Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng cho rằng, Phú Thọ có nhiều tiềm năng phát triển với vị trí “nhất cận thị, nhị cận giang”. Tỉnh nằm cạnh Hà Nội và có 3 con sông chảy qua, có lợi thế về phát triển du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Thọ
Đánh giá thời gian qua, tỉnh đã phát triển toàn diện kinh tế - xã hội với mức tăng trưởng khá cao, quan tâm đến hạ tầng, văn hóa, giáo dục, nhất là xã hội hóa lĩnh vực y tế, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt hạn chế, bất cập như năng suất lao động của tỉnh còn thấp. Lao động nông nghiệp chiếm 60% nhưng tỷ trọng nông nghiệp đóng góp chưa đến 30% vào GDP. Xây dựng nông thôn mới mặc dù có nhiều cố gắng nhưng chỉ có 12,7% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, so với bình quân cả nước là 23%. Tỉnh chưa có sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản lượng lớn. Hạ tầng khu công nghiệp chưa đồng bộ, suất đầu tư cao, chưa có tập đoàn, tổng công ty lớn đầu tư vào Phú Thọ. Số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã kiểu mới còn thấp. Môi trường đầu tư mới đạt mức trên trung bình.
Cho rằng Phú Thọ vẫn là tỉnh nghèo, Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Phú Thọ cần tập trung quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo để triển khai toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.
“Tôi giao nhiệm vụ này để lãnh đạo tỉnh quán triệt trong tỉnh, thực hiện vượt mức các chỉ tiêu mà Trung ương giao, nhất là khi dư địa tăng trưởng và phát triển của tỉnh còn lớn. Tinh thần là phải triển khai sớm các nhiệm vụ, sáng tạo, chỉ đạo phải quyết liệt, có nhiều mô hình mới, và một số mặt phải có chuyển biến rõ ràng. Ví dụ vấn đề môi trường, Phú Thọ có thể tuyên bố không còn tình trạng ô nhiễm môi trường vào năm 2017 hay không ? Tôi nghĩ là hoàn toàn có thể”, Thủ tướng phát biểu.
Nhìn nhận tỉnh chưa nêu rõ các biện pháp về xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo hiện chiếm 10,2%, Thủ tướng lưu ý, Phú Thọ phải nỗ lực đi đầu về xóa đói giảm nghèo, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc và gợi ý tỉnh quan tâm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thị sát nút giao IC7 kết nối Thành phố Việt Trì với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.
Bên cạnh đó, tỉnh cần quan tâm phát triển doanh nghiệp và đặc biệt quan tâm đến du lịch với chương trình, kế hoạch, biện pháp cụ thể. Thủ tướng cũng đặt “đầu bài” cho Phú Thọ là tăng 2 lần số doanh nghiệp vào năm 2020, tức là phấn đấu có trên 8.000 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, từ đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Cùng với đó, một trong những việc tỉnh cần thực hiện là xã hội hóa mạnh mẽ để thu hút nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng. Thủ tướng nhắc lại chuyến thăm Bệnh viện Đa Khoa Phú Thọ sáng 4/12 và đánh giá cao mô hình xã hội hóa của Bệnh viện này, đã thu hút 1.500 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển.
“Tôi rất ấn tượng. Nếu tìm 1.500 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước làm một bệnh viện chưa chắc đã tốt bằng xã hội hóa như thế. Đây chính là cách đặt vấn đề phát triển bằng nguồn lực nào. Cái gì người dân, xã hội làm được thì để xã hội làm. Nhà nước và xã hội cùng làm, xã hội hóa mạnh mẽ. Lãnh đạo tỉnh cần có tư duy đổi mới theo hướng này”, Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu mô hình xã hội hóa lĩnh vực y tế tại Phú Thọ, rút kinh nghiệm để phổ biến ra cả nước.
Với những lợi thế về giao thông, Thủ tướng gợi ý, cần xây dựng thành phố Việt Trì trở thành trung tâm logistic trong vùng. Thủ tướng cũng ủng hộ đề xuất của tỉnh Phú Thọ, xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về cội nguồn; giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án trình Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó trong buổi sáng 4/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thị sát nút giao IC7 kết nối Thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ với đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai.