Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thủ tướng: 400 gương mặt tiêu biểu vì cộng đồng là “những tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại”

(Dân sinh) - "50 tấm gương tiêu biểu đại diện cho 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng đều là những câu chuyện cổ tích, tấm gương sáng của đất nước. Họ chính là vốn quý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta...", Thủ tướng bày tỏ và hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH lần đầu tiên tổ chức chương trình giàu tính nhân văn: "Bộ cần thường xuyên tổ chức sự kiện này, để những tấm gương tỏa sáng hơn nữa ngoài xã hội".

17h chiều 27/11 tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt và khen thưởng 50 đại biểu đại diện cho 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng.

Đánh giá về sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH lần đầu tiên tổ chức chương trình giàu tính nhân văn: "Bộ LĐ-TB&XH cần thường xuyên tổ chức sự kiện này, để những tấm gương tỏa sáng hơn nữa ngoài xã hội".

Thủ tướng: 400 gương mặt tiêu biểu vì cộng đồng là “những tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại” - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trò chuyện thân mật với các đại biểu dự buổi gặp mặt

Những tấm gương tiêu biểu là những "câu chuyện cổ tích" giữa đời thường

Chương trình gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiều nay là điểm nhấn quan trọng trong chuỗi sự kiện tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" tại Hà Nội.

Tham dự buổi gặp mặt có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung… và 50 đại biểu đại diện 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng.

Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" là sự kiện lớn lần đầu tiên được tổ chức, tôn vinh với số lượng lên tới 400 cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp trong cộng đồng trong lĩnh vực an sinh xã hội, như: Bảo trợ xã hội, giảm nghèo, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội, y tế... do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp cùng các bộ, ngành, cơ quan và các địa phương tổ chức trong hai ngày 27-28/11, trong đó tâm điểm là Lễ tuyên dương sẽ được tổ chức vào chiều 28/11 tại Hà Nội.

Thủ tướng: 400 gương mặt tiêu biểu vì cộng đồng là “những tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại” - Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi gặp mặt

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH lần đầu tiên tổ chức lễ tuyên dương, đề nghị tổ chức thường xuyên hơn, quy mô hơn để "những gương sáng như vậy tỏa ra toàn xã hội".

Chúng ta vui mừng khi được nghe về những tấm gương sáng, lan tỏa trong xã hội, làng xã, cộng đồng, gia đình, đó chính là sức mạnh của dân tộc. Sự hy sinh, cống hiến cho cộng đồng cũng là cho đất nước, cho con người mà "con người là trên hết, không để ai bị bỏ lại phía sau".

"50 đại biểu ngày hôm nay là đại diện cho hàng ngàn tấm gương trong đời sống, những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng nhưng đầy cao quý", Thủ tướng nhấn mạnh và khẳng định: "Các đại biểu dự chương trình hôm nay đều là những câu chuyện cổ tích, tấm gương sáng của đất nước. Họ chính là vốn quý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta...".

Theo Thủ tướng, đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, huy động được sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân, các doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, nhân đạo, từ thiện ở trong nước và nước ngoài.

"Những câu chuyện cảm động được chia sẻ, những việc làm, thành tích, kết quả của 400 đại biểu về dự Lễ tuyên dương mà đại diện là 50 đại biểu tiêu biểu có mặt tại đây một lần nữa nhắc nhớ điều cần trân trọng những gì đang có, và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng" - Thủ tướng bày tỏ.

Thủ tướng: 400 gương mặt tiêu biểu vì cộng đồng là “những tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại” - Ảnh 3.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao tặng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu trưng lưu niệm của sự kiện

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, quan tâm đến những người có công, người nghèo, người khuyết tật. Đó là bản chất nhân văn của chế độ ta.

Chúng ta đã làm rất nhiều việc để có một hệ thống trợ giúp xã hội ngày càng tốt hơn về độ bao phủ và mức trợ cấp, hệ thống cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, được cải thiện cả về số lượng và chất lượng.

Các tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại

"Đây là tấm gương sáng đáng được trân trọng, hoan nghênh Bộ LĐ-TB&XH lần đầu tiên tổ chức những tấm gương với tinh thần đó", đồng thời người đứng đầu Chính phủ gửi gắm, sau này cần tổ chức được nhiều hơn, quy mô hơn, để những tấm gương sáng như vậy lan tỏa rộng hơn, tiếp nối lên tính nhân văn, truyền thống "thương người như thể thương thân" của dân tộc ta.

Thủ tướng: 400 gương mặt tiêu biểu vì cộng đồng là “những tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại” - Ảnh 4.

