Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp lại ân nhân

Chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ cuối cùng ngày 26/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi lời chia tay đến các cộng sự lâu năm, ông phát biểu: “ Ngày 6/4 tôi sẽ kết thúc nhiệm vụ. Phiên họp Chính phủ tới, tôi với 19 đồng chí nữa không có mặt. Tôi có lời cảm ơn chân thành đến các đồng chí, Thủ trưởng các cơ quan trực thuộc, Văn phòng Chính phủ đã gần 20 năm phục vụ, tạo điều kiện cho tôi thực hiện nhiệm vụ. Cám ơn các chuyên gia tư vấn đã đóng góp rất tích cực”. Dịp này, xin được đăng lại bài viết của nhà báo Giang Thanh về kỷ niệm gặp lại người bạn chiến đấu, ân nhân của Thủ tướng trong chiến tranh năm xưa.

 

Tại lễ mít tinh kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 do tỉnh Sóc Trăng tổ chức năm 2010, lão nông Tư Kiên (Phan Trung Kiên) ở huyện Kế Sách, đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Tư Kiên đã lập nhiều chiến công, nhưng kỳ tích được nhiều người biết đến là chuyện ông cứu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lúc hai người cùng chung một trận tuyến cách nay 40 năm.

Tải thương bằng... cối giã gạo

 Lớn lên ở xã Ba Trinh, huyện Kế Sách, năm 1962, khi mới 16 tuổi, cậu trai làng Phan Trung Kiên đã tham gia đội giao liên ấp. Một năm sau, anh gia nhập Tiểu đoàn 198 pháo binh ĐKZ 75 đóng quân ở rừng U Minh Hạ - Cà Mau. Sau đó, anh được đơn vị cử đi học cứu thương cấp tốc trong 4 tháng, rồi học tiếp lớp quân y vào năm 1969. Lớp học giữa rừng của Trường Quân y Quân khu 9 (T3) lúc ấy có một thanh niên cao ráo tên Nguyễn Tấn Dũng đến từ Tiểu đoàn 207 ở Kiên Giang. Chiến tranh đến hồi cam go nên vừa học, cả lớp vừa chống càn để bảo vệ đội phẫu thuật với hàng chục thương binh ở trạm xá đơn sơ giữa rừng.

Tháng 9/1970, ngày nào địch cũng càn quét dữ dội khu vực Khánh Lâm, thọc sâu vào căn cứ rừng già U Minh Hạ và sang cả U Minh Thượng bên Kiên Giang với âm mưu tiêu diệt bộ đội và cơ quan đầu não cách mạng vùng này. Đội phẫu thuật dã chiến đóng cạnh lớp đào tạo bác sĩ quân y để sẵn sàng cấp cứu bộ đội bị thương. Một sáng tinh sương, sau cơn mưa dầm suốt đêm giữa rừng U Minh Hạ, các học viên vừa thức giấc cũng là lúc địch xuất hiện với cả trung đoàn bộ binh có máy bay trực thăng và thiết giáp yểm trợ bao vây T3.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Tư Kiên

Hai học viên trẻ Nguyễn Tấn Dũng và Phan Trung Kiên quyết định ở lại chặn địch để đồng đội khẩn cấp đưa thương binh vượt sông về hậu cứ. Một người vác súng B40, người kia cầm khẩu AK khạc đạn liên hồi, diệt được trên chục tên địch. Ông Tư Kiên kể: “Một đại đội địch tràn lên và bắn tới tấp về phía T3. Trước mắt địch quá đông với hỏa lực mạnh, sau lưng là đồng đội vẫn còn đưa thương binh vượt sông, tình thế chúng tôi rất hiểm nguy. Lúc ấy, Dũng nâng B40 bắn liên tiếp 2 phát làm cả rừng tràm rung lên. Địch la thất thanh và sau đó im bặt. Thấy địch chết nhiều, chúng tôi cứ tưởng đã an toàn, nào ngờ lúc ấy máy bay trực thăng xuất hiện. Sau loạt súng nổ rền trời, đạn bay ào ào từ trên máy bay xuống rừng tràm, tôi thấy Dũng ôm bắp chân, máu chảy ướt đẫm ống quần. Dũng không đi được, tôi liền cõng anh lui về hướng sông Cái Tàu cách đó gần chục cây số để tìm cách quay lại căn cứ càng sớm càng tốt bởi Dũng mất máu quá nhiều và trời đã sập tối. Thấy con sông trước mắt quá lớn không thể cõng Dũng bơi qua, tôi giấu anh ở bụi tràm sát bờ rồi dặn: “Dũng ơi, mày ráng chịu đau nằm chờ tao bơi sang nhà dân tìm xuồng vượt sông. Nếu có chết, cả hai cùng chết chớ tao không bỏ mày đâu”.

Lá thư Thủ tướng gửi ông Tư Kiên

Đến nhà dân, Tư Kiên hết sức thất vọng vì xuồng ba lá của họ đã bị địch bắn tan nát. “Nhìn quanh quẩn, tôi thấy chiếc cối giã gạo bằng gốc cây mù u rộng hơn 1 m² bèn nảy ra một ý táo bạo. Tôi vần chiếc cối xuống sông rồi cõng Dũng đặt nằm lọt trong lòng cối và lấy lục bình phủ lên ngụy trang. Vừa kéo chiếc cối vượt qua được bờ kia sông thì bên này, hơn chục tên địch đang lần theo vết máu của Dũng. Chỉ chậm vài phút là chúng tôi đã bỏ mạng giữa rừng”-ông Tư Kiên hồi tưởng.

