Theo Báo cáo tác động của dịch COVID-19 đến tình hình lao động, việc làm quý III năm 2020, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III năm 2020 là 5,5 triệu đồng, tăng 258 nghìn đồng so với quý trước và giảm 115 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao hơn 1,4 lần so với lao động nữ (tương ứng là 6,3 triệu đồng và 4,6 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn 1,5 lần (tương ứng là 7,0 triệu đồng và 4,8 triệu đồng).
Trong 9 tháng năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước (tương ứng giảm 83 nghìn đồng).
Thu nhập của lao động trong hầu hết các ngành đều giảm; trong đó, giảm nhiều nhất ở các ngành: hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (giảm 6,5%), dịch vụ lưu trú ăn uống (giảm 5,9%), vận tải kho bãi (giảm 4,9%). Bên cạnh đó, một số ngành có thu nhập tăng như thông tin truyền thông (tăng 1,7%), y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (tăng 3,3%).
Thu nhập bình quân tháng của lao động phi chính thức [4] trong 9 tháng năm 2020 là 5,5 triệu đồng, thấp hơn 1,5 lần mức thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức (8,4 triệu đồng). So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân tháng của lao động chính thức giảm 1,9%, thu nhập của lao động phi chính chính thức giảm 0,8%.
Lao động có thâm niên làm việc càng cao thì mức giảm thu nhập càng thấp. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập 9 tháng năm 2020 của nhóm lao động có thời gian làm việc từ 3 năm trở lên có tốc độ giảm thấp nhất (giảm 0,6%), trong khi nhóm lao động có thời gian làm việc từ 3 tháng đến dưới 3 năm giảm 3,8%, nhóm lao động có thời gian làm việc dưới 3 tháng giảm 42,6%. Điều này cho thấy, lao động mới tham gia thị trường lao động là nhóm dễ bị tổn thương hơn trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động sâu rộng tới tình hình lao động việc làm.