Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thủ tướng dự lễ khánh thành cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết

(Dân sinh) - Chiều ngày 18/6, tại Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành 2 dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Lễ khánh thành do Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận tổ chức, kết nối trực tuyến giữa hai điểm cầu đặt tại tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận.

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương các đơn vị thi công dự án. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương các đơn vị thi công dự án. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Vượt khó khăn để đưa dự án về đích

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần, với 8 dự án đầu tư công và 3 dự án hợp tác công tư (PPP), trong đó có dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài khoảng 100,8 km. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17 m, vận tốc thiết kế 80 km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư với quy mô đạt vận tốc thiết kế 100 - 120 km/h. Đây là dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng. 

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài khoảng 100,8 km.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài khoảng 100,8 km.

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Quốc Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án 7 cho biết, dự án khởi công vào ngày 30/9/2020, ngay sau đó là thời gian dài bùng phát nặng nề bởi dịch covid-19 tại khu vực phía Nam, ảnh hưởng nặng nề tới công tác thi công.

Tuy nhiên, Chủ đầu tư và nhà thầu dưới sự lãnh đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã vượt khó, đưa dự án hoàn thành tuyến chính vào ngày 19/5/2023.

Theo ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), đại diện Liên danh nhà thầu Vinaconex – VNCN E&C là đơn vị đảm nhiệm thi công gói thầu XL04: Thi công xây dựng đoạn Km185+400 – Km235+000, nút giao Ma Lâm và nút giao Phan Thiết với giá trị hợp đồng xây lắp 3225 tỷ đồng cho biết, bên cạnh những điều kiện thuận lợi nêu trên, quá trình triển khai thực hiện Dự án cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Do khối lượng thi công lớn trong điều kiện địa chất, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, khối lượng phá đá phải thi công lên tới hàng triệu mét khối, đại dịch COVID-19 bùng phát dẫn tới việc phải dừng thi công hoặc thi công gián đoạn, điều kiện thời tiết bất lợi do mưa nhiều bất thường, biến động đột biến của giá nguyên - nhiên vật liệu, đặc biệt việc vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằn và thiếu hụt nguồn đất đắp nền đường do vướng các thủ tục hành chính trong việc cấp phép mới và cấp lại giấy phép khai thác mỏ (đến tận đầu tháng 4/2023 mới được giải quyết) đã ảnh hưởng rất lớn tới kế hoạch và tiến độ triển khai thực hiện dự án.

"Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và sự ủng hộ của các bộ ban ngành, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Thuận; với trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, với tinh thần 'vượt nắng, thắng mưa, quyết tâm đưa dự án về đích đúng hạn'", ông Thanh chia sẻ.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành tuyến chính vào ngày 19/5/2023.

Dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết hoàn thành tuyến chính vào ngày 19/5/2023.

Còn dự án thành phần đoạn Nha Trang - Cam Lâm có tổng vốn thực hiện dự án 5.524,15 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 2.556,99 tỷ đồng (gồm Vốn chủ sở hữu khoảng 511,40 tỷ đồng; Vốn vay/vốn hợp pháp khác 2.045,6 tỷ đồng). Nguồn vốn nhà nước tham gia trong dự án khoảng 2.967,16 tỷ đồng. 

Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; Doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Ban QLDA đường Hồ Chí Minh được giao là đại diện Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.  

Dự án được khởi công tháng 9/2021, đến nay đã cơ bản hoàn thành tuyến chính với chiều dài 49,1 km, Bộ GTVT đã đưa vào khai thác tạm thời vào ngày 19/5/2023. Việc khánh thành dự án vào ngày 18/6/2023 là nỗ lực của nhà đầu tư vượt tiến độ so với hợp đồng 3 tháng.  

Ông Nguyễn Viết Hải, chủ tịch Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải cho biết “Quá trình triển khai dự án đã phát sinh nhiều khó khăn bất khả kháng khiến nhà đầu tư rất hoang mang. Tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc nhanh chóng của các cấp từ Chính phủ, bộ, ngành đến địa phương đã giúp nhà thầu tháo gỡ.

Đây cũng là động lực để nhà đầu tư mạnh dạn đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến nhất trong thi công đường cao tốc, giúp dự án vượt tiến độ, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật vượt trội. Dự án thành công sẽ đem lại nhiều niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia vào dự án PPP giao thông trong giai đoạn mới”. 

Quyết tâm hoàn thành tuyến cao tốc Bắc - Nam

Phát biểu tại lễ khánh thành, trong không khí phấn khởi, tự hào kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chính thức tuyên bố khánh thành các dự án Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết.

Với việc đưa vào khai thác 2 dự án Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết với tổng chiều dài hơn 150 km, tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc Nam được nâng lên 954 km.

Thủ tướng và các đại biểu cắt băng khánh thành 2 dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thủ tướng và các đại biểu cắt băng khánh thành 2 dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Tính cả các tuyến cao tốc khác, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác gần 600 km, nâng tổng số đường cao tốc cả nước lên 1.729 km. Tới đây, sẽ hoàn thành thêm 123 km vào cuối năm 2023 và tập trung triển khai thực hiện xây dựng để hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam vào năm 2025 và mục tiêu này là khả thi. 

Thủ tướng đánh giá cao các đồng chí lãnh đạo Bộ GTVT thường xuyên đi kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn tại công trường. Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương các cán bộ, công chức, người lao động ngành GTVT, đặc biệt là nhà đầu tư, các ban quản lý dự án, các nhà thầu, các đơn vị tư vấn đã có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm để khắc phục các khó khăn về dịch bệnh, thời tiết bất lợi, làm việc không kể ngày đêm, "tăng ca, tăng kíp", "vượt nắng, thắng mưa, thắng đại dịch", huy động đủ nguồn lực, thiết bị và máy móc, thực hiện nghiên cứu, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để đưa các dự án đi vào khai thác, vận hành. 

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận cắt băng khánh thành 2 dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận cắt băng khánh thành 2 dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.

Đồng thời, Thủ tướng cũng biểu dương sự nỗ lực, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết thiếu hụt vật liệu; cảm ơn bà con nhân dân trong vùng ảnh hưởng đã sẵn sàng nhường đất, dời nhà để triển khai các dự án. 

Việc hoàn thành 2 tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết có vai trò, ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Khánh Hoà, Bình Thuận nói riêng, của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và của đất nước nói chung. 

Để phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức vận hành, khai thác bảo đảm an toàn; căn cứ nhu cầu giao thông để xây dựng kế hoạch đầu tư hoàn chỉnh dự án theo quy mô quy hoạch trong tương lai; nghiên cứu, phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm trong việc triển khai dự án để làm bài học cho các dự án sau này; đẩy nhanh tiến độ thi công để đưa các đoạn còn lại của tuyến cao tốc Bắc - Nam vào khai thác đúng tiến độ, nâng cao chất lượng và không đội vốn bất hợp lý…