Chị Đoàn Thị Khuyên chia sẻ câu chuyện 17 năm tham gia vào chương trình hỗ trợ giúp đỡ người nhiễm HIV vươn lên tại cộng đồng

"Vì thế, 50 gương mặt hôm nay đại diện cho 400 tấm gương sáng về dự Lễ tuyên dương, là rất đáng trân trọng, đáng quý trong đời thường", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đây là những người tốt việc tốt đặc biệt, được tổ chức toàn quốc.

Theo Thủ tướng, đây là những "tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại". Đảng, Nhà nước, nhân dân trân trọng, quý mến, biểu dương, biết ơn.

Thủ tướng nêu rõ, Đảng, Nhà nước luôn chăm lo, quan tâm đến những người có công, người nghèo, người khuyết tật. Đó là bản chất nhân văn của chế độ ta.

Theo Thủ tướng, chúng ta đã làm rất nhiều việc để có một hệ thống trợ giúp xã hội ngày càng tốt hơn về độ bao phủ và mức trợ cấp, hệ thống cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân, đặc biệt là người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, được cải thiện cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, bên cạnh sự cố gắng thì nguồn lực của Nhà nước còn rất hạn chế. Nỗ lực của Đảng, Nhà nước không thể bao phủ hết được các hoàn cảnh khó khăn của người dân. Cho nên, trong cuộc sống, trong làng, xóm, vùng núi cao, còn nhiều người vô cùng khó khăn.

Vì vậy, những tấm lòng nhân ái, sự hỗ trợ giúp đỡ của cá nhân và cộng đồng là vốn quý để "phủ lại" lần nữa những trường hợp khó khăn ấy cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước bởi "khó vạn lần dân liệu cũng xong" như Bác Hồ đã nói.

Thủ tướng: 400 gương mặt tiêu biểu vì cộng đồng là “những tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại” - Ảnh 5.

Vì thế, theo Thủ tướng, chúng ta cần có mạng lưới rộng rãi những người làm công tác xã hội, Thủ tướng nói. Vì chúng ta cần những trái tim, tấm lòng hảo tâm của những nhà hoạt động vì cộng đồng, tiêu biểu là 50 gương sáng trong hội trường hôm nay.

"Những tấm gương sáng này đã tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội và có sức lan tỏa rất lớn về tình yêu thương, nhân ái trong xã hội. Trong khó khăn, người Việt Nam luôn thương yêu, giúp đỡ nhau, thể hiện tinh thần hết sức cao cả và nhân văn, như trong đại dịch Covid-19, có nhiều tấm gương sáng vì cộng đồng, từ cụ già 90 tuổi, đến những em bé đều với những hành động đóng góp rất cảm động. Cũng như trong bão lũ vừa qua, hàng vạn tấm lòng hướng về miền Trung ruột thịt. Những tấm gương sáng đó chúng ta luôn ghi nhớ và vinh danh", Thủ tướng trân trọng.

Cũng tại buổi gặp mặt, Thủ tướng lưu ý, để tiếp tục phát huy, truyền thống "thương người như thể thương thân", phong trào "cả nước chung tay vì người nghèo", phấn đấu đến năm 2030 cơ bản bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân. Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế pháp luật, đặc biệt là về công tác xã hội.

"Nhân đây tôi giao nhiệm vụ cho ngành LĐ-TB&XH, ngoài những việc làm tốt như thế này, cần phải xây dựng và thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở nước ta trong giai đoạn 2021- 2030, bảo đảm công tác xã hội phát triển sâu hơn, rộng hơn, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ công tác xã hội, phát triển công tác xã hội sang các lĩnh vực y tế, giáo dục, khuyến khích xã hội hóa công tác xã hội", Thủ tướng nói.

Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện cơ chế hỗ trợ cho những cán bộ, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội có cơ hội phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm, đóng góp không ngừng nghỉ, chăm lo cho người có công với cách mạng, người yếu thế...

Thủ tướng: 400 gương mặt tiêu biểu vì cộng đồng là “những tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại” - Ảnh 6.

Thủ tướng Chính Phủ đã trao tặng bằng khen và quà tới 50 đại biểu.

"Tôi muốn nói những người làm công tác xã hội ở địa bàn nào, cấp ủy chính quyền phải chú ý quan tâm tạo điều kiện. "Thầm lặng" là về công việc giúp dân, giúp người nghèo, người yếu thế, nhưng về phía Nhà nước biết được những tấm gương đó, tạo điều kiện cho họ - những tấm lòng đó, thực hiện tốt nhiệm vụ", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với sự đồng lòng chung sức, trách nhiệm tinh thần sẻ chia, Việt Nam sẽ từng bước tháo gỡ những khó khăn và giảm thiểu rào cản, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người yếu thế.

Tất cả và tất cả các chính sách Nhà nước rồi các tấm gương thầm lặng, để có con đường hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, ngày một tốt hơn, đầy lên tình yêu thương. Tất cả chúng ta, Đảng, Nhà nước – không phải chỉ bằng tiền bạc, vật chất mà chính là tấm lòng.

