Theo ông Đặng Hữu Phúc, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thừa Thiên - Huế, thực hiện Luật Trẻ em, thời gian qua, tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em và nâng cao năng lực thực hiện quyền trẻ em. Tỉnh cũng thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo việc thực hiện pháp luật về quyền trẻ em.
Qua đó, công tác bảo vệ trẻ em đã được các cấp, các ngành đã tập trung chăm lo, đặc biệt chú trọng đến tuyên truyền bảo vệ, phòng ngừa nguy cơ gây tổn hại trẻ em, giảm thiểu tình trạng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực. Đến nay, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 95%; 100% trẻ em bị xâm hại tình dục được phát hiện và trợ giúp kịp thời, tái hòa nhập cộng đồng; kịp thời, thụ lý giải quyết nghiêm minh các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, không để tồn đọng, kéo dài. Trẻ em bị xâm hại, bạo lực được ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn chăm sóc sức khỏe.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xây dựng được nhiều mô hình phòng ngừa, trợ giúp trẻ em lang thang, trẻ em làm việc xa gia đình, trẻ em làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại dựa vào cộng đồng. Chương trình bơi an toàn – phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em năm 2019 – 2020 được triển khai tốt. Từ đó, từng bước giảm tỷ lệ tai nạn, tỷ lệ tàn tật, thương tích và tử vong, đặc biệt là tình trạng tử vong do tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông.
Bên cạnh đó, các chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu cho trẻ em được triển khai mạnh, kịp thời, thường xuyên và phổ biến đến tận thôn bản, vùng sâu vùng xa.
Về công tác giáo dục trẻ em, hằng năm, Thừa Thiên - Huế đã hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng, công tác học sinh và y tế trường học cũng như hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của các cấp bậc học; thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ trẻ em gắn với công tác đảm bảo an ninh, an toàn trường học, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, phòng tránh tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ... Tăng cường và nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Trẻ em, đảm bảo thực hiện tốt việc xây dựng môi trường sống, học tập và sinh hoạt an toàn, thân thiện, hạnh phúc cho trẻ em, học sinh.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho rằng, công tác Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều thuận lợi: các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở ban ngành đặc biệt quan tâm đến quyền và lợi ích của trẻ em; ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em năm sau cao hơn so với năm trước. Việc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được toàn xã hội quan tâm, chung tay,…
Tuy nhiên, theo ông Phương, mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, song công tác bảo vệ, chăm và giáo dục trẻ em nói chung, việc thực hiện Luật Trẻ em trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tình trạng trẻ em bị ngược đãi, bạo hành, bị phân biệt đối xử, lạm dụng tình dục, vi phạm pháp luật còn nhiều, một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn chưa được quan tâm đúng mức. Việc xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em có nơi vẫn chưa thật sự nghiêm minh. Sự phối hợp của các ngành, các cấp có liên quan có nơi chưa đúng mức và chưa đồng bộ. Tình trạng kết hôn sớm vẫn còn. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chưa phổ biến và chuyên sâu, chưa thường xuyên, liên tục, chỉ tập trung vào một số ngày trong năm.
Do đó, ông Phương kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác trẻ em trong tình hình mới. Bộ LĐ-TB&XH quan tâm đầu tư nguồn lực xứng đáng cho công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng như việc triển khai Luật Trẻ em trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế thời gian qua. Theo Thứ trưởng, lĩnh vực trẻ em tại Thừa Thiên- Huế đã được các cấp, các Sở, ban ngành, đoàn thể phối hợp tổ chức thực hiện khá đồng bộ và hiệu quả.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng mong muốn Thừa Thiên-Huế tiếp tục đầu tư nguồn lực, thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thứ trưởng lưu ý Thừa Thiên - Huế cần lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu về trẻ em vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội; Tăng cường công tác truyền thông để giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc can thiệp, hỗ trợ xử lý các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em, đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong phát hiện, xử lý vụ việc; Rà soát, kiện toàn Ban điều hành bảo vệ trẻ em cấp huyện, cấp xã; Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em gắn với xây dựng khu dân cư, gia đình văn hoá không bạo lực, không xâm hại; Tăng cường công tác ngăn ngừa tai nạn thương tích trẻ em; nhân rộng các mô hình bảo vệ trẻ em gắn với cộng đồng…
"Mong rằng tỉnh sẽ dành những gì tốt đẹp nhất cho con em mình và triển khai thực hiện tốt hơn nữa Luật Trẻ em, để các quyền của trẻ em được bảo đảm thực thi", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 7/7, Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH đã làm việc với UBND huyện Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) về việc triển khai Luật Trẻ em trên địa bàn huyện này.