Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thu hút vốn FDI: Cơ hội “vàng” đón làn sóng mới

(Dân sinh) - Chặng đường hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư nước ngoài, đến nay vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt gần 350 tỷ USD, tăng bình quân trên 20%/năm, trở thành khu vực tăng trưởng vốn FDI cao nhất trong nền kinh tế. Sau thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam trở thành một nơi an toàn, điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, đây cũng là cơ hội để thu hút những dòng vốn FDI chất lượng.

Bài 1: Vốn FDI nâng cao sức bật của nền kinh tế

Ngày 29/12/1987, Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đầu tiên tại Việt Nam, đây được coi là bước đi chiến lược, kịp thời khi Việt Nam bắt đầu chính sách đổi mới chỉ trước đó một năm - 1986.

Góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế

Hơn 30 năm qua, những thành quả của Đổi mới, trong đó có đóng góp của ĐTNN thật to lớn. Việt Nam từ một quốc gia nghèo (GDP đầu người 1989 là 100 USD) đến nay đã trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình (GDP đầu người năm 2019 đạt gần 2.800 USD), một quốc gia có tốc độ hội nhập ấn tượng. Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược của các quốc gia lớn, có tiếng nói quan trọng trong Liên hợp quốc, có vị thế trong khu vực và thế giới.

Thu hút vốn FDI: Cơ hội “vàng” đón làn sóng mới - Ảnh 1.

Doanh nghiệp FDI đóng góp vào tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam

Theo số liệu của Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính, sau 30 năm mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã thu hút được trên 24.000 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Năm 2019, thu hút FDI là điểm sáng trong bức tranh kinh tế, với con số 38,02 tỷ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 20,38 tỷ USD.

Bước sang năm 2020, trong bối cảnh dịch covid 19 diễn biến phức tạp thì nguồn vốn FDI đến với Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 4 tháng đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 12,33 tỷ USD, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2019... Tính đến ngày 20/4, ước vốn đã giải ngân được 5,15 tỷ USD, bằng 90,4% so với cùng kỳ…

Bên cạnh những kết quả có thể định lượng, còn có nhiều tác động lan tỏa khi dòng vốn FDI kéo theo sự nhập cuộc tích cực của các thành phần kinh tế khác; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. ĐTNN vừa là thành quả của hội nhập, vừa góp phần quan trọng phát triển hội nhập có chiều sâu hơn. ĐTNN đã trực tiếp và gián tiếp góp phần chuyển giao và phát triển công nghệ, tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa tại Việt Nam. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn có sản phẩm hàm lượng công nghệ cao đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... đã đầu tư vào Việt Nam. Điển hình là Samsung với mục tiêu xây dựng cứ điểm lớn nhất thế giới của Tập đoàn đã xây dựng Trung tâm Nghiên cứu phát triển lớn với 2.000 kỹ sư tuyển dụng tại Việt Nam là điều kiện rất thuận lợi để tiếp thu và phát triển công nghệ. Nhiều doanh nghiệp Việt đã hưởng lợi trực tiếp khi cùng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp FDI, tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Trong ba năm gần đây, gần 100 doanh nghiệp Việt Nam trở thành doanh nghiệp phụ trợ của Samsung là những tín hiệu đáng khích lệ…

GDP phụ thuộc

Những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là nước có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh trong khu vực và thế giới. Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP năm 2016 đạt 6,21%; năm 2017 đạt 6,81%, năm 2018 đạt 7,07% và 6 tháng đầu năm 2019 ở mức 6,71%. Một trong những đóng góp cho tốc độ tăng trưởng GDP hằng năm nhờ vào tổng kim ngạch xuất khẩu gia tăng nhanh chóng thời gian qua. Từ con số 301,8 tỷ USD năm 2016, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng lên 482,2 tỷ USD vào năm 2018 và đạt con số 245,4 tỷ USD ở 6 tháng đầu năm 2019.

Tuy nhiên, bên cạnh con số tăng nhanh chóng, nền kinh tế của Việt Nam đang bộc lộ điểm yếu là phụ thuộc quá nhiều vào khu vực doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI). Các DN FDI cũng đóng góp khoảng 70% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, trong đó hơn nửa là từ các mặt hàng điện tử và khoảng gần 1/4 của riêng một DN (Samsung Việt Nam). Mặc dù các DN FDI đóng góp nhiều cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao của Việt Nam, nhưng họ cũng là các DN nhập khẩu lớn. Theo ước tính bình quân, cứ mỗi 1 USD xuất khẩu của các DN FDI ở Việt Nam, thì có khoảng 0,40 USD được dùng để mua vật tư đầu vào từ nước ngoài.

Vốn FDI tập trung chủ yếu ở các ngành chế tạo, chế biến xuất khẩu, đòi hỏi kỹ năng thấp, không có nhiều tiềm năng tăng lương thực tế cho lực lượng lao động trong nước. Hiệu quả chuyển giao công nghệ từ DN FDI của Việt Nam và có xu hướng ngày càng bị tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực. Cụ thể, năm 2009, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 57 trên toàn cầu về tiêu chí này nhưng đến năm 2014, Việt Nam đã tụt xuống ở vị trí thứ 103, giảm 46 bậc sau 5 năm, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia xếp (13), Thái Lan (36), Indonesia (39), Campuchia (44).

Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhìn nhận thẳng thắn rằng, kết quả từ khu vực FDI vẫn chưa đạt như kỳ vọng. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hoá thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao. FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với DN Việt để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển, hoạt động chuyển giao công nghệ và kinh nghiệm quản lý chưa đạt kỳ vọng. Đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số DN có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế và vi phạm các quy định về xử lý môi trường.