Về vấn đề này, chị Trần Thị Lan Anh, làm việc tại Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông kiến nghị: vì đội ngũ công nhân trực tiếp sản xuất chiếm số lượng lớn và là lực lượng sản xuất chính các doanh nghiệp, nên chủ doanh nghiệp cần tạo môi trường làm việc sáng tạo để ai cũng có thể được tự tin sáng tạo, dù chỉ là các kiến nghị nhỏ nhất.
Bên cạnh đó, chị Lan Anh đề xuất, Chính phủ cần xem xét xây dựng trung tâm hỗ trợ công nhân lao động nghiên cứu ở các tỉnh, tập trung vào các giải thưởng khả thi và có chính sách hỗ trợ cho các tác giả để họ có thể hoàn thành được ý tưởng và đưa ra thực tế.
Quang cảnh buổi gặp gỡ, đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với công nhân, lao động kỹ thuật cao 2019
Anh Phan Quang Liền, nhiều năm làm việc tại Công ty cổ phần Dệt may 29/3 (TP. Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ cần đặt hàng các doanh nghiệp, đặt hàng lực lượng công nhân lao động có tay nghề nghiên cứu, sản xuất các thiết bị máy móc hiện đại phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu xã hội. Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ lực lượng lao động kỹ thuật cao để tiếp cận kiến thức mới, nâng cao trình độ. Thậm chí, cần hỗ trợ lao động kỹ thuật cao xuất bản được sách chuyên ngành để đồng nghiệp, các doanh nghiệp tham khảo khi có vướng mắc.
Anh Phan Anh Hây, làm việc tại Unilever Việt Nam (TP.HCM) đề cập đến vấn đề quản trị doanh nghiệp: “Theo tôi, doanh nghiệp cần thực hiện quản trị hiện đại, chuyển từ kiểm soát sang hỗ trợ để công nhân vừa học hỏi, vừa phát huy năng lực, sáng kiến, sáng tạo của mình trong công việc. Thay đổi công nghệ đi liền với tự động hóa, số hóa, tối ưu hóa, sử dụng robot thế hệ mới sẽ tiết giảm chi phí, tăng năng suất lao động và hình thành một lớp công nhân, lao động kỹ thuật cao.
Việc này phải bắt đầu từ doanh nghiệp, do doanh nghiệp. Chính phủ cần xác định tiêu chí doanh nghiệp phát triển công nghệ cao cấp vùng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc kỹ thuật, dây chuyền công nghệ cao, tuyển dụng công nhân lao động kỹ thuật cao và tổ chức đào tạo công nhân tiếp cận được dây chuyền máy móc đó”.
Về phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP Cơ điện lạnh REE (TP.HCM) cho rằng: “Doanh nghiệp đến các trường đại học, cao đẳng, trung cấp để tuyển người nhưng những người được tuyển dụng chưa bắt tay vào làm việc được ngay và rất ngỡ ngàng trước thực tế công việc được yêu cầu. Những người giỏi cần 1 năm, những người kém hơn cần 2 năm để đào tạo lại thì mới bắt tay vào làm việc được”. Bà Thanh cũng kiến nghị nên giảm bớt tư tưởng chuộng bằng cấp, và đào tạo phải có hướng nghiệp rõ ràng cho học sinh, sinh viên trong tương lai. Đồng thời đề xuất, tổ chức Công đoàn nên tổ chức những trường đào tạo nghề, đào tạo lại và doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ các trang, thiết bị để đào tạo nghề sao cho công nhân được đào tạo kiến thức, tay nghề, nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu ngay sau khi ra trường.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty CP Cơ điện lạnh REE
Về chính sách thu hút nhân tài, ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc VietnamAirlines bày tỏ lo ngại khi lực lượng phi công bị các hãng cạnh tranh gay gắt. Ông Thành cho biết, thời gian đào tạo 1 phi công từ 4-7 năm và chi phí là 200.000 USD/người. Từ năm 2000, VietnamAirlines đã chủ động trong đào tạo phi công là người Việt Nam để đạt mức75% phi công (800/1.200 phi công) của hãng là người Việt Nam hiện nay. Tiền lương, phúc lợi cho phi công Việt Nam cũng không ngừng tăng lên.
Bên cạnh đó, VietnamAirlines cũng rất chủ động trong đào tạo lại. Tuy nhiên, một vấn đề mà hãng đang đối mặt chính là tình trạng “chảy máu chất xám”, khi VietnamAirlines bị các hãng khác cạnh tranh phi công gay gắt khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ông Thành cho rằng, để doanh nghiệp an tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, cần có chính sách để đảm bảo cho doanh nghiệp không bị đảo lộn do thất thoát lực lượng lao động chất lượng cao. Cụ thể, Bộ Luật Lao động cần có các quy định hợp lý, để các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng.
Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc VietnamAirlines
Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn nêu thực tế về đào tạo tại doanh nghiệp này và cho rằng doanh nghiệp cần tạo ra nhiều giá trị để tăng năng suất lao động chứ không tăng cường độ lao động.
