Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thử thách ngập tràn năm 2019

Dấu ấn đậm nét khác tại châu Á trong năm 2019 là một loạt cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tại Afghanistan, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Úc

 

Hoài nghi, lo lắng và hoang mang. Đó có thể là tâm trạng của nhiều người trên thế giới sau khi chứng kiến một năm 2018 đầy biến động, nổi bật là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, những chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump, hậu quả của biến đổi khí hậu…

Dấu ấn bầu cử

Nhiều chuyên gia nhận định sự ổn định toàn cầu sẽ tiếp tục bị thử thách bởi những diễn biến khó lường trong 12 tháng tới. Tại Ấn Độ - Thái Bình Dương, theo dự báo của Tạp chí The Diplomat, sẽ không có quốc gia đơn lẻ nào có khả năng thống trị về quân sự, dẫn đến một thế cân bằng sức mạnh không thoải mái ở đó trong năm 2019. 

Triển vọng an ninh khu vực sẽ chịu tác động của một số điểm nóng, nổi bật là bán đảo Triều Tiên, biển Đông, biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan. Dù vậy, nguy cơ nổ ra xung đột quân sự công khai tại 4 điểm nóng trên dường như giảm bớt trong 12 tháng tới.

Không khí đón chào năm mới tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Đáng chú ý, Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra tự do hàng hải thách thức chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông, nơi thế bế tắc quân sự vẫn tiếp diễn sau khi Bắc Kinh leo thang quân sự hóa ở đó. Diễn biến tích cực hiếm hoi là ASEAN và Trung Quốc dự kiến hoàn tất bản dự thảo đầu tiên của Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) trong năm 2019. 

Trong khi đó, xu thế ngoại giao thượng đỉnh sẽ bao trùm bán đảo Triều Tiên khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un có thể gặp các nhà lãnh đạo Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ. Một yếu tố "bí ẩn" sắp tới là Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ phản ứng ra sao một khi Bình Nhưỡng lộ rõ hơn ý định không chịu từ bỏ sức mạnh răn đe hạt nhân của mình.

Một trong những gam màu xám của bức tranh châu Á năm 2019 là Afghanistan, nơi chiến sự sẽ leo thang giữa lúc xuất hiện thông tin Mỹ có ý định rút 7.000 binh sĩ khỏi đó. Ngoài ra, cạnh tranh giữa hải quân Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan có thể gia tăng ở Ấn Độ Dương trong lúc các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Nam Á có nguy cơ vượt tầm kiểm soát.

Một dấu ấn đậm nét khác tại châu lục này trong năm 2019 là một loạt cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tại Afghanistan, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Úc. Đáng chú ý, Thái Lan sẽ tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên trong 8 năm qua vào ngày 24-2-2019. Sau cuộc đảo chính năm 2014, chính quyền quân sự đã lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này cho đến giờ.

Trong lúc kết quả các cuộc bầu cử vẫn còn là dấu hỏi lớn, một diễn biến chắc chắn hơn là châu Á sẽ tiếp tục bị thiên tai hoành hành và chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, với những cộng đồng nghèo nhất bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Một nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc năm 2017 cho thấy 40% thiệt hại kinh tế toàn cầu do biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới sẽ xảy ra ở châu Á - Thái Bình Dương.

Bầu trời TP Sydney - Úc, rực rỡ với màn pháo hoa chào đón năm mới 2019 Ảnh: The Sydney Morning Herald

Quan hệ Mỹ - Trung căng hơn?

Cuộc đối đầu Trung Quốc - Mỹ tiếp tục là tâm điểm chú ý trong năm 2019 theo sau một năm đầy sóng gió. Chuyên gia Richard McGregor của Viện Lowy (Úc) nhận định với tờ South China Morning Post rằng quan hệ giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ tiếp tục xấu đi ngay cả khi hai bên tạm đình chiến thương mại để mở đường cho đàm phán. Kết cục này mang lại lợi ích cho một số nước ở châu Á nhưng có thể khiến không ít đồng minh của Mỹ mắc kẹt.

Ngoài cuộc đối đầu với Trung Quốc, ông chủ Nhà Trắng còn đương đầu nguy cơ đảng Dân chủ sẽ tìm cách luận tội ông sau khi giành quyền kiểm soát hạ viện. Theo tờ Financial Times (Anh), đây là một diễn biến chắc chắn được theo dõi sát sao tại chính trường Mỹ sau khi công tố viên đặc biệt Robert Mueller dự kiến vào đầu năm 2019 công bố báo cáo kết quả cuộc điều tra về nghi án chiến dịch tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga.

12 tháng tới cũng là phép thử lớn đối với Liên minh châu Âu (EU), không chỉ vì nước Anh dự kiến rời đi vào cuối tháng 3 tới mà còn vì cuộc bầu cử nghị viện châu Âu 2 tháng sau đó có thể chứng kiến sự thắng thế của những ứng viên theo chủ nghĩa dân túy và hoài nghi châu Âu. Theo Reuters, năm 2019 sẽ là năm thử thách quan trọng đối với những nỗ lực bảo đảm sự ổn định toàn cầu cần thiết để nhân loại tận hưởng thành quả của các cuộc cách mạng y học, nông nghiệp và công nghệ. 

