộc các chuyên ngành công tác xã hội, khoa học quản lý, xã hội học, tâm lý xã hội, tài chính hoặc một số chuyên ngành khác có liên quan;
- Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc đánh giá tài chính các chương trình, đề án;
- Có kỹ năng phân tích tốt chính sách
- Kỹ năng giao tiếp và áp dụng những kỹ năng đó trong quá trình thực hiện hoạt động tư vấn;
- Ưu tiên những người đã có kinh nghiệm trực tiếp xây dựng, đánh giá chính sách, đề án cấp chính phủ và thực hiện các hoạt động tư vấn tương tự của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
5. Thù lao làm việc của nhóm chuyên gia
Được quy định tại Hướng dẫn của LHQ - EU về chi phí địa phương trong hợp tác phát triển với Việt Nam - Bản cập nhật năm 2017 do Các cơ quan Liên Hợp quốc, Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam ban hành"
Ghi chú:
Các ứng viên quan tâm phải nộp hồ sơ trước ngày 9 tháng 8 năm 2021 và bao gồm Lý lịch cá nhân (Tiếng Anh hoặc Tiếng Việt) gửi qua bưu điện tới:
Cục Bảo trợ xã hội - Số 67A Trương Định – Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Tel: 0243-7475971