Thân ái gửi các cán bộ, công chức, người lao động cơ quan thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội trong cả nước.
Nhân ngày truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam 23/11, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ, tôi thân ái gửi tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động đã, đang làm việc tại các cơ quan thanh tra ngành Lao động -Thương binh và Xã hội trong cả nước lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Ngày 23/11/1945, sau khi thành lập Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Ban Thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ thường xuyên nghiên cứu và giải quyết các đơn, thư khiếu nại và phản ánh của các tầng lớp nhân dân các địa phương gửi Chính phủ.
Ngày 28/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh số 226/SL quy định về tổ chức của Bộ Lao động, trong đó có Nha Pháp chế, Nha Thanh tra và Hành chính. Nha Thanh tra và Hành chính do một Tổng Thanh tra điều khiển có nhiệm vụ: điều khiển và kiểm soát thanh tra lao động và cơ quan lao động địa phương; kiểm soát các xí nghiệp về phương diện thi hành luật lệ lao động; dàn xếp các cuộc đình công và xích mích giữa chủ và thợ; thực hiện các cuộc thanh tra và đề nghị những điều cần sửa đổi về luật lệ lao động; giải quyết những công việc hành chính và những việc ngoài phạm vi của Nha Pháp chế và Văn phòng....
Trải qua 72 năm xây dựng và trưởng thành, Thanh tra ngành Lao động -Thương binh và Xã hội luôn luôn giữ vị trí quan trọng trong công tác quản lý nhà nước lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Hoạt động thanh tra đảm bảo để các chính sách pháp luật lao động, chính sách ưu đãi người có công, bảo trợ xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội và các chính sách xã hội khác được thực thi một cách nghiêm túc và đúng đắn; giúp giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân, kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động góp phần đảm bảo sự khách quan, công bằng của chính sách, pháp luật về lao động.
Bước vào thời kỳ mới, trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, thời cơ thách thức đan xen. Vai trò, vị trí của thanh tra ngành càng trở nên quan trọng trong việc tham mưu, dự báo nắm bắt, xác định những lĩnh vực, địa bàn có khả năng xảy ra đình công, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các vấn đề xã hội bức xúc. Công tác thanh tra không chỉ giúp nhân dân tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, mà còn giúp nội bộ ngành luôn giữ được sự ổn định, đoàn kết, phát triển.
Tôi tin tưởng trong thời gian tới cán bộ, công chức, người lao động thanh tra toàn ngành tiếp tục rèn luyện, xây dựng hệ thống thanh tra theo phương châm: “Kỷ cương - Thân ái - Đoàn kết - Chất lượng”, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Chúc toàn thể cán bộ, công chức, người lao động thanh tra ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và gia đình sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
Chào thân ái!
Đào Ngọc Dung
Ủy viên BCH Trung ương, Bí thư Ban Cán sự,
Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội