Sáng 12/2, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư Vùng với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững".
Chương trình hành động này vừa được Chính phủ ban hành vào ngày 8/2/2023. Như vậy, rất nhanh chóng và quyết liệt, chỉ sau 4 ngày ban hành Chương trình hành động, Chính phủ đã bắt tay ngay vào triển khai thực hiện, nhằm sớm đưa Vùng đồng bằng sông Hồng phát triển đột phá.
Vùng động lực phát triển hàng đầu của cả nước
Tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng công bố Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo đó, Chính phủ đề ra 21 chỉ tiêu cụ thể về kinh tế, xã hội và môi trường đến năm 2030; 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm; 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bằng Sông Hồng để giúp vùng phát triển đột phá.
Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành có tham luận về các nhiệm vụ, giải pháp của ngành, địa phương thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và của Chính phủ nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trong đó, sẽ phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải vùng đồng bằng sông Hồng hiện đại, liên kết vùng và quốc tế; phát triển vùng đồng bằng sông Hồng trở thành trung tâm khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo hàng đầu cả nước;
Phát triển thị trường lao động, gắn kết cung cầu lao động đáp ứng nhu cầu phát triển vùng; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, từng bước tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...
Lãnh đạo các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam... tham luận các nội dung phát triển các địa phương.
Trong đó, xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh, hiện đại, có bản sắc, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước; Phát triển bền vững kinh tế biển Hải Phòng theo hướng tăng trưởng xanh để trở thành trung tâm đô thị - dịch vụ - du lịch kết nối với khu vực và thế giới; Giải pháp thu hút đầu tư vào Hà Nam trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học và các sản phẩm công nghiệp mới...
Đặc biệt, lãnh đạo của nhiều doanh nghiệp, tổ chức quốc tế có các tham luận nhằm phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trong đó, ông Keiju Mitsuhashi, Phó Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam quan tâm đến vấn đề ứng dụng công nghệ thông minh trong phát triển đô thị toàn diện ở đồng bằng Sông Hồng;
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức ngoại thương Nhật Bản tại Hà Nội tham luận về giải pháp thu hút dòng vốn FDI thế hệ mới của Nhật Bản trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, phát triển kết cấu hạ tầng hiện đại liên vùng và xây dựng mạng lưới đô thị thông minh vùng.
Ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đề xuất giải pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh
Thống nhất với các báo cáo và ý kiến phát biểu, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng so với các vùng trong cả nước và một số lĩnh vực có thể so với khu vực và thế giới.
Nhấn mạnh quyết tâm biến vùng đất này thành vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, Thủ tướng nêu rõ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đây là Hội nghị "3 trong 1": Triển lãm thành tựu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và giới thiệu nông sản đặc trưng của Vùng; công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị; xúc tiến đầu tư Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đây cũng là hội nghị cuối cùng triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng KT-XH trên cả nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "nhất hô bá ứng, tiền hộ hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Chính phủ đang tiếp tục thực hiện các công việc tiếp theo như xây dựng, kiện toàn các hội đồng vùng và cơ chế hoạt động, cơ chế, chính sách, quy hoạch… để phát triển các vùng. Thủ tướng nhấn mạnh điều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cùng chung tay làm, khẩn trương, quyết liệt, sát thực tế, khả thi và hiệu quả.
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và đặc biệt là các địa phương trong vùng nghiêm túc quán triệt 5 quan điểm phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng trong Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm: "Khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước".
Trên cơ sở đó, Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa Nghị quyết 30-NQ/TW, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển vùng, bảo đảm phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của Vùng; đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong Vùng chỉ đạo nghiên cứu kỹ, xác định rõ lộ trình, bước đi phù hợp để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai các giải pháp cụ thể, thiết thực, hiệu quả với tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Cả nước vì Đồng bằng sông Hồng; Đồng bằng sông Hồng vươn lên cùng cả nước và vì cả nước”.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển Vùng theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, cần đặc biệt quan tâm tập trung một số lĩnh vực gồm hạ tầng chiến lược kết nối (gồm hạ tầng cứng và mềm, hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…), chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, bảo vệ môi trường.
Phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả trên cơ sở bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, lựa chọn ưu tiên phù hợp, triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu chắc đến đó, việc nào dứt việc đó.
Phát huy mạnh mẽ các nguồn lực cả công và tư; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, trong đó nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên. Tự lực, tự cường đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, không trông chờ, ỷ lại.
Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Đánh giá cao sự có mặt của nhiều nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và quốc tế tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm "hợp tác và phát triển" trong thu hút đầu tư. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương quán triệt tinh thần luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tinh thần "Đã nói là phải làm. Đã cam kết phải thực hiện hiệu quả", bằng năng lực, trí tuệ, kinh nghiệm để chuyển hóa những tiềm năng, lợi thế của Vùng Đồng bằng sông Hồng thành những sản phẩm, công trình cụ thể, giá trị cụ thể, đo lường được, tạo động lực phát triển.
Công bố thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng
Tại lễ công bố, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch Đầu tư cùng đại diện 6 đối tác phát triển là: Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam; Cơ quan phát triển Pháp (AFD); Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA); Ngân hàng xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM); Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam; Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác cung cấp vốn cho các dự án phát triển vùng đồng bằng sông Hồng với tổng số 20 dự án, tổng quy mô vốn hơn 2,6 tỷ USD, tập trung ưu tiên cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, thủy lợi, ứng phó biến đổi khí hậu.
Trong khuôn khổ lễ công bố đã diễn ra lễ trao 30 văn kiện là các Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án. Quyết định chủ trương đầu tư các dự án, Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng vốn đầu tư 167.000 tỷ đồng (tương đương 7,1 tỷ đô la Mỹ) của các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng.
Nhiều dự án lớn đã được lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong Vùng trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư các dự án. Quyết định chủ trương đầu tư như: Dự án Bãi đỗ xe, Trung tâm thương mại Aeon Mall Hoàng Mai, Giáp Bát với tổng mức đầu tư trên 6.000 tỷ đồng; Dự án đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội để bán và cho thuê với tổng mức đầu tư trên 4.800 tỷ đồng; Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Yên Mỹ II mở rộng với tổng mức đầu tư gần 2.700 tỷ đồng...
Riêng tại tỉnh Quảng Ninh có Dự án sản xuất các sản phẩm an toàn cho ô tô và xe có động cơ khác để xuất khẩu với tổng mức đầu tư trên 3.773 tỷ đồng của Công ty TNHH Autoliv Việt Nam; Dự án sản xuất khóa chốt và dập định hình Boltun Việt Nam tại KCN Bắc Tiền Phong, TX Quảng Yên và Dự án sản xuất các linh kiện phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô với tổng mức đầu tư trên 4.000 tỷ đồng của Tập đoàn QST International Corporation và Boltun Corporation.