Hằng năm, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn chi từ 150 - 200 tỉ đồng để đầu tư phát triển công nghệ. Về đầu tư cho lực lượng lao động, Tổng công ty có 5 giải pháp linh hoạt, trong đó chú trọng đào tạo, đào tạo lại liên tục, coi trọng đào tạo tại chỗ kết hợp với chính sách luân chuyển cán bộ, công nhân viên làm việc ở các vị trí khác nhau. Hàng năm Tổng công ty dành 20-25 tỉ đồng để đào tạo lại.
Tân Cảng Sài Gòn cũng rất chú trọng cơ chế trả lương, trả thưởng dựa trên cơ chế khoán lương theo năng suất, hiệu quả lao động, cùng với đó quan tâm đến các phúc lợi dành cho người lao động; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của người lao động; kết hợp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực từ tuyển dụng và phân loại lao động thường xuyên. Từ những giải pháp tổng thể đó, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn hiện có chất lượng dịch vụ ngang hàng với nhiều cảng quốc tế của các quốc gia phát triển.
Với vai trò quản lý Nhà nước, ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ nhận trách nhiệm khi các chính sách đều được xây dựng rất nhanh, nhưng thực tế là chưa đi vào cuộc sống.
Ông Chu Ngọc Anh đồng ý với ý kiến của anh Hây là tự động hóa, số hóa phải bắt đầu từ doanh nghiệp và do doanh nghiệp, bởi đổi mới khoa học công nghệ chính là yếu tố để doanh nghiệp cạnh tranh. Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp chủ động trong việc phát triển khoa học công nghệ như thành lập các trung tâm hoặc liên kết với các trường để nghiên cứu, ứng dụng. Ông Chu Ngọc Anh cũng đề nghị các lao động kỹ thuật cao cần chủ động trong việc nghiên cứu, ứng học khoa học công nghệ vào sản xuất.
Với kiến nghị của VietnamAirlines, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thống nhất ý kiến, rằng đối với lao động kỹ thuật cao, đặc thù như phi công, cần có những quy định trong Bộ luật Lao động, các nghị định của Chính phủ để đảm bảo nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ, các ngành cần tạo cơ chế thuận lợi để Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn có thể đào tạo, phát triển nguồn nhân lực để thu hút phát triển cảng Việt Nam thành cảng tự động hoàn toàn, tăng cường cạnh tranh với các cảng trong khu vực.
Về phía Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định vai trò của công nhân lao động kỹ thuật cao là một trong những động lực phát triển kinh tế đất nước. Tất cả các nội dung, các đề nghị của công nhân lao động mà đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị rất xác đáng, những kiến nghị này sẽ được Quốc hội xem xét, xử lý, đưa vào các quy định pháp luật liên quan.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội nhất trí rất cao với các kiến nghị phải gắn kết đào tạo và sử dụng lao động. Doanh nghiệp muốn phát triển thì phải tăng năng suất lao động.
Muốn vậy, một trong những giải pháp là cải cách chính sách, hệ thống tiền lương sao cho tiền lương phải gắn với các giá trị thực, vì tiền lương là yếu tố hết sức quan trọng để tạo động lực phát triển của người lao động và doanh nghiệp.
Trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: “Hơn ai hết, các bạn chính là người tạo ra sáng chế, sáng kiến thuộc về lực lượng lao động có tay nghề là chính. Chính phủ khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư khoa học công nghệ, nếu doanh nghiệp không đầu tư sẽ bị đào thải vì không đủ sức cạnh tranh. Đó là trách nhiệm mà doanh nghiệp phải làm và chúng ta cùng đồng hành với doanh nghiệp. Làm sao lực lượng công nhân lao động có điều kiện để học tập tiếp, nâng cao trình độ để tiếp cận khoa học, công nghệ mới, đó cũng là chính sách của Chính phủ”.
Trong phát biểu của mình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: một trong những nguyên nhân khiến đất nước phát triển nhanh về kinh tế trong những năm gần đây là do có đội ngũ công nhân kỹ thuật cao tiếp thu nhanh các kiến thức khoa học công nghệ để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động kỹ thuật cao
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, bên cạnh việc Nhà nước phải đổi mới hơn, tạo chính sách thông thoáng, mở rộng quan hệ quốc tế, có hai vấn đề rất quan trọng, đó là sự đổi mới của doanh nghiệp và đặc biệt quan trọng là người lao động phải tự học tập nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu mới, để không bị đào thải khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát huy những hiệu quả và cũng bộc lộ những mặt trái của nó.
Để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp, các bộ, ngành phải có các chính sách kinh tế thực tế để doanh nghiệp đầu tư công nghệ, đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, ví dụ doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao phải được ưu đãi về thuế. Chúng ta cần phải khơi dậy khát vọng doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ cạnh tranh trên sân nhà mà cạnh tranh với quốc tế. Người lao động cần phải là tấm gương thể hiện tính tiên phong của giai cấp công nhân, đi đầu đổi mới và xây dựng văn hóa doanh nghiệp.