Báo Tin tức của TTXVN thông tin, chiều 17/5, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ. Dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Lê Văn Thành, Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; lãnh đạo các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ.
Báo cáo về tình hình dịch COVID-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tính đến 12 giờ ngày 17/5, Việt Nam có 4.242 người mắc COVID-19, trong đó từ ngày 27/4 đến nay có 1.078 ca mắc mới; 37 ca tử vong liên quan dịch COVID-19. Hiện nay, các ngành, địa phương đang thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo, quy định về phòng chống dịch. Các địa phương có dịch COVID-19 đã phong tỏa ngay các ổ dịch, thực hiện giãn cách xã hội theo các cấp độ, cách ly, truy vết, xét nghiệm số người có nguy cơ... các bộ, ngành, địa phương cũng tăng cường hỗ trợ, chi viện cho các địa phương, đơn vị có ổ dịch. Do đó, tại hầu hết các địa phương, điểm có dịch tình hình cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, hiện nay tình hình dịch vẫn diễn biến khó lường, nhất là tại các ổ dịch ở tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh - nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, đông công nhân và nhiều người bị lây nhiễm.
Tại hội nghị, theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, các đại biểu đã thảo luận, rà soát công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua và hiện nay, rút ra bài học, nhận định tình hình để đưa ra giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả nhất trong thời gian tới. Trong đó các đại biểu tập trung các vấn đề: công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cơ chế, chính sách, quy định trong phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19, Bộ Y tế; sự vào cuộc của các ngành, các cấp trong phòng, chống dịch CVOID-19; giải pháp, cách thức đã triển khai trong thời gian qua; tính hiệu quả, kết quả của các biện pháp; khả năng ứng phó của các ngành, các cấp trước các tình huống đột xuất, bất ngờ; công tác truyền thông phòng, chống dịch...
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, đợt dịch này có chủng virus mới, lây lan nhanh, khó lường tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là dịch lại xảy ra tại các khu công nghiệp trong khi chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với dịch bệnh tại các khu công nghiệp; đợt dịch xảy ra sát thời điểm ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; năm học 2021 chuẩn bị kết thúc; dịch bệnh trên thế giới và các nước trong khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, tạo sức ép lớn cho Việt Nam...
Về nguyên nhân dẫn đến bùng phát, Thủ tướng cho rằng mầm bệnh xuất phát từ bên ngoài, thông qua con đường nhập cảnh để lây vào trong nước, trong khi đó việc quản lý xuất, nhập cảnh, nhất là xuất, nhập cảnh trái phép, cư trú trái phép còn có sơ hở. Một số cơ quan, địa phương và một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, song khi xuất phát dịch bệnh lại hoang mang, lo lắng; công tác quản lý cách ly và sau cách ly chưa tốt; một số địa phương chuẩn bị phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ” chưa đầy đủ; một số cơ quan, địa phương thiếu kinh nghiệm trong ứng phó với dịch bệnh...
Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong phòng chống dịch từ Trung ương tới địa phương được triển khai một cách đồng bộ, đảm bảo kịp thời, quyết liệt, đúng hướng. Các cấp, các ngành, địa phương nắm chắc tình hình dịch bệnh, không chủ quan; công tác khen thưởng, xử lý, kỷ luật sai phạm trong phòng chống dịch được thực hiện kịp thời; việc phân công, phân cấp trong phòng, chống dịch được thực hiện rõ ràng. Việc tổ chức thực hiện các chỉ đạo về phòng, chống dịch được triển khai tốt; các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân vào cuộc kịp thời, hiệu quả. Các cơ quan chức năng phản ứng nhanh, xử lý kịp thời, quyết liệt trước tình hình dịch bệnh; các ngành, địa phương có tinh thần phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong phòng, chống dịch; công tác tuyên truyền phòng, chống dịch cơ bản thực hiện tốt...
Thủ tướng khẳng định, hiện nay chúng ta đang kiểm soát tình hình dịch bệnh trên phạm vi cả nước; các tỉnh, thành phố có dịch đang từng bước được kiểm soát; chưa phát sinh ổ dịch chưa rõ nguồn lây; chúng ta đang thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch hiệu quả”; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang được tiến hành đúng quy trình, đúng tiến độ...
Thủ tướng cảnh báo, nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nếu như chúng ta lơ là chủ quan. Do đó, cả hệ thống chính trị và toàn dân cần vào cuộc một cách thần tốc hơn nữa, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để đầy lùi dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu của chúng ta vẫn là thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”, đảm bảo an toàn cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kết thúc tốt đẹp năm học 2021; lấy việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người dân là trên hết, trước hết.
Để làm được mục tiêu trên, Thủ tướng lưu ý tránh 2 khuynh hướng, hoặc là lơ là, chủ quan, hoặc là hoang mang, mất bình tĩnh trước dịch bệnh. Do đó, các cấp, các ngành cần thay đổi cách tiếp cận, phản ứng phù hợp với tình hình mới, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; kế thừa những kinh nghiệm quý, bài học hay, có hiệu quả trong công tác phòng chống 3 đợt dịch trước cũng như những kinh nghiệm hay trên thế giới; tiếp tục kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa phòng ngự và tấn công trong phòng, chống dịch; thực hiện tốt “5k + vaccine”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các ngành, các cấp, địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể: huy động các nguồn lực để xét nghiệm COVID-19 chủ động; thực hiện “chiến lược vaccine”, tìm kiếm nguồn vaccine, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine, tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 có hiệu quả; tăng cường ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông vào phòng, chống dịch; chuẩn bị thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế và nguồn tài chính sẵn sàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19; chuẩn bị phòng, chống dịch theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện phân công, phân cấp hợp lý, rõ ràng, với phương châm “tỉnh lo cho tỉnh, huyện lo cho huyện, xã lo cho xã, thôn, bản, ấp lo cho thôn, bản, ấp, mỗi người dân tự lo cho sức khỏe của chính mình, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc”.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần có phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong mọi tình huống, nhất là khi dịch bệnh xảy ra tại các khu công nghiệp; tiếp tục xây dựng chính sách, kêu gọi sự đóng góp của toàn xã hội vào đầu tư trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch; tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nhân dân nhằm trang bị kiến thức và truyền cảm hứng cho người dân vào cuộc trong cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19; phổ biến những mô hình hay để nhân rộng trong cả nước trong phòng, chống dịch.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, các đơn vị, cơ quan, địa phương căn cứ tình hình thực tế, chủ động, tích cực, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chỉ đạo, quy định của Nhà nước trong phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời phải hết sức bình tĩnh, sáng suốt, song không lơ là, mất cảnh giác trong phòng, chống dịch, vì nếu để dịch bệnh xảy ra thì sẽ gây hậu quả khôn lường, “một người lơ là, cả xã hội lao đao”.
Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, báo Người Lao động cho hay, Việt Nam vừa tiếp nhận lô vắc-xin Covid-19 gần 1,7 triệu liều từ cơ chế COVAX. Lô vắc-xin bổ sung này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng phạm vi tiêm phòng đến nhiều người ở các nhóm ưu tiên.
Lô vắc-xin bổ sung này sẽ giúp Bộ Y tế mở rộng phạm vi tiêm phòng đến nhiều người ở các nhóm ưu tiên, đồng thời cung cấp liều thứ hai cho những người đã được tiêm liều đầu tiên.