Tại phiên thảo luận toàn thể tại Quốc hội về thực hiện Mục tiêu Quốc gia về Bình Đẳng giới hôm qua 9/11, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự lo ngại về thực trạng LĐ nữ tại các doanh nghiệp FDI được báo chí, truyền thông đưa tin bấy lâu, đang phải đối mặt với sự sa thải trước tuổi 35 - 40. Đây cũng là thể hiện sự bất bình đẳng về giới đáng báo động, cần phải có các giải pháp nào để bảo vệ LĐ nữ trước tình trang này.
Về điều này, tư lệnh ngành LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Bộ trưởng cho biết, ngay trong phiên thảo luận Kinh tế - Xã hội đã có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh vấn đề này.
Tuy thế, “đây là vấn đề lớn, chúng ta cần cẩn trọng”, Bộ trưởng nói, và cho biết: “Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã báo cáo vấn đề này, và đã chủ động lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát. Thủ tướng Chính phủ cũng đã trực tiếp thăm, đối thoại với công nhân và trực tiếp kiểm tra ở một số khu công nghiệp”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin cụ thể: “Đến nay, khu vực FDI tại Việt Nam đang sử dụng 2,6 triệu lao động (tổng số có 3,9 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội). Bên cạnh việc đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, FDI còn góp phần quan trọng vào giải quyết việc làm (2,6 triệu lao động) và an sinh xã hội - một số doanh nghiệp sử dụng lao động nhiều như Pouchen - 157.000, Samsung - 150.000, Nike - 400.000”.
“Vừa qua có tình trạng một số nơi (trong các loại hình doanh nghiệp) vì nhiều lý do khác nhau (như do doanh nghiệp sa thải thông qua thương lượng hoặc tạo sức ép; do người lao động chủ động lựa chọn; do đầu tư thiết bị máy móc... làm giảm lao động) dẫn đến có một bộ phận người lao động chuyển công việc khác, không được hoặc không tiếp tục tham gia tại doanh nghiệp - số liệu bảo hiểm thất nghiệp đến tháng 9 năm 2017, cả nước có 523.088 người (trong đó nữ 293.681 người, chiếm 56,14%) và khu vực FDI...”, Bộ trưởng cho biết.
Người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nhận định, điều này cho thấy có tình trạng việc làm của lao động nữ ở một số doanh nghiệp, khu công nghiệp thiếu ổn định, điều kiện chưa đảm bảo, song “không có tình trạng các doanh nghiệp FDI đồng loạt sa thải nữ công nhân hay 80% nữ công nhân ở doanh nghiệp FDI bị sa thải”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.
Bộ trưởng đưa số liệu của ILO để làm rõ thêm, qua nghiên cứu mới đây của Tổ chức lao động quốc tế ILO cho thấy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tác động vào Việt Nam. Nhân lực lao động nữ Việt Nam có nguy cơ mất dần thị phần không chỉ ở quốc tế mà ngay trong nước, nguy cơ mất việc làm cao đối với các ngành thâm dụng lao động như dệt may, giày da do máy móc thay thế đến 85% lao động.
“Đáng chú ý là tỷ lệ nữ trong các ngành này theo dự báo xấu nhất có thể lên tới 70% - 80% sau năm 2025”, Bộ trưởng quan ngại.
Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, về vấn đề lao động nữ tại các doanh nghiệp FDI như các đại biểu Quốc hội nêu, "sẽ là vấn đề Chính phủ đặc biệt chú trọng trong thời gian tới, bởi qua làm việc với tổ chức UN Women và cơ quan quản lý lao động các nước trong khu vực đều có tình trạng chung này", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội với phóng viên báo Lao động & Xã hội (báo điện tử Dân Sinh), liên quan đến việc lao động nữ tại các doanh nghiệp FDI đang đối mặt với sự sa thải trước tuổi 35 - 40, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi (đại biểu đoàn Thanh Hóa) cho biết, thông tin báo chí, dư luận cho rằng lao động nữ bị thải loại, hay nói cách khác, bị chấm dứt hợp đồng, bị thôi việc trong các doanh nghiệp rất nhiều. "Thế nhưng, qua khảo sát, chúng tôi thấy điều này có, nhưng có với tỷ lệ rất thấp và có thể chấp nhận được. Cũng qua khảo sát, hầu hết các DN đều đánh giá và khẳng định được vị trí của lực lượng LĐ trẻ, vị trí và đóng góp của LĐ nữ cho DN là rất tốt", ông Lợi cho biết. "Thực tế, chủ doanh nghiệp không muốn thải loại lao động trẻ và lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và cả lao động nam. Vì đó là lực lượng lao động có kinh nghiệm, dù sức khỏe có thể suy giảm, nhưng quan điểm là như vậy. Tuy nhiên vẫn đâu đó, chủ sử dụng lao động cũng muốn “thay hạt”, thay bằng lực lượng lao động trẻ hơn; thay lao động nữ bằng lao động nam. Điều này chúng ta cũng phải cảnh báo để DN quan tâm hơn đến chăm lo việc làm, thu nhập cho người lao động", ông Lợi nói. Đồng thời ông Lợi khẳng định, đó là những vấn đề chúng ta cần phải có ý kiến, và có các giải pháp ngăn chặn, hoặc có cả hỗ trợ DN, để họ giữ lực lượng lao động đó lại, để có việc làm. Nếu chúng ta làm được việc này, không phải chỉ là đảm bảo được ASXH mà còn đảm bảo được vấn đề trật tự an toàn xã hội, nền kinh tế phát triển bền vững và đặc biệt, giải quyết việc làm bền vững cho người lao động. |