Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, người có thẻ BHYT đăng ký KCB ban đầu tại các cơ sở KCB tuyến huyện được khám, chữa bệnh tại các cơ sở KCB tuyến huyện khác trong phạm vi tỉnh mà không cần giấy chuyển tuyến (thông tuyến huyện). Trước kia, tại bệnh viện tuyến huyện, trong trường hợp người dân đi khám không đúng tuyến theo quy định thì quỹ BHYT sẽ thanh toán 70% chi phí KCB. Nhưng kể từ 1/1/2016, người có thẻ BHYT khám, chữa bệnh tại trái tuyến tại các bệnh viện tuyến huyện trên toàn quốc được hưởng 100% chi phí KCB. Các quy định nêu trên đã được thực hiện đối với người thuộc diện hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại các xã đảo, huyện đảo (trên thẻ BHYT có mã ký hiệu k1, k2, k3) từ 1/1/2015.
Ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, sau thời gian thực hiện, quy định về thông tuyến BHYT đã có nhiều tác động tích cực đến người có thẻ BHYT, cơ sở khám, chữa bệnh và quỹ BHYT. Theo đó, đối với người có thẻ BHYT đã thuận lợi hơn rất nhiều khi không cần giấy chuyển tuyến vẫn được KCB và đảm bảo quyền lợi tại các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện. Các trường hợp đi làm xa, cư trú ngoại tỉnh được khám, chữa bệnh và đảm bảo quyền lợi BHYT đầy đủ tại các bệnh viện tuyến huyện mà không cần giấy xác nhận đăng ký tạm trú, giấy công tác. Đồng thời, người bệnh được lựa chọn khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế cùng tuyến có chất lượng phục vụ tốt hơn, kể cả cơ sở y tế tư nhân đang được xếp tương đương tuyến huyện. “Quy định thông tuyến thúc đẩy chất lượng khám, chữa bệnh tăng lên để giữ cũng như thu hút người bệnh. Và như vậy, người có thẻ BHYT được hưởng lợi từ việc này. Đối với cơ sở khám, chữa bệnh quy định thông tuyến sẽ giúp các cơ ở khám, chữa bệnh có tinh thần thái độ phục vụ, chất lượng khám, chữa bệnh tốt thu hút được nhiều bệnh nhân, đặc biệt là các cơ sở y tế tư nhân mà không phụ thuộc nhiều vào số lượng thẻ BHYT đăng ký ban đầu. Cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, đây là vấn đề rất quan trọng đối với các cơ sở y tế” - ông Phạm Lương Sơn nhấn mạnh.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.
Cũng theo BHXH Việt Nam, quy định thông tuyến còn buộc các cơ sở KCB phải đổi mới phương pháp quản lý, tăng cường chất lượng dịch vụ và như vậy cơ sở khám, chữa bệnh đã tạo nên lợi ích kép từ việc này. Điều quan trọng là đối với chính sách BHYT, khi quyền lợi người bệnh được mở rộng, thuận lợi trong KCB BHYT là động lực quan trọng để người dân tham gia BHYT. Ông Phạm Lương Sơn khẳng định: “Rõ ràng, chúng ta muốn thực hiện được lộ trình tiến tới BHYT toàn dân, việc cung cấp dịch vụ y tế đóng vai trò quan trọng”.
Bên cạnh những kết quả tích cực, việc thông tuyến KCB BHYT cũng có những tác động không mong muốn, đòi hỏi yêu cầu quản lý ngày càng chặt chẽ hơn. BHXH Việt Nam cho biết, qua theo dõi 2 tháng thực hiện thông tuyến, số lượt KCB tại các cơ sở KCB tuyến huyện chưa tăng đột biến do quy định mới và thời điểm áp dụng trùng với thời gian Tết âm lịch. Tuy nhiên, theo nhận định chung, số lượt KCB tại tuyến huyện sẽ tăng mạnh. Cùng với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế tính cả lương và phụ cấp, đây sẽ là tác động kép làm gia tăng chi phí KCB BHYT. Bên cạnh đó, việc thông tuyến KCB BHYT cũng có ít nhiều ảnh hưởng tới công tác KCB. Việc người bệnh không qua tuyến xã, phường mà lên thẳng các bệnh viện huyện dẫn đến các trạm y tế xã sẽ ít bệnh nhân đến KCB trừ các trạm y tế xã vùng sâu, vùng xa. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến huyện nhất là ở các bệnh viện được đầu tư trang thiết bị hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn tay nghề cao. Ngoài ra, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở y tế như tăng cung quá mức dịch vụ y tế để tăng chi phí KCB thu được và thu hút người bệnh có thể sẽ diễn ra…
Quy định cụ thể đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB có hiệu lực từ 1/1/2016 gồm: - Cơ sở KCB BHYT ban đầu tuyến xã và tương đương, gồm: Trạm y tế xã, phường, thị trấn; trạm xá, trạm y tế, phòng y tế của cơ quan, đơn vị, tổ chức; phòng khám bác sỹ gia đình tư nhân độc lập; trạm y tế quân- dân y, phòng khám quân- dân y, quân y đơn vị cấp tiểu đoàn và các cơ sở KCB khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. - Cơ sở KCB BHYT ban đầu tuyến huyện và tương đương, gồm: BVĐK huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh; Trung tâm Y tế (TTYT) huyện có chức năng KCB, TTYT huyện có phòng khám đa khoa; phòng khám đa khoa, phòng khám đa khoa khu vực; BVĐK hạng III, hạng IV và chưa xếp hạng thuộc các bộ, ngành hoặc trực thuộc đơn vị thuộc các bộ, ngành; BVĐK tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương; BV y học cổ truyền tư nhân tương đương hạng III, tương đương hạng IV hoặc chưa được xếp hạng tương đương; phòng Y tế, bệnh xá trực thuộc Bộ Công an, bệnh xá công an tỉnh, TP trực thuộc T.Ư; TTYT quân- dân y, bệnh xá quân y, bệnh xá quân- dân y, BV quân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, BV quân- dân y hạng III, hạng IV hoặc chưa được xếp hạng, các cơ sở KCB khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. - Cơ sở KCB BHYT ban đầu tuyến tỉnh và tương đương, gồm: BVĐK tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; BVĐK hạng I, hạng II thuộc các bộ, ngành, hoặc trực thuộc đơn vị thuộc các bộ, ngành; BV chuyên khoa, viện chuyên khoa, trung tâm chuyên khoa, TTYT dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có Phòng khám đa khoa; BV nhi, BV sản- nhi tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; BVĐK tư nhân tương đương hạng I, tương đương hạng II; BV y học cổ truyền tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư, bộ, ngành; BV y học cổ truyền tư nhân tương đương hạng I, tương đương hạng II; Phòng khám thuộc Ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ cán bộ tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; BV hạng II thuộc Bộ Quốc phòng, BV quân- dân y hạng II, các cơ sở KCB khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. - Cơ sở đăng ký KCB BHYT ban đầu tuyến T.Ư và tương đương, gồm: BVĐK trực thuộc Bộ Y tế (trừ các BV Hữu Nghị, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Thống Nhất trực thuộc Bộ Y tế); BV chuyên khoa, viện chuyên khoa trực thuộc Bộ Y tế có phòng khám đa khoa; BV hạng đặc biệt, BV hạng I trực thuộc Bộ Quốc phòng, Viện Y học cổ truyền Quân đội, các cơ sở KCB khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. |