Thảm họa nhân đạo chực chờ

Ủy ban Cứu nạn quốc tế (IRC) mới liệt kê 10 quốc gia có nguy cơ chìm trong thảm họa nhân đạo nhất trong năm 2019.

Đó là Yemen, Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Nam Sudan, Afghanistan, Venezuela, Cộng hòa Trung Phi (CAR), Syria, Nigeria, Ethiopia và Somalia. Các mối nguy cơ vừa do con người (xung đột vũ trang hoặc suy sụp kinh tế) vừa do thiên nhiên (hạn hán, lụt lội và các hiện tượng biến đổi khí hậu khác) gây ra.

Ngoài ra, theo Liên Hiệp Quốc, gần 132 triệu người ở 42 quốc gia khắp thế giới cần được trợ giúp nhân đạo, thậm chí là bảo vệ, trong năm 2019.

Tình trạng rời bỏ nhà cửa là một xu hướng nổi trội trong bản danh sách của IRC. Trong số khoảng 40 triệu người khắp thế giới đã phải rời bỏ nhà cửa, 10 quốc gia trong danh sách vừa nêu chiếm đến hơn một nửa - gần 22 triệu người, riêng Ethiopia là 1,4 triệu người. Ngoài ra, 10 nước này còn "đóng góp" ít nhất 13 triệu người tị nạn, chiếm 65% tổng số toàn cầu, cộng với thêm 3 triệu người đã rời bỏ Venezuela.

Sau nhiều năm xung đột vũ trang, hơn 13 triệu người ở DRC đang hứng chịu cuộc khủng hoảng hoặc tình trạng bấp bênh về lương thực. Thê thảm hơn, nước này đang chứng kiến đợt bùng phát dịch Ebola lớn thứ hai trong lịch sử.

Cuộc nội chiến kinh hoàng ở Nam Sudan đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người; 6,1 triệu người đối mặt tình trạng thiếu ăn. Còn cuộc xung đột ở Afghanistan cùng với nạn hạn hán kinh niên đã khiến nhiều người dân rời bỏ nhà cửa và bị thiếu thốn lương thực.

Còn ở Venezuela, tội ác và bạo lực tăng mạnh trong khi hệ thống y tế phá sản. Các cơ quan y tế và giáo dục ở Syria cũng sụp đổ. Nhiều khu vực ở Nigeria còn xảy ra tình trạng bạo lực tranh giành nguồn nước và đất.

Lục San

Tưng bừng lễ hội đón năm mới

Sydney - Úc là một trong những thành phố đầu tiên trên thế giới chào đón năm 2019 với màn trình diễn pháo hoa lớn nhất từ trước đến nay - trị giá tới 5,78 triệu USD.

Khoảng hơn 1 triệu người vui chơi quanh bến cảng thành phố vào đêm giao thừa và để có được vị trí thuận lợi ngắm pháo hoa, nhiều người dân và du khách đã cắm trại từ trước đó. Trong không khí hào hứng bao trùm, một du khách chia sẻ với kênh 9News (Úc) rằng anh có mặt từ đêm 30-12-2018 nhưng nhiều người tới đây trước 3 ngày và mọi người đã trò chuyện kết bạn với nhau.

Không khí lễ hội lần lượt lan sang các thành phố lớn ở châu Á, châu Âu, châu Phi và châu Mỹ khi đồng hồ điểm qua nửa đêm. Trong khi người dân ở Singapore chào năm 2019 bằng tiết mục pháo hoa dài 7 phút ở vịnh Marina, Hồng Kông thắp sáng bến cảng Victoria bằng pháo hoa trong 10 phút thì người dân Nhật đổ về các ngôi đền để rung chuông mừng năm mới. Còn các thành phố ở châu Âu như Paris (Pháp), Berlin (Đức) và Moscow (Nga) lại rộn ràng theo cách riêng bằng các "đại tiệc" hòa nhạc xen lẫn trình diễn ánh sáng và pháo hoa rực rỡ.

Không có nơi nào khác trên thế giới mạnh tay sử dụng 500 tấn pháo hoa để cạnh tranh với màn trình diễn ánh sáng của thủ đô Reykjavik - Iceland. Lễ hội pháo hoa tại đây phác họa lên nền trời đen những vệt sáng màu hồng, xanh lá và vàng tựa như cảnh tượng trên sao Hỏa trước sự chứng kiến của 200.000 người. Nếu muốn hòa mình vào đám đông "hoang dã" thì TP Rio de Janeiro - Brazil là điểm đến lý tưởng. Khoảng 2 triệu người đến thành phố tiệc tùng này để tham gia lễ hội đón năm mới quyến rũ nhất hành tinh.

Dĩ nhiên không thể không nhắc đến màn thả quả cầu pha lê từ nóc tòa nhà One Times Square ở Quảng trường Thời đại tại TP New York - Mỹ. Theo trang USA Today (Mỹ), quả cầu pha lê có đường kính 3,65 m, nặng gần 6 tấn, được bao phủ bằng 2.688 hình tam giác và được chiếu sáng bởi 32.256 đèn Led. Dự kiến có 1 triệu người tập trung tại Quảng trường Thời đại để trực tiếp chứng kiến sự kiện truyền thống này vào đêm 31-12 (giờ địa phương).

Xuân Mai