"Với tinh thần ấy, tôi biểu dương ngành LĐ-TB&XH một lần nữa và chúc các anh chị, thanh niên phụ nữ chúng ta tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa, để không ai bị bỏ lại phía sau, để mọi người sống hạnh phúc, làm gương cho con cháu tiếp tục nhân rộng tấm lòng nhân ái qua nhiều thế hệ, vốn là truyền thống của đất nước chúng ta", Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, những đóng góp của các tấm gương thầm lặng đã làm bớt đi những hoàn cảnh éo le, khó khăn và góp vào bức tranh tươi sáng của xã hội.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đời sống xã hội ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương sáng trong việc đóng góp, xây dựng cho cộng đồng. Điều này cho thấy, sự cải thiện ngày càng lớn trong đời sống an sinh xã hội, đặc biệt là những hoạt động thiện nguyện, nhân đạo.

Chính vì vậy, 400 cá nhân được tuyên dương phải là những người tiêu biểu nhất, có nhiều đóng góp cho việc thiện nguyện trong cộng đồng. "Dù rất nhiều việc nhưng Thủ tướng vẫn dành tình cảm đặc biệt cho chương trình gặp mặt 50 đại biểu đại diện cho 400 tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Thủ tướng: 400 gương mặt tiêu biểu vì cộng đồng là “những tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại” - Ảnh 7.

Thủ tướng Chính Phủ đã trao tặng bằng khen và quà tới 50 đại biểu.

Được ví như ""ông Bụt"" trong đời thường"

Chia sẻ tại buổi gặp mặt, ông Bùi Công Hiệp (P.Long Phước, Q.9, TP.HCM) và gia đình hơn 10 năm qua đã nhận nuôi và chăm sóc cho hơn 100 em nhỏ bị bỏ rơi.

Kể về câu chuyện đầy cảm động, ông Hiệp cho biết, 10 năm trước, sau khi về hưu, ông tích lũy được một số tiền để mua một khu đất rộng hơn 2.500 m2 ở quận 9 để thực hiện ước nguyện xây một căn nhà bé bé để hai vợ chồng về nghỉ ngơi, trồng rau nuôi gà, vui thú tuổi già, tuy nhiên, chứng kiến cảnh các em bé không có mái ấm, ông Hiệp bàn với vợ thay vì xây nhà cho mình thì xây căn nhà 3 tầng để làm mái ấm cho các trẻ em mồ côi nương tựa.

Để cho các con có mái ấm chính thức, năm 2010, ông Hiệp đã lên UBND quận 9 xin phép mở mái ấm có tên "Thiên Thần".

Từ năm đó đến nay, vợ chồng ông đã đưa nhiều trẻ mồ côi về chăm sóc, nuôi dưỡng, với số lượng đã lên đến hơn 100 cháu bé mồ côi. Trong đó, bé nhỏ nhất mới vài ngày tuổi và bé lớn nhất mới 8 tuổi.

Mái ấm có 10 bảo mẫu được ông Hiệp thuê thay phiên chăm sóc trẻ. Nhưng những việc như nấu ăn, đưa đón các con đi học mỗi ngày, lo cho các con ngủ mỗi trưa, mỗi tối đều do ông Hiệp tự tay làm.

Ngoài mong muốn các con khỏe mạnh, ông Hiệp cũng quan tâm việc khi lớn lên, ra khỏi mái ấm các con phải biết bơi lội và đặc biệt là ngoại ngữ, tin học. Điều đặc biệt hơn, năm 2019, ông đã làm giấy trao tặng 2.500m2 đất và căn nhà 3 tầng trị giá hơn 100 tỉ đồng để làm mái ấm cho trẻ mồ côi.

Thủ tướng: 400 gương mặt tiêu biểu vì cộng đồng là “những tấm gương âm thầm, lặng lẽ nhưng vĩ đại” - Ảnh 8.

Ông Hiệp chia sẻ, được vinh dự là một trong 50 đại biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại buổi Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng", ông thật sự xúc động, lau vội nước mắt đang nhòe đi, ông cho biết: "Đây là một vinh dự của cá nhân cũng như gia đình tôi, tạo ra động lực lớn hơn cho bản thân tôi cũng như nhiều người khác sẽ nêu gương, sống tốt đời đẹp đạo vì cộng đồng, góp phần xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn".

Chia sẻ với phóng viên báo Lao động Xã hội bên lề cuộc gặp mặt, tấm gương Lê Anh Tuấn (sinh năm 1997), sống tại phường Phú Thọ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương - người hơn 3 năm tình nguyện chở hơn 500 chuyến xe cứu thương miễn phí khiến người nghe không khỏi cảm động.

