Thứ trưởng Y tế, GS Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia là người đầu tiên áp dụng thành công kĩ thuật mới này tại Việt Nam.
GS Tiến cho biết, qua nghiên cứu tại 8 vùng sinh thái tại Việt Nam cho thấy 7,7% những người mong muốn có con bị vô sinh.
Trong đó gần 60% vô sinh do nữ và chiếm hơn 1 nửa trong số này do tắc vòi tử cung. Còn tỉ lệ bị tắc kẽ vòi tử cung chiếm 15-25%, một con số không hề nhỏ.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến (giữa) vui mừng thông báo thành công của phương pháp mới
Trước đây, với những trường hợp tắc kẽ, bác sĩ sẽ khoan, cắm lại vòi tử cung nhưng rất khó khăn, thành công sau mổ thấp, nguy cơ chít hẹp lại rất lớn trong khi đây là can thiệp lớn, rất nặng nề. Do đó phương án tối ưu nhất cho những phụ nữ bị tắc kẽ vòi tử cung là làm thụ tinh ngoài ống nghiệm.
“Đây là phương pháp rất tốn kém, hầu hết bệnh nhân đều không có điều kiện kinh tế. Tôi từng chứng kiến có cặp vợ chồng về nhà tích cóp 5-10 năm mới đủ tiền, khi quay lại thì đã lớn tuổi, buồng trứng bị suy, không thể có con được nữa”, GS Tiến chia sẻ.
Với phương pháp mới, bác sĩ sẽ nong vòi tử cung bằng catheter qua soi buồng tử cung kết hợp với nội soi ổ bụng.
Sau phẫu thuật 6 tháng đến 1 năm, tỉ lệ có thai tự nhiên rất cao. Do kiểm soát qua nội soi ổ bụng nên bệnh nhân ít tai biến như thủng vòi tử cung, chảy máu, viêm phúc mạc sau nong...
Đặc biệt, chi phí phẫu thuật chỉ ngang chi phí mổ nội soi, thời gian mổ ngắn: 30 phút đến 1 tiếng.
Đến nay, GS Tiến đã trực tiếp thực hiện cho 2 bệnh nhân, trong đó có trường hợp vợ chồng anh Hoàng Anh Châu, Nguyễn Thị Loan (Nghệ An), bị vô sinh thứ phát 7 năm nay.
Sau ca mổ cách đây 1 tháng, vợ chồng chị vô cùng vui mừng khi bác sĩ thông báo, 2 vòi trứng của chị đã thông hoàn toàn và có thể thụ thai tự nhiên.
Hình ảnh vòi trứng bị tắc (trái) và sau khi thông bằng phương pháp mới
Ca mới nhất thực hiện ngày 6/4 phức tạp hơn, ngoài nong đoạn kẽ tử cung, bác sĩ còn phải cắt đoạn tắc sau đó nối thông vòi trứng lại với nhau như xông săm xe đạp.
GS Tiến cho biết, thời gian tới ông sẽ hoàn thiện thêm kỹ thuật này để chuyển giao cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, giúp thêm nhiều phụ nữ hiếm muộn có cơ hội làm mẹ.
Thứ trưởng Y tế hy vọng, thời gian tới BHYT sẽ xem xét chi trả cho các phương pháp chữa vô sinh, vì hiện nay nhiều nước trên thế giới đã thanh toán từ 3-4 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm, nếu không thành công mới phải tự bỏ tiền.