Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thông hầm Đèo Cả, vượt 2 tháng tiến độ

Hầm Đèo Cả dài thứ 2 cả nước, khi đưa vào hoạt động sẽ giúp các xe qua lại đèo rút ngắn thời gian đến 80% và rút ngắn chiều dài quãng đường khoảng 40%, xóa điểm đen tai nạn trên con đèo hiểm trở giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoá, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung và Tây Nguyên. Đây là công trình giao thông trọng điểm của quốc gia, do Việt Nam tự thiết kế, thi công bằng các nguồn vốn trong nước.

Hầm được trang bị hệ thống chiếu sáng, chữa cháy đảm bảo an toàn và có thể chịu đựng được động đất cấp 7

Ngày 31/7, Bộ Giao thông vận tải và Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả phối hợp tổ chức lễ thông hầm đường bộ Đèo Cả - hạng mục quan trọng nhất của dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, trên quốc lộ 1A, giáp ranh tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên. Dự án vượt tiến độ 2 tháng.

Hầm dài hơn 4 km, gồm 2 ống ngầm song song, cách nhau 30 m; được trang bị hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió, phòng cháy chữa cháy đảm bảo an toàn. Hầm có 2 làn xe, thiết kết theo tiêu chuẩn đường cao tốc với tốc độ 80 km/h và có thể chịu đựng được động đất cấp 7.

Dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, giao Công ty cổ phần đầu tư Đèo Cả làm chủ đầu tư. Mục đích mở rộng xây dựng tuyến đường mới, rút ngắn khoảng cách và thời gian cho các loại xe khi chạy trên quốc lộ 1A. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2017.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại lễ thông hầm đường bộ Đèo Cả

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Định Dũng cho rằng, việc có thêm hầm đường bộ Đèo Cả sẽ nâng cao năng lực vận tải đường bộ, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa giữa miền Trung và khu vực phía Nam, nối liền các khu vực phát triển tại miền Trung, đặc biệt giữa Phú Yên và Khánh Hòa, làm bàn đạp khai thác tiềm năng lợi thế, thúc đẩy các hoạt động công nghiệp, thương mại, du lịch cho cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Ngoài ra, hầm đường bộ tạo ra sự kết nối quan trọng với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, cửa ngõ của Tây Nguyên cũng như của đường xuyên Á ra biển, kết nối với đường hàng hải quốc tế.

Dự án này do nhà đầu tư trong nước thực hiện, được thi công bởi nhà thầu trong nước. Việc đầu tư, thi công các công trình hầm giao thông có quy mô lớn với yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ thể hiện dấu ấn trưởng thành của đơn vị thi công và các bộ, ngành, địa phương liên quan. Điều này khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, đặc biệt là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện với tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, khoa học, hầm đường bộ Đèo Cả - hạng mục quan trọng nhất của Dự án đã hoàn thành, cho thấy việc hoàn thành toàn bộ công trình vào năm 2017 là hoàn toàn có thể đạt được.

 

“Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi biểu dương và chúc mừng tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, nhà đầu tư và các nhà thầu đã tích cực, chủ động, nỗ lực trong suốt gần 5 năm qua để hoàn thành việc thông hầm Đèo Cả - dấu ấn quan trọng giúp nhanh chóng hoàn thành Dự án hầm đường bộ Đèo Cả nhằm tạo ra hệ thống hạ tầng đồng bộ, kết nối sự phát triển của khu vực Nam Trung Bộ và miền Trung”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.

Để sớm đưa toàn bộ các hạng mục của Dự án vào khai thác, vận hành đúng tiến độ trong năm 2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả khẩn trương hoàn tất các thủ tục cần thiết để đẩy nhanh tiến độ triển khai các hạng mục quan trọng khác, nhất là mở rộng, nâng cao chất lượng hầm đường bộ Hải Vân 2 - hạng mục kết nối, tác động trực tiếp đến vận hành và khai thác hầm đường bộ Đèo Cả.