Sau khi về hậu cứ an toàn, chữa lành vết thương và hồi phục sức khỏe, hai người tiếp tục tham gia nhiều trận đánh lớn ở Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang... đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

          Gặp lại bạn chiến đấu xưa

Đất nước thống nhất, Tư Kiên về Bạc Liêu lấy vợ theo lời giới thiệu của một đồng đội, rồi gia đình về Kế Sách, Tư Kiên xin chuyển ngành về bệnh viện đa khoa huyện. Làm Phó giám đốc bệnh viện gần 7 năm, ông xin nghỉ vì cuộc sống  quá khó khăn, Vợ bị bệnh nặng trong khi các con còn nhỏ. Về với ruộng vườn, ông Tư Kiên chỉ có mảnh đất đủ để cất căn nhà lá. Thấy nhiều người sống được bằng nghề nuôi vịt, ông gom hết tiền và mượn thêm hàng xóm đầu tư nuôi 200 con. Tuy nhiên, đàn vịt vừa đẻ vài ngày bỗng lăn ra chết hết. Ông phải bán mảnh đất cùng căn nhà lá để trả nợ. Không đất, không nhà, ông đành dắt díu Vợ và 3 con nhỏ vào Nghĩa trang Liệt sĩ Kế Sách tá túc, làm chân quản trang, ngày ngày chăm nom những nấm mồ của những người con quê hương đã ngã xuống.

Thủ tướng ôn lại chuyện xưa trong căn nhà mới do Quân khu 9 tặng ông Tư Kiên

Làm quản trang một thời gian vẫn không đủ sống, ông Tư Kiên lại dắt vợ con về Ba Trinh xin người quen một mảnh đất nhỏ cất nhà ở và làm thuê, làm mướn mưu sinh.“Đứa con gái lớn học đến lớp 8 đã nghỉ để làm thuê; thằng con trai kế một buổi đi học, một buổi bán bánh mì và phụ hồ; còn con bé út lại không có tiền đi đò đến trường học... Nghèo khó quá nhưng vợ chồng tôi không đành để hai đứa nhỏ nghỉ học” - vợ ông ngậm ngùi. Không phụ lòng cha mẹ, con trai ông Tư Kiên học rất giỏi, thi đậu vào ngành công an và hiện đã ra trường, làm việc tại Phòng CSGT Đường bộ Công an tỉnh Sóc Trăng. Cô con gái út cũng rất chăm học, hiện công tác tại Trường Chính trị Sóc Trăng.

Một thời gian dài sau ngày đất nước thống nhất, ông Tư Kiên bặt tin người bạn Nguyễn Tấn Dũng. Cách đây vài năm, có dịp gặp lại bạn bè cùng ngành y, ông mới nghe họ nhắc đến người bạn xưa giờ đã giữ cương vị cao nhất của Chính phủ. Song, vì vất vả mưu sinh ở chốn quê nghèo, ông Tư Kiên ngại rằng nếu liên lạc sẽ làm phiền người bạn đang bận rộn với quá nhiều công việc được Đảng và Nhà nước giao phó.

Ông đâu biết mỗi lần lãnh đạo Sở Y tế Sóc Trăng và những người cùng thời với ông ở T3 ra Hà Nội công tác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều hỏi thăm tin tức người bạn đã từng đưa mình bị thương vượt sông bằng cối giã gạo năm nào. Thông qua một cán bộ tỉnh Hậu Giang là bạn cũ của ông Tư Kiên, Thủ tướng quyết định mời ông dự buổi cơm thân mật tại TP. Cần Thơ nhân dịp dự lễ khởi công giai đoạn hai cảng Cái Cui vào tháng 7/2009. Ông Tư Kiên cho biết: “Chiều đó, anh Nguyễn Phong Quang, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, rủ tôi về Cần Thơ gặp bạn thời chiến đấu. Tôi nói với vợ là đi đám cưới nhưng linh tính mách rằng sẽ gặp được Thủ tướng”.

Vợ chồng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Tư Kiên

Sau buổi cơm tối thắm đậm nghĩa tình, cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời học chung ở T3 và đặc biệt là buổi chiều vượt sông bằng cối giã gạo, ông Tư Kiên chia tay Thủ tướng để về lại quê nhà với lời hẹn sẽ gặp lại nhau vào đầu Xuân Canh Dần.

Đúng mùng 6 Tết, Thủ tướng cùng phu nhân và 2 con đến TP. Sóc Trăng chúc Tết, thăm và trao nhà đồng đội do Quân khu 9 xây dựng gồm một trệt, một lầu tại đường Trần Hưng Đạo cho gia đình ông Tư Kiên. Buổi gặp hôm ấy thật ấm áp tình đồng đội. Thủ tướng ôm chầm ông Tư Kiên, xúc động: “Anh Tư ơi, anh chính là ân nhân lớn, là người đồng chí, đồng đội, người bạn học thân thiết của tôi. Nhờ sự mưu trí, dũng cảm của anh mà tôi đã vượt được sông Cái Tàu bằng chiếc cối giã gạo trong lúc bị thương để về đến căn cứ an toàn”.