Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thu giấy phép không phải "giải pháp toàn năng"

(Dân sinh) - Bar Sunny ở TP.Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh vì vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Thu giấy phép không phải "giải pháp toàn năng" - Ảnh 1.

Bar Sunny ở TP.Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh vì vi phạm các quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Cũng trong thời gian này, nhà hàng The King ở đường Lê Lai (phường Bến Thành, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) ngang nhiên tổ chức hoạt động hát karaoke, bất chấp lệnh cấm của chính quyền thành phố. "Điểm mặt" những vị khách có mặt tại nhà hàng này khi bị lực lượng chức năng kiểm tra có cả một vị khách Trung Quốc từ "tâm dịch" Hưng Yên vừa hết cách ly tập trung đã vào Long An làm việc. Theo quy định, vị khách này lẽ ra phải tiếp tục tự cách ly, hạn chế tiếp xúc trong 14 ngày tiếp theo. Nhà hàng này sau đó đã bị lập biên bản, xử phạt hành chính.

Dư luận đòi hỏi chính quyền thành phố cần có biện pháp mạnh hơn đối với nhà hàng The King, cụ thể là phải rút giấy phép kinh doanh.

Tình trạng một số tụ điểm vui chơi giải trí vẫn tổ chức hoạt động "chui" trong bối cảnh cả nước đang phải gắng sức chống chọi với dịch bệnh và cấm các hoạt động tu tập đông người đã gây lo ngại cho cộng đồng. Điểm qua một số vụ việc đã bị phát hiện thời gian qua, biện pháp "mạnh tay" nhất của chính quyền chỉ là thu hồi giấy phép kinh doanh. Nhưng thực tế cũng thấy, rất nhiều - nếu không nói là hầu hết các điểm kinh doanh này chỉ tạm đóng cửa trong một thời gian ngắn, sau đó lại tiếp tục mở cửa hoạt động trở lại, thường là dưới một cái tên khác, một pháp nhân khác.

Ai cũng biết, việc thay đổi "thương hiệu" hay thậm chí là chuyển đổi pháp nhân của các cơ sở dịch vụ có tính chất nhạy cảm không phải là điều quá khó bởi những người chủ này đều giàu có và thế lực, nhiều mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước. Việc thay đổi thương hiệu và pháp nhân không làm thay đổi bản chất loại hình kinh doanh, cũng không thay đổi cả vị thế người chủ thực sự - có khi không phải là một mà là cả một nhóm người đứng đằng sau doanh nghiệp này. Vì vậy, biện pháp rút giấy phép kinh doanh thực chất không mang lại hiệu quả răn đe, ngăn chặn vi phạm. Còn nếu chỉ xử phạt hành chính với mức xử phạt tính bằng tiền triệu thì quá nhỏ bé so với lợi nhuận khổng lồ mà những doanh nghiệp này thu được, họ sẵn sàng nộp phạt "trong vòng một nốt nhạc" để được tiếp tục tồn tại.

Hệ thống luật pháp đã có những quy định rõ ràng về mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm với hậu quả có thể gây tổn hại lớn đối với cộng đồng. Cơ quan chức năng hoàn toàn có thể vận dụng các điều khoản với mức xử phạt rất nặng, bao gồm cả truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cá nhân, tổ chức vi phạm có tính chất nghiêm trọng. Và điều quan trọng nữa là cần "truy tìm" cho bằng được những "nhân vật" thực sự đóng vai trò quyết định đối với hoạt động của doanh nghiệp, chứ nếu chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người làm thuê, còn người chủ thật sự vẫn "bình yên vô sự" thì khả năng "ve sầu thoát xác" vẫn có thể xảy ra sau đó, biện pháp xử phạt coi như vô giá trị.

Do đó, dư luận đề nghị cơ quan chức năng có thái độ kiên quyết hơn đối với những vi phạm đội lốt "hoạt động văn hóa", tránh gây hậu họa cho cộng đồng.