Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị tổng kết công tác 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác 5 năm 2021-2025 và năm 2021 của ngành Xây dựng, diễn ra chiều nay, 26/12.
Thủ tướng đánh giá, ngành xây dựng đã cơ bản hoàn thành 5 nhóm chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2016-2020, luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá cao; các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật đều có mức tăng trưởng vượt kế hoạch. Thủ tướng dẫn đánh giá năm 2020 của GlobalData, công ty phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh, bất chấp khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có ngành xây dựng phát triển mạnh nhất khu vực châu Á. Tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 40% vào cuối năm 2020. Khu vực đô thị đã đóng góp 70% GDP.
Việc ngành xây dựng hoàn thành các chỉ tiêu đã đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng chung của kinh tế cả nước, góp phần nâng cao mức sống, điều kiện sinh hoạt của người dân.
Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Bộ Xây dựng, đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện có kết quả 02 Đề án lớn: Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng và Đề án hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Quy chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng, qua đó, tạo ra sự đột phá trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư và góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư xây dựng.
Thị trường bất động sản phát triển đúng hướng, trong nhiệm kỳ qua, không còn các biểu hiện cực đoan như phát triển nóng "bong bóng" hoặc hoặc trầm lắng, suy thoái. Lĩnh vực bất động sản đã thu hút khoảng 4,5 triệu tỷ đồng vốn trong nước, trong 5 năm thu hút 17,5 tỷ USD vốn FDI, đóng góp 0,4 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP, chiếm khoảng 11% trong tổng thu ngân sách.
Công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu trong nước và mở rộng thị trường, sản phẩm xuất khẩu. Sản xuất xi măng đứng đầu ASEAN và tốp 10 thế giới về sản lượng. Một số sản phẩm vật liệu xây dựng cao cấp có khả năng cạnh tranh và đã xuất khẩu ở trị trường ngoài nước. Kịp thời tham mưu cho Chính phủ về các giải pháp bình ổn giá cát xây dựng và việc xuất khẩu các loại cát; sử dụng tro xỉ của các ngành sản xuất điện, thép, vật liệu xây dựng.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, sự phát triển của ngành xây dựng chưa tương xứng với tiềm năng. Đơn cử như lĩnh vực nhà ở của Hà Nội, TP. HCM chưa đạt mục tiêu đề ra, phân khúc nhà ở cho người lao động, công nhân là vấn đề cần quan tâm. Chất lượng một số đồ án quy hoạch còn thấp, tầm nhìn, công tác dự báo chưa hợp lý, còn tình trạng chưa thống nhất, chưa ăn khớp giữa cấp độ quy hoạch. Ở một số địa phương, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ. Dồn quá nhiều nhà cao tầng vào khu trung tâm, làm tắc nghẽn giao thông.
Hệ thống đô thị cả nước phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp, chủ yếu là các đô thị loại nhỏ. Liên kết giữa các đô thị còn rời rạc, ảnh hưởng đến hiệu quả phát triển tổng thể của vùng và các hành lang kinh tế.
Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng quan tâm tới việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn. Cùng với đó, nâng cao chất lượng đồ án quy hoạch vì đây là nền tảng để đảm bảo tính lâu dài và bền vững. Thủ tướng cũng lưu ý công tác điều chỉnh quy hoạch sau phê duyệt cần xem xét kỹ lưỡng, dù việc phân cấp quản lý là rất cần thiết nhưng phải tránh chồng chéo.
Hiện nay, phát triển nhà ở chưa đạt mục tiêu do thiếu nguồn lực từ vốn đến đất đai. Các địa phương phải đưa vào kế hoạch cụ thể, khi phát triển các khu công nghiệp cũng phải tính toán đến quỹ đất làm nhà ở cho công nhân. Chính phủ sẽ cố gắng thu xếp thêm nguồn vốn, chú trọng nguồn lực trong trung hạn, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan để có giải pháp tổng thể lo nhà ở an toàn cho người dân vùng thiên tai, ngập lụt. Cùng đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình với một số định hướng của Bộ Xây dựng trong giai đoạn tới như: xác định hoàn thiện thể chế là khâu then chốt để tạo đột phá; phát triển đô thị theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững; tiến tới xuất khẩu xây dựng; giữ 2 doanh nghiệp là Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) và Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) làm nòng cốt cho ngành xây dựng...
Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40%. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 90%. Từ năm 2018, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh ở thành thị là 99,5%, nông thôn là 90,8%; Quy hoạch chung xây dựng đô thị và quy hoạch xây dựng nông thôn đều 100%. Quy hoạch phân khu 78% và quy hoạch chi tiết khoảng 39% so với diện tích đất xây dựng đô thị.
Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt tại đô thị đạt khoảng 91%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch ước 18%; Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc 24m2 sàn/người, trong đó phát triển nhà ở xã hội 5,21 triệum2.
Các loại sản phẩm vật liệu xây dựng chủ yếu đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần dành cho xuất khẩu. Tổng sản lượng xi măng đến năm 2020 ước 101,74 triệu tấn, gạch ốp lát 575 triệu m2, sứ vệ sinh 19 triệu sản phẩm, kính xây dựng 230 triệu m2, gạch xây nung, gạch không nung 30 tỷ viên, đáp ứng nhu cầu trong nước.