Đến hết năm 2018, dự kiến sẽ đưa nhiều dự án vào sản xuất, với tổng công suất khoảng trên 12 triệu tấn/năm
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng và Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam rà soát, báo cáo Thủ tướng tình hình sản xuất xi măng hiện nay và dự báo nhu cầu trong thời gian tới.
Trước đó, báo chí phản ánh, tình trạng đầu tư mới ồ ạt cùng với việc nâng cấp, cải tạo lại công suất các nhà máy hiện hữu đang đặt ngành xi măng trước nguy cơ dư thừa hàng chục triệu tấn xi măng mỗi năm.
Cụ thể, theo thống kê mới nhất của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) trong nửa năm 2018 tiêu thụ sản phẩm xi măng đạt khoảng 45 triệu tấn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt trên 50% kế hoạch của cả năm 2018.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định, với tốc độ phát triển như hiện nay, chỉ trong thời gian ngắn ngành xi măng sẽ bị dư thừa nguồn cung. Bởi nếu tính các dự án đang tiến hành đầu tư, dự kiến hoàn thành trong năm nay, tổng công suất thiết kế toàn ngành đã lên đến gần 110 triệu tấn/năm.
Chưa kể, các nhà máy xi măng đã đi vào sản xuất hiện nay cũng không ngừng đầu tư cải tiến kỹ thuật, công nghệ, nên năng lực sản xuất thực tế đến năm 2020 có thể lên tới 120 - 130 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, theo dự báo với tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì đến năm 2020 sẽ dư thừa từ 36 - 47 triệu tấn; còn theo dự báo trong quy hoạch, với khả năng tiêu thụ trong nước năm 2020 là 93 triệu tấn, sẽ dư thừa khoảng 25 - 36 triệu tấn.
Mặc dù tình trạng dư thừa mặt hàng xi măng đang ở mức báo động, nhưng hàng loạt dự án, dây chuyền sản xuất xi măng mới vẫn đang cấp tập bổ sung vào năng lực cung ứng cho toàn ngành.
Cụ thể, năm 2017 đưa vào vận hành 3 dự án sản xuất lớn với tổng công suất trên 10 triệu tấn/năm. Còn kết thúc năm 2018, dự kiến sẽ đưa nhiều dự án vào sản xuất, với tổng công suất khoảng trên 12 triệu tấn/năm.