Được mệnh danh là "Hiệp sĩ bóng đêm", bởi lẽ hơn 3 năm qua, chàng trai trẻ này đã không quản vất vả đã chạy hơn 500 chuyến xe cấp cứu miễn phí, kịp thời đưa người bị nạn vào bệnh viện.

Xuất phát từ những bản năng của con người, đặc biệt trong những lần chứng kiến những trường hợp bị tai nạn giao thông không có người giúp đỡ, khiến cho ý định nung nấu trong Tuấn ngày càng nhen nhóm.

Trong những chuyến xe tình cờ đầu tiên, Tuấn có đăng tải thông tin người bị nạn lên mạng xã hội, rồi từ đó nhiều người chia sẻ, dần lan tỏa, những chuyến xe cấp cứu miễn phí của Tuấn ngày càng tăng lên, chiếc xe chở hàng của gia đình trở thành chiếc xe cấp cứu bất đắc dĩ! Tuấn dần trang bị đèn ưu tiên, xe đẩy, bông băng thuốc đỏ...

Ít ai biết, anh chỉ là lao động nghèo, thu nhập không có nhiều, ban ngày, anh phụ ba mẹ bán hàng ở chợ Thủ, đến tối, Tuấn lái xe rong ruổi khắp các đường phố nhằm phát hiện những trường hợp bị tai nạn giao thông để chở đi cấp cứu.

Tuấn phải học thêm việc sơ cứu đối với từng trường hợp khác nhau như: Người bị gãy tay hay gãy chân phải dùng kẹp gỗ và dây thun băng bó cẩn thận không để xương gãy đâm vào thịt gây hoại tử phần mềm rất nguy hiểm cho bệnh nhân… Như một sứ mệnh, những vụ tai nạn cứ lần lượt xảy ra trước mắt Tuấn mà chẳng lần nào anh phó mặc nạn nhân, cũng không nhận đồng nào sau những chuyến xe.

Đầu tháng 1/2018, cán bộ Đoàn thanh niên TP Thủ Dầu Một vận động Tuấn tham gia chở nước uống miễn phí theo phong trào thiện nguyện do UBND TP Thủ Dầu Một phát động. Từ đó nhiều người biết "Hiệp sĩ bóng đêm" Lê Anh Tuấn chở người bị tai nạn giao thông đi cấp cứu. Tuấn chính là 1 trong những nhân vật của Việc tử tế, được VTV24 giới thiệu và nhận giải tình nguyện quốc gia năm 2019 vì những đóng góp của mình cho cộng đồng"…

Các tấm gương được tuyên dương lần này đến từ nhiều vùng miền và lĩnh vực khác nhau. Một vài câu chuyện chia sẻ trên chỉ là vài tấm gương trong 50 tấmg ương tiêu biểu đại diện cho 400 tấm gương về Hà Nội dự lễ tuyên dương, và cũng chỉ là một vài điểm xuyết trong hàng nghìn tấm gương thầm lặng vẫn dốc lòng yêu thương, trợ giúp các đối tượng yếu thế trong xã hội…

Đó có thể là những thầy cô giáo dành cả cuộc đời đem con chữ cho những trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em lang thang, cơ nhỡ; những người đã tự nguyện hiến tặng tất cả tài sản, đất đai, nhà cửa để nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cô đơn, không nơi nương tựa, trẻ mồ côi; những người tham gia tích cực vào các chương trình của cộng đồng vì người nghèo, tự nguyện ủng hộ quyên góp hàng trăm tỷ đồng vào các chương trình thiện nguyện…

Tại buổi gặp mặt, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và quà tặng tới các tấm gương tiêu biểu.

Lễ tuyên dương cũng là hoạt động của ngành LĐ-TB&XH nhằm hưởng ứng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, kỷ niệm 10 năm ngày Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 phê duyệt Đề án phát triển công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 (Đề án 32), đánh dấu một mốc quan trọng của ngành công tác xã hội tại Việt Nam.

Chương trình kéo dài từ ngày 27 - 28/11 tại Hà Nội, đặc biệt, chiều 28/11, Lễ tuyên dương "Những tấm gương sáng thầm lặng vì cộng đồng" được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia và được truyền hình trực tiếp vào lúc 15h trên Đài truyền hình Việt Nam. Chương trình sẽ có sự tham dự của nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban, bộ ngành liên quan.

Bên cạnh hoạt động của Lễ tuyên dương "Những tấm gương thầm lặng vì cộng đồng", Ban tổ chức bố trí khoảng 50 gian hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ, may mặc, tranh thêu của thương binh, người khuyết tật và người yếu thế.

Cũng trong khuôn khổ Lễ tuyên dương, 50 cá nhân tiêu biểu sẽ nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và 350 cá nhân tiêu biểu nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.