Bộ Giao thông vận tải, nhà đầu tư chủ động làm việc với các bộ, ngành, địa phương liên quan, ngân hàng để khẩn trương tập trung tháo gỡ các vướng mắc về phương án tài chính tổng thể, cơ chế giải phóng mặt bằng, điều chỉnh tín dụng, hợp đồng để nhà đầu tư triển khai và hoàn thành Dự án có hiệu quả.

Tiếp đến, UBND tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, nhà đầu tư tiếp tục làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư; đào tạo, bố trí tạo công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống người dân khu vực chịu ảnh hưởng của dự án. 

Nhà đầu tư cần tổ chức vận hành bảo đảm đồng bộ, phát huy tối đa hiệu quả của hầm đường bộ, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho việc lưu thông qua hầm; thực hiện tốt trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng; để người dân địa phương là chủ thực sự, là người được hưởng lợi nhiều nhất từ công trình. Bộ Giao thông vận tải cần sớm thống nhất với nhà đầu tư phương án tổ chức quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình. Bộ Xây dựng thường xuyên phối hợp, kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện công trình, không để xảy ra sự cố.

Phó Thủ tướng động viên cán bộ, kỹ sư, công nhân thi công công trình

Phó Thủ tướng mong muốn nhân dân địa phương chung sức đồng lòng với Nhà nước, chủ đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi triển khai dự án, góp phần giúp công trình nhanh chóng được đưa vào sử dụng, phát triển kinh tế-xã hội khu vực.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị đội ngũ kỹ sư, những người lao động tại đây tiếp tục nỗ lực lập thành tích, chuẩn bị tốt nhất cho việc đưa toàn bộ công trình vào vận hành khai thác, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội khu vực Nam Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Trước đó, hồi tháng 9/2015, Bộ Giao thông tổ chức thông xe hầm Cổ Mã, trong dự án xây dựng hầm đường bộ qua đèo Cả. Hầm dài 500 m, gồm 2 ống hầm song song cách nhau 30 m và trang bị hệ thống chiếu sáng, quạt thông gió, phòng cháy chữa cháy... Công trình được đầu tư 784 tỷ đồng, thiết kế 2 làn xe với tiêu chuẩn đường cao tốc loại B có vận tốc 80 km/h.

Cửa phía bắc hầm đèo Cả.

Dự án hầm đường bộ đèo Cả có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 13 km, điểm đầu tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân, huyện Đông Hòa (Phú Yên), được thiết kế bốn làn xe, mỗi làn rộng 3,75 m, có điểm đầu tại thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân, huyện Đông Hòa (Phú Yên), điểm cuối tại thôn Cổ Mã, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).

Trong đó, hầm đèo Cả dài 4.125 m, bắt đầu chính thức thi công từ đầu tháng 1-2014, đến nay thông hầm vượt tiến độ hai tháng so với kế hoạch ban đầu.

Còn hầm Cổ Mã dài 500 m đã thông xe kỹ thuật hồi tháng 9-2015. Ngoài ra, dự án còn có sáu cầu với tổng chiều dài 1.200 m, đường dẫn dài hơn 6.670 m, được thiết kế phù hợp với tiêu chuẩn đường cao tốc Bắc-Nam, vận tốc thiết kế 80 km/giờ.


Đèo Cả là một trong những cung đường đèo dài, quanh co, nhiều khúc cua gấp với bán kính cong nhỏ, độ dốc dọc lớn, gây nguy cơ mất an toàn giao thông, nhất là với các xe tải nặng, xe siêu trường, siêu trọng. Khu vực này cũng thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông do đất đá trên đèo bị sụt lở, đặc biệt khi có mưa lớn. Hoạt động giao thương bị ảnh hưởng nhiều bởi địa hình chia cắt, cản trở lưu thông hàng hóa giữa các khu vực, đặc biệt giữa hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Việc đầu tư xây dựng dự án hầm đường bộ qua đèo Cả nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa khi hoàn thành sẽ rút ngắn quãng đường, thời gian qua đèo, tạo thuận lợi và giảm thiểu rủi ro cho người dân khi tham gia giao thông.