Bên cạnh bánh mứt, cỗ cúng... mâm ngũ quả chính là một trong những thứ không thể nào thiếu trên bàn thờ ngày Tết, nó tượng trưng cho mong muốn của cả gia chủ trong năm mới.
Mâm ngũ quả truyền thống thường có các loại quả như sau:
- Chuối xanh - tượng trưng cho gia đình sum vầy, quây quần, đầm ấm, bao bọc, chở che.
- Bưởi vàng - mong muốn tình nghĩa tài lộc tròn đầy.
- Cam, quýt - tượng trưng cho sự thành đạt.
- Đu đủ - giàu sang, đủ đầy.
Đặc biệt, quả phật thủ - thứ quả thường xuất hiện trung tâm của mâm ngũ quả của các gia đình, tượng trưng cho bàn tay của phật đang che chở.
Phật thủ là loai quả thuộc chi cam chanh, có giống bản địa của Trung Quốc và Nhật Bản nhưng hiện tại đã được trồng khá phổ biến ở Việt Nam. Nhìn bề ngoài, phật thủ trông giống như bàn tay của phật, bên trong ruột xốp đặc, vỏ màu xanh vàng. Phật thủ là loài quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất.
Theo lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng, (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội), trong Đông y, phật thủ vị cay, chua và đắng, tính ấm; vào can vị phế. Có tác dụng lý khí hóa đàm, thư can hòa vị chỉ thống. Dùng cho các trường hợp đau tức vùng liên sườn, vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, ho hen phế quản nhiều đờm, khó thở.
Các bài thuốc dễ làm, tác dụng tốt từ phật thủ do lương y Bùi Đắc Sáng chia sẻ
- Chữa đầy bụng, nôn mửa: Dùng 3-10g phật thủ, đem đi sắc lấy thuốc uống hoặc ngâm rượu uống.
- Chữa ho đờm, viêm khí quản mạn tính: Lấy 6g phật thủ, 6g bán hạ chế. Đem đi sắc lấy thuốc, uống trong ngày.
- Trị sốt ho: Dùng 10-15g phật thủ cùng 60-80g gạo tẻ. Đem đi nấu cháo, cho thêm đường trắng.
- Trầm cảm ức chế, rối loạn tâm thần ý thức: Lấy 30g phật thủ ngâm cùng 500ml rượu trắng trong 7-10 ngày.
- Đầy hơi, trướng bụng: Dùng 15g phật thủ thái nhỏ, đổ thêm lượng đường thích hợp cho vào trong bình trà, đổ nước sôi hãm uống thay trà.
- Viêm loét dạ dày, buồn nôn: Lấy 10g phật thủ, đem đi rửa sạch, thái nhỏ, cho nước sôi hãm uống thay nước chè ngày